TTCT - Sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng, danh tiếng và sức hút của nhà trường; đại học danh tiếng không đào tạo sinh viên xuất sắc, họ chỉ mời được sinh viên xuất sắc vào học. 1. Tuyển sinh đại học năm nào cũng có vấn đề: năm ngoái chộn rộn chuyện thay đổi nguyện vọng chọn trường, gây nên hiện tượng “rút ra nộp vào”; năm nay là chuyện trường nào cũng tuyển không đủ số sinh viên theo chỉ tiêu. Nhưng cái gọi là vấn đề đó chính là một sự chuyển mình rất đáng quan sát và suy ngẫm: nay trường cần sinh viên chứ không phải sinh viên chầu chực với trường; nay trường công cũng phải cạnh tranh với trường tư để thu hút sinh viên chứ không phải cứ ngồi chờ sinh viên xếp hàng xin vào học. Sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng, danh tiếng và sức hút của nhà trường; đại học danh tiếng không đào tạo sinh viên xuất sắc, họ chỉ mời được sinh viên xuất sắc vào học. Điều giản dị này có lẽ sau kỳ tuyển sinh năm nay nhiều trường mới thấm hiểu, chứ không “ngây thơ” như một giảng viên từng lớn tiếng tuyên bố “hãy dẹp ngay việc mang sự nghèo sự khó ra để làm sức ép đối với học phí đại học”. 2. Nhiều người từng đọc tin, khen một học sinh nào đó xuất sắc đến nỗi trúng tuyển một lúc đến 12 trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Đọc thì thích thú, nhưng ít ai để ý tỉ lệ sinh viên ảo ở bên Mỹ nếu thế còn kinh khủng hơn tại Việt Nam nhiều. Vậy họ giải quyết thế nào? Mùa tuyển sinh, một học sinh có thể rải cả chục bộ hồ sơ đến các trường em ấy chọn, đâu chỉ nộp hai trường (trong đợt 1), ba trường (các đợt xét tuyển bổ sung) như mùa tuyển sinh năm nay ở Việt Nam. Thế nên nỗi lo của các trường đại học Mỹ chẳng khác gì các trường của ta: họ tìm mọi cách để thí sinh nào được tuyển chịu nhập học. Tỉ lệ chịu nhập học sau khi được tuyển như thế ở các trường danh tiếng nhất như Harvard cũng chỉ 80%. Các trường khác thì tỉ lệ này thấp hơn nhiều, chừng 40-60%. Thế nên trường nào cũng có những “chiêu thức” lôi kéo sinh viên về trường mình, nhẹ thì tặng áo in logo trường, nặng ký hơn là các khoản trợ cấp tài chính hậu hĩnh. Dĩ nhiên một chiếc áo T-shirt làm sao thay đổi được ý định của một sinh viên tương lai, nhưng cách tiếp cận, chào mời, hướng dẫn tham quan trường, rồi gói thông tin hướng dẫn tân sinh viên, ngay cả lời văn trong thư chúc mừng học sinh được tuyển chọn cũng là những yếu tố tác động lên chọn lựa của sinh viên. Vậy nên việc các trường Việt Nam cử người gọi điện cho từng thí sinh là chuyện đương nhiên phải tính đến, nhưng dường như đến nay chưa thấy ai, trường nào nhân cơ hội này công bố các mức học bổng cho sinh viên điểm cao hay sinh viên đạt điểm con nhà nghèo để thí sinh khoe như các em Việt Nam vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ thường khoe! Và trường tư có chính sách học bổng để thu hút sinh viên, còn trường công cứ thờ ơ như thể chỉ sinh viên cần họ. Ngược lại, một trong những điều học sinh Mỹ được dạy là nếu em nộp hồ sơ 10 trường và rồi chọn một trường thì sau đó phải viết thư cho 9 trường còn lại, cảm ơn và thông báo mình sẽ không nhận lời mời vào nhập học. Đó là phép lịch sự tối thiểu. Nếu các trường Việt Nam có những phương thức để học sinh sau khi chọn xong trường họ thích, nhấn nút trả lời từ chối trường kia, biết đâu sẽ giúp trường nhẹ gánh phần nào? 3. Tỉ lệ chịu nhập học của các trường đại học ở Mỹ khá ổn định, có thay đổi hằng năm nhưng chỉ một vài điểm phần trăm. Còn lại, họ đã biết nên gọi bao nhiêu học sinh là vừa. Có trường cần tuyển 1.500 sinh viên bèn gửi thư chấp thuận cho 3.000 sinh viên. Với tỉ lệ chịu nhập học chừng 50%, họ thừa biết sẽ tuyển được chừng đó, không sợ nhiều hơn, trường không kham nổi. Trường nào thận trọng hơn thì làm một danh sách chờ, báo cho học sinh biết khả năng trúng tuyển là như thế. Nếu có học sinh nào trúng tuyển mà không nhập học, trường sẽ gọi các em trong danh sách chờ này. Trường nào lo xa thì áp dụng cách tuyển “quyết định sớm” - em nào được chọn sớm, thường là trước khi có kết quả tuyển sinh chính thức đến 3-4 tháng, sẽ được nhận với điều kiện phải rút hồ sơ ở các trường khác về, cam đoan chấp nhận vào học. Nhưng vì sao họ cho học sinh nộp hồ sơ đến cả chục trường cũng không sợ tỉ lệ ảo, còn mình chỉ hai trường mà vẫn lộn xộn, tuyển mãi cũng không đủ sinh viên? Ta từng biết đến giải Nobel kinh tế năm 2012 (trao cho Alvin E. Roth và Lloyd S. Shapley) nhờ công trình nghiên cứu về... tuyển sinh đại học. Điểm mấu chốt là cho phép học sinh được áp dụng chiến thuật “chấp nhận trong trì hoãn”. Hiện nay, học sinh là người phát ra tín hiệu trước - trường nhận được tín hiệu và chọn hay không chọn. Tại sao không làm ngược lại: trường là nơi phát ra tín hiệu trước - học sinh sẽ là người quyết định chọn hay không chọn? Dựa vào thống kê phổ điểm của thí sinh ở các tổ hợp môn thi mà Bộ GD-ĐT đã công bố, trường tính toán và công bố điểm trúng tuyển vòng một (vòng này điểm cao) và công bố nhận hồ sơ đạt mức điểm này trong một thời gian nhất định. Sau thời gian này, nếu chưa nhận đủ lượng sinh viên cần tuyển thì công bố điểm trúng tuyển vòng hai (thấp hơn một chút)... cứ thế đến khi tuyển đủ chi tiêu được giao. Làm đúng theo tinh thần này thì rõ ràng trường ngỏ lời dạm hỏi sinh viên và háo hức chờ sinh viên nhận lời, chứ không phải ngược lại. Cuộc sống luôn vận động theo hướng chiều theo lẽ tự nhiên như thế - trước sau gì cũng ổn, có điều nhanh hay chậm, thong dong hay vất vả mà thôi. Tags: Tuyển sinh 2016Suy ngẫm chuyện tuyển sinh
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.