12/02/2025 15:36 GMT+7

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo nhờ mua thực phẩm, đặt rượu

Gần đây, các doanh nghiệp du lịch tại Phú Yên thông báo hàng loạt vụ lừa đảo nhờ mua rượu, thực phẩm nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo đặt thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 1.

Nội dung yêu cầu đặt rượu qua bên thứ 3 của kẻ lừa đảo - Ảnh: chụp màn hình

Chiều 12-2, ông Nguyễn Nhật Kiên - đại diện khách sạn Vy Quý (TP Tuy Hòa) - cho hay ngày 11-2, một người tự xưng là công an gọi điện đến khách sạn đặt phòng lưu trú cho khoảng 20 người (ở từ ngày 12-2 đến 14-2).

Chiêu lừa đảo cũ nhưng cách thực hiện mới

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo đặt thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 2.

Đoạn tin nhắn với khách sạn Vy Quý của đối tượng lừa đảo nhờ mua rượu - Ảnh: Chụp màn hình

Sau đó người này có yêu cầu kết bạn qua Zalo hỏi có quán cơm nào ngon, rồi nhờ đặt mua rượu ngoại để đãi tiệc.

"Lúc gọi video call qua Zalo người này mặc đồ công an, liên tục hối thúc và bảo chúng tôi liên hệ qua một địa chỉ bán rượu mà người này giới thiệu. Tôi nghi ngờ nên từ chối thực hiện, vậy là người này đã hủy kết bạn và xóa luôn tin nhắn", ông Kiên nói.

Tương tự, ông Trịnh Quang Bảo, giám đốc điều hành khách sạn Sala Grand Tuy Hòa (TP Tuy Hòa), cho hay ngày 6-2, một đối tượng giả danh khách VIP liên hệ với đơn vị để đặt tiệc lớn.

Họ yêu cầu dịch vụ cao cấp, không mặc cả giá để đánh vào tâm lý của nhân viên. Sau khi chốt đặt phòng và tiệc, người này yêu cầu khách sạn mua rượu ngoại đắt tiền với 4 chai (giá mỗi chai từ 5 triệu đồng) từ "đại lý quen" được họ giới thiệu.

Để tiếp tục tạo lòng tin, người này sử dụng chứng từ thanh toán giả, chụp và gửi ảnh phiếu "ủy nhiệm chi" đã ký, thể hiện đã chuyển vào tài khoản của khách sạn số tiền 20 triệu đồng. Sau đó thì thúc giục đặt mua rượu.

"Tôi bắt đầu nghi ngờ nên có liên hệ đến tài khoản Zalo có tên là "Tâm Hà" mà người khách này nói là đại lý để mua rượu, khi tôi muốn đến xem trực tiếp hàng tại kho rượu thì người này từ chối. Sau một hồi nói chuyện người này chửi bới rồi cắt liên lạc", ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, khách sạn đã cảnh giác chiêu trò này, ngay khi thấy phiếu ủy nhiệm chi đã liên hệ ngân hàng xác thực có việc giao dịch trên hay không? Đồng thời chờ thêm thời gian không thấy tin báo tiền vào tài khoản khách sạn nên không thực hiện yêu cầu mua rượu, tránh được việc sập bẫy.

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo đặt thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 3.

Người tự nhận đại lý rượu sau khi biết bị phát hiện liền chửi bới, hủy kết bạn - Ảnh: chụp màn hình

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo nhờ mua thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 5.

Phiếu ủy nhiệm chi giả mà vị khách VIP chuyển cho phía khách sạn Sala Grand Tuy Hòa - Ảnh: Q.B.

Đại diện khu du lịch Sông Ba Farmstay (TP Tuy Hòa) cũng cho hay tháng 6-2024, một người tự xưng làm việc cho cơ quan quân đội trên địa bàn (có gọi điện thoại trực tiếp và mặc quân phục) nhờ đặt mua lương khô quân đội 45 triệu đồng. Qua xác minh thông tin tại các cơ quan quân đội không có người tên và chức danh như đối tượng đã tự giới thiệu, ngoài ra nhận thấy phiếu ủy nhiệm chi có nhiều điểm nghi vấn nên khu du lịch đã không thực hiện theo.

"Tôi thấy là tại sao bộ đội mà đặt ăn cho huấn luyện và nhờ mua lương khô, nên gọi Tỉnh đội, Thành đội xác minh. Người này đặt ăn cho 100 người với 3 ngày, mỗi người giá 150.000 đồng/suất, chuyển luôn tiền cọc rồi yêu cầu tôi mua lương khô phục vụ", đại diện khu du lịch Sông Ba Farmstay thông tin.

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo nhờ mua thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 6.

Kẻ lừa đảo còn giả dạng người trong quân đội đi đặt tiệc - Ảnh: Q.Đ.

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo nhờ mua thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 7.

Lương khô mà kẻ lừa đảo yêu cầu khu du lịch Sông Ba Farmstay đặt hộ - Ảnh: Q.Đ.

Tái diễn nhiều vụ lừa đảo nhờ mua thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 8.

Phiếu ủy nhiệm chi giả của đối tượng trên - Ảnh: Q.Đ.

Cảnh báo lừa đảo cho các doanh nghiệp du lịch

Ông Hồ Văn Tiến, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, cho hay đã nắm được các phản ánh của các chủ khu du lịch, khách sạn trên. Những kẻ lừa đảo dùng thủ đoạn không mới, nhưng rất tinh vi khi giao tiếp như giả làm khách VIP, thậm chí còn giả danh cán bộ, cơ quan chức năng dễ khiến cho các chủ nhà hàng, khách sạn sập bẫy. Vì vậy, các doanh nghiệp hết sức cảnh giác; đồng thời cần ghi lại chứng cứ, hình ảnh để báo công an và cảnh báo cộng đồng.

"Hiệp hội và các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng liên tục phát đi cảnh báo để các doanh nghiệp biết cách xử lý, tránh bị lừa. Cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp trình báo cơ quan chức năng để xử lý", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, để đảm bảo an toàn trong giao dịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ cần xác minh danh tính khách hàng như yêu cầu CMND/CCCD, thông tin công ty, địa chỉ cụ thể trước khi nhận đặt tiệc, phòng, hàng hóa.

Không thanh toán trước cho bên thứ ba, chỉ hỗ trợ mua hàng nếu tiền đã vào tài khoản 100% thực tế.

Kiểm tra ủy nhiệm chi cẩn thận, phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng để xác minh trước khi thực hiện giao dịch.

Cảnh giác với các yêu cầu gấp gáp kẻ lừa đảo thường tạo áp lực thời gian để khiến nạn nhân mất cảnh giác.

Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy liên hệ công an hoặc ngân hàng để được hỗ trợ.

Phú Yên tái diễn hàng loạt vụ lừa đảo đặt thực phẩm, đặt rượu - Ảnh 5.Thêm nhà hàng Đà Lạt bị lừa hơn nửa tỉ khi nhận đặt tiệc qua điện thoại

Thêm một nhà hàng ở Đà Lạt bị lừa số tiền lớn, hơn 500 triệu đồng khi nhận đặt tiệc qua điện thoại. Đây là vụ lừa thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng vài ngày với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên