
Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện - Ảnh: VTV
Có bà mẹ kêu trời vì đã mua sản phẩm hiệu M., sản xuất tại Hòa Bình nhưng thương nhân phân phối thuộc 10 công ty trong "hệ sinh thái sữa giả" không nhận lại sữa M. chưa dùng với lý do danh sách có sản phẩm M. mới nhận lại.
Nhưng lạ nhất là phản ứng của Bộ Công Thương khi nói sản phẩm này không phải đối tượng quản lý.
Còn Bộ Y tế nói theo thông tư 15 phân cấp cho địa phương, tức là không chịu trách nhiệm.
Tại Hà Nội, một quan chức Sở Y tế cho biết Chi cục An toàn thực phẩm thuộc sở này chỉ nhận công bố một số sản phẩm trong nhóm, còn lại là các tỉnh khác. Tỉnh khác là tỉnh nào thì chưa rõ.
Vụ phát hiện sữa giả đã làm rất nhiều gia đình lo lắng bởi liên quan đến trẻ nhỏ, người ốm đau, người già, trẻ sinh non.
Đây là những người cần dinh dưỡng tốt để có thể lớn lên hay khỏe mạnh, phục hồi, các gia đình không tiếc những đồng tiền họ vất vả làm ra để chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già.
Thế mà họ mua phải sữa giả, trong bốn năm gần 600 loại sữa giả tung ra thị trường mà không ai kiểm tra giám sát, không đơn vị nào chịu trách nhiệm, khiến người dân bức xúc và lo lắng.
Theo quy định hiện hành, mặt hàng sữa nội địa có thể lưu hành trên thị trường chỉ qua bước tự công bố chất lượng qua mạng, cơ quan nhà nước quản lý bằng hậu kiểm. Tuy nhiên có "soi" mới thấy quy trình hậu kiểm cũng có vấn đề.
Đó là phải phát hiện dấu hiệu lạ mới kiểm tra, hơn nữa kiểm nghiệm sữa chi phí đắt đỏ, nếu kiểm nghiệm mà không phát hiện vi phạm thì bên kiểm tra phải trả phí, ngược lại có vi phạm thì doanh nghiệp mới trả phí kiểm nghiệm.
Vậy hậu kiểm cách nào, ai dám quyết định trường hợp phải kiểm nghiệm? Phải chăng đó là lý do trong bốn năm với gần 600 loại sữa mà "hệ sinh thái sữa giả" không bị lấy mẫu kiểm tra lần nào, từ đó thoải mái đánh lừa người dùng để thu tới 500 tỉ đồng tiền sữa.
Tuy nhiên, sự việc lần này lại gióng lên một hồi chuông nữa về cách quản lý "thả gà ra đuổi".
Cho phép tự công bố và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm là dễ dàng hơn và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhưng hậu kiểm thế nào, tỉ lệ mẫu lấy của các doanh nghiệp ra sao, mặt hàng nào cần hậu kiểm hằng năm để đảm bảo chất lượng... là vấn đề rất cần đưa ngay vào quy định.
Ngay thời điểm này, thị trường còn rất nhiều sản phẩm sữa đang bị nghi vấn có tình trạng lập lờ về chất lượng rồi quảng cáo trên trời như nhóm sữa giả. Nên chăng nên tổng kiểm tra và xử lý tận gốc để người tiêu dùng không bị "việt vị" thêm lần nào nữa!
Nhưng đó là việc trước mắt, còn chấn chỉnh và quản lý thế nào để cho thị trường sữa nói riêng và hàng hóa nói chung đi vào nề nếp mới là quan trọng.
Từ câu chuyện sữa giả mới thấy chuyện chia cắt trong quản lý với nhiều ban bệ, ai cũng có quyền nhưng lại không chịu trách nhiệm đã để lại quá nhiều lỗ hổng, khiến con lạc đà "oai phong" bước qua quản lý, vô tư bán hàng giả, móc túi người tiêu dùng.
Bởi thế mới càng thấm thía việc phải tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chỉ một đầu mối chịu trách nhiệm, không thể duy trì quản lý kiểu "năm cha, ba mẹ", sai vẫn sai; khi xảy ra chuyện thì bộ này chỉ bộ kia, rồi chỉ xuống địa phương và... huề trất!
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang thắp lên hy vọng chấm dứt tình trạng "quản thì đông, trách nhiệm thì... không".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận