
Hình ảnh ông Hun Sen họp bàn cùng các quan chức Campuchia được đăng tải vào ngày 24-7 - Ảnh: Facebook Samdech Hun Sen of Cambodia
Ngày 24-7, tờ Nation Thailand của Thái Lan đưa tin Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã lên máy báy riêng, khởi hành từ Phnom Penh đến Trung Quốc.
Tờ này dẫn thông tin từ trang Facebook Lực lượng quân đội (Army Military Force): "Báo cáo mới nhất: Máy bay riêng 800XP của Samdech Hun Sen đã khởi hành từ Phnom Penh và đang trên đường đến Trung Quốc".
Theo Nation Thailand, trang Facebook này cũng chia sẻ hình ảnh máy bay và số hiệu chuyến bay, được xác định là MEDIC77.
Tuy nhiên, tờ này cũng dẫn dữ liệu từ Flightradar24 cho thấy vào lúc 15h27 (giờ Thái Lan), chuyến bay MEDIC77 - được cho là chở ông Hun Sen - đã hạ cánh xuống sân bay Incheon ở Hàn Quốc.
Ngay sau đó, tờ Khmer Times của Campuchia đưa tin nước này lên tiếng bác bỏ thông tin ông Hun Sen rời Phnom Penh mà truyền thông Thái Lan đưa ra.
Theo đó, ông Hun Sen - người hiện giữ chức chủ tịch Hội đồng Cố vấn tối cao Quốc vương Campuchia - đang trực tiếp tham gia chỉ huy các hoạt động quân sự thông qua hệ thống liên lạc video, cùng với Thủ tướng Hun Manet.
"Samdech Techo hiện đang chỉ huy quân đội thông qua hệ thống video tại Campuchia, cùng với Thủ tướng, bộ trưởng Quốc phòng, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang và toàn thể các cấp lực lượng vũ trang, để đáp trả quân xâm lược. Ông ấy không bỏ đi đâu cả", người phát ngôn Chea Thyrith của ông Hun Sen cho biết.

Ông Hun Sen lên tiếng bác bỏ thông tin từ truyền thông Thái Lan rằng ông đã rời Campuchia sang Trung Quốc - Ảnh: Facebook Samdech Hun Sen of Cambodia
Cùng ngày, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cũng lên tiếng bác bỏ thông tin từ truyền thông Thái Lan, gọi đây là "tin bịa đặt".
Ông xác nhận đang phối hợp với các lãnh đạo quân sự cấp cao thông qua hệ thống video và các kênh khác, trong bối cảnh căng thẳng với Thái Lan xảy ra ở khu vực biên giới Preah Vihear.
"Không lâu trước đây, một tờ báo Thái Lan đăng tin tôi đã rời Campuchia sang Trung Quốc. Tôi xin làm rõ rằng hiện tại tôi đang tích cực chỉ huy quân đội cùng với Thủ tướng, bộ trưởng Quốc phòng, tổng tư lệnh quân đội và các chỉ huy của tất cả đơn vị vũ trang qua hệ thống video và các kênh liên lạc khác. Tôi không đi đâu cả, xin đồng bào đừng lo lắng!", ông nhấn mạnh.
Ông tuyên bố: "Tôi đã ngồi đây kể từ khi tư lệnh Quân khu 2 của Thái Lan đe dọa đóng cửa lối vào đền Ta Moan Thom".
Căng thẳng leo thang giữa Thái Lan và Campuchia
Theo Đài CNN, căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng trước đó đã leo thang vào tháng 5, khi một binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ ngắn giữa quân đội hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp.
Dù tuyên bố muốn hạ nhiệt, cả hai nước đều tăng cường quân đội dọc biên giới. Thái Lan kiểm soát cửa khẩu, dọa cắt điện và Internet tại các thị trấn biên giới của Campuchia. Còn Phnom Penh cấm nhập nông sản và phim ảnh Thái.
Các vụ nổ mìn gần đây khiến nhiều binh sĩ thương vong, làm căng thẳng leo thang dẫn đến việc hai nước hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Đến sáng 24-7, đụng độ vũ trang đã bùng phát giữa quân đội Thái Lan và Campuchia tại biên giới, khiến ít nhất 11 dân thường và 1 quân nhân ở Thái Lan thiệt mạng. Phía Campuchia hiện chưa báo cáo bất kỳ trường hợp thương vong nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận