TTCT - Văn hóa tiêu dùng đang vắt kiệt chúng ta, và việc có quá nhiều lựa chọn chưa chắc đã làm ta hạnh phúc. Đó là quan niệm của giáo sư, triết gia Slovenia Renata Salecl - người cho rằng tự do lựa chọn từ vô số cơ hội việc làm hoặc vô số thương hiệu cà phê cuối cùng sẽ trở thành gánh nặng, và rằng xã hội đang bị cai trị bởi cái gọi là “sự chuyên chế của lựa chọn” - cũng là nhan đề một quyển sách vừa xuất bản của Renata Salecl. TTCT trích dịch cuộc trò chuyện thú vị của bà với tờ Spiegel. Phóng to Renata Salecl - Ảnh: blog.ted.com Khi “hãy hạnh phúc” trở thành mệnh lệnh Renata Salecl (sinh năm 1962) là triết gia Slovenia, nhà xã hội học, làm việc tại Viện Nghiên cứu tội phạm thuộc khoa luật của Đại học Ljubljana, là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Kinh tế London. Năm 2010, bà được Slovenia trao giải “Khoa học gia nữ của năm”. Bà Salecl, tại chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Subway, chúng ta phải đưa ra nửa tá lựa chọn trước khi thưởng thức được món sandwich của mình. Có phải đó là điều bà hình dung khi giảng bài về “sự chuyên chế của lựa chọn”? - Tôi cố tránh những chỗ như Subway, và nếu phải vào đó bao giờ tôi cũng gọi chỉ một món như cũ. Khi đề cập đến “sự chuyên chế của lựa chọn”, tôi muốn nói về ý thức hệ xuất phát từ kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp. Tôi bắt đầu với “giấc mơ Mỹ”, tức về người - tự - mình - làm - nên, người từ khó khăn vươn tới giàu có. Dần dần, quan niệm sự nghiệp này phát triển thành một triết lý sống phổ quát. Ngày nay, ta tin rằng mình có thể chọn tất cả mọi thứ: cách chúng ta sống, cách chúng ta nhìn, ngay cả cà phê ta mua. Chúng ta luôn luôn cân nhắc lựa chọn của mình. Điều đó cực kỳ không lành mạnh. Tại sao? - Bởi nếu vậy thì chúng ta luôn luôn cảm thấy stress, bị quá tải và có lỗi. Bởi vì theo ý thức hệ đó, chính là chúng ta có lỗi nếu ta không hạnh phúc. Có nghĩa ta đã đưa ra chọn lựa sai. Vậy nếu ta chọn đúng? - Trong trường hợp đó, chúng ta luôn cảm thấy còn có gì đó tốt hơn ẩn tránh đâu đó. Chúng ta sẽ không bao giờ thật sự hài lòng và sẽ không sẵn lòng thích ứng với mọi thứ. Thế chẳng phải những kẻ chuyên quyền nhiều thế kỷ qua đã bảo “đừng để những kẻ bình thường quyết định, anh ta không đủ thông thái” đó sao? Bà cho rằng họ nói sai à? - Không, tôi không chỉ trích tự do chính trị hay tự do bầu cử, mà là việc hiểu sai quan điểm này của chủ nghĩa tư bản: ảo tưởng rằng tôi nắm trong tay quyền năng điều khiển cuộc sống của mình. Nhưng tôi đang có quyền đó đây thôi. Tôi có thể tự quyết định cái tôi muốn, ngay cả khi nó làm tôi stress... - Không hề. Một người bạn là nhà tâm lý học có lần đã kể cho tôi về một bệnh nhân, một phụ nữ có học, có công việc tốt, nhà cửa đàng hoàng và một ông chồng rất yêu thương bà. “Tôi đã làm đúng mọi chuyện trong đời - bà nói - nhưng tôi vẫn không hạnh phúc”. Tôi cho rằng bà ấy đã không làm mọi chuyện mình muốn mà làm những chuyện bà ấy nghĩ xã hội đang kỳ vọng ở bà. Vậy chúng ta cần phải theo đuổi tốt hơn hạnh phúc cá nhân sao? - Ngay cả đó cũng là ảo tưởng. Vì nếu vậy, hạnh phúc đã trở thành công cụ đo chúng ta lần nữa. Thế giới đầy những tạp chí phụ nữ lèo lái ta rằng cái gì làm ta hạnh phúc. Đầy những status trên Facebook kể ta nghe những người khác đang làm gì với cuộc đời của họ. Còn có cả những chỉ số đong đo hạnh phúc của các dân tộc “Hãy hạnh phúc” đã trở thành một mệnh lệnh xã hội. Nếu không hạnh phúc, coi như anh thất bại. Nhưng cái mệnh lệnh ấy cũng bảo mọi người rằng họ có thể tự đưa ra chọn lựa của mình, cho họ quyền kiểm soát lớn hơn cuộc sống của mình đấy thôi. - Đúng. Nhưng chỉ một phần. Chúng ta vẫn không thể kiểm soát hậu quả mà lựa chọn của ta mang tới. Đó là bước tiếp theo. Không chỉ ta muốn tự do cho những chọn lựa của mình, mà còn muốn bảo đảm rằng bất cứ gì ta chọn sẽ đúng như ta mường tượng. Hãy tạo ra ranh giới cho mình Tại sao chúng ta lại sợ phải trôi theo dòng như thế? - Bởi mỗi khi ta quyết định gì đó, chúng ta sẽ phải mất gì đó. Mua xe hơi là một thí dụ điển hình. Nhiều người không chỉ đọc các xếp hạng trước khi mua, mà còn tiếp tục (theo dõi các xếp hạng) cả sau đó nữa để chắc rằng họ lựa chọn đúng. Nhưng nếu chúng ta không lựa chọn, bởi ta không có khả năng, liệu ta có hạnh phúc hơn? - Nghịch lý là không. Một trong những thành tựu lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là ngay cả người nô lệ vô sản cũng cảm thấy mình là chủ. Anh ta tin rằng anh ta có quyền năng thay đổi cuộc sống của mình. Chúng ta được thúc đẩy bởi ý thức hệ người - tự - mình - làm - nên: chúng ta làm việc nhiều hơn và cuối cùng làm hao mòn chính mình. Hậu quả là sự suy kiệt, chứng cuồng ăn vô độ và vô số bệnh về lối sống. Tại sao ta lại đối xử với chính mình tệ vậy? - Sigmund Freud từng phát hiện rằng nỗi thống khổ mang đến cho người ta cảm giác thỏa mãn theo một cách kỳ lạ như khổ dâm vậy. Sự chuyên chế của lựa chọn khám phá ra cái mềm yếu đó. Văn hóa tiêu dùng vắt kiệt ta. Chúng ta đau khổ. Chúng ta tự hủy hoại mình. Mà đơn giản ta không thể dừng lại. Nhưng chúng ta đâu là nạn nhân thật sự. Cuối cùng thì chúng ta tự tạo ra hệ thống này và cho đến khi nào ta còn tiêu dùng, (hệ thống) đó sẽ còn tồn tại. Sau rốt thì chủ nghĩa tư bản chỉ phản chiếu bản chất của con người. - Đúng vậy. Freud cũng nói chúng ta chọn chứng loạn thần kinh chức năng của mình. Chủ nghĩa tư bản là chứng loạn thần kinh chức năng của nhân loại. Cũng có những phương cách khác. Như có một nhà hàng ở London chỉ phục vụ mỗi một món mà người ta vẫn xếp hàng chờ thử nó. Hay một công ty ở Berlin bán áo thun mà không trưng chúng ra để khách hàng ướm thử trước. - Đó là một cách tiếp thị khôn ngoan. Với trẻ em, bạn cũng có thể làm tương tự. Nếu bạn hỏi chúng muốn xem bộ phim nào, chúng sẽ khó lòng chọn lựa. Nói cách khác: nếu trước đó bạn bảo “Đi xem James Bond nào” chắc chắn chúng sẽ nói: “Không, mẹ à, cái gì đó khác chứ không phải phim này”. Nếu không có ranh giới, ta phải tạo ra chúng. Có bao giờ chúng ta tự do thật sự không? - Không. Nhưng chúng ta có thể sống một cuộc sống thư thái hơn. Chúng ta có thể chấp nhận rằng những quyết định của mình không thật hợp lý, rằng chúng ta luôn bị ước định bởi xã hội, rằng chúng ta phải đánh mất gì đó mỗi lần ta chọn một cái gì đó khác, và rằng chúng ta không thể thật sự kiểm soát hậu quả những quyết định của mình. Hai thí dụ về sự quá tải lựa chọn được Renata Salecl giới thiệu “Nhiều năm trước, biên tập viên một tạp chí Mỹ Jennifer Niesslein quyết định sắp xếp lại cuộc đời mình, sửa chữa hết mọi thứ mà bà thấy là chưa hoàn hảo. Chỉ sử dụng những lời khuyên trong các cẩm nang thực hành, bà tân trang nhà cửa, giảm cân, trở thành một người bạn đời và một người mẹ tốt hơn, nói chung là tìm một cách khả quan nhất để xây dựng cuộc sống của mình có ý nghĩa. Thế nhưng sau hai năm nỗ lực, bà phát hiện mình còn ít hài lòng hơn trước, thậm chí còn sợ hãi khi nghĩ về ý nghĩa cuộc đời... ...Một ví dụ khác về công việc của Manya, một người buôn bán ôtô. Các khách hàng mô tả loại xe họ cần và Manya sẽ giúp chọn loại ôtô nào hợp với nhu cầu và túi tiền của khách. Nhưng trước khi họ chuẩn bị về để cân nhắc chọn lựa, Manya nói thêm: “Chiếc ôtô các vị sắp mua là hoàn hảo đấy. Nhưng vài năm nữa khi con các vị rời nhà, khi các vị có thêm chút đỉnh tiền thì có một loại ôtô khác lý tưởng hơn... Nhưng cái mà các vị sắp mua là tuyệt đấy!”. Đa số khách hàng ngày hôm sau tới và mua loại ôtô thứ hai, loại họ thật sự chưa cần và thậm chí lấy của họ nhiều tiền hơn. Manya đã có thể vẽ được bức tranh trong đầu của khách hàng: hình ảnh một phương án lý tưởng, một điểm họ muốn đến trong tương lai. Mua chiếc ôtô sau sẽ làm họ gần hơn với con người mà họ muốn trở thành!“. Phóng to Quá nhiều lựa chọn sẽ gây stress? - Ảnh: culligansoutheastnm.com Overchoice - quá tải lựa chọn - là thuật ngữ mô tả hiện trạng người tiêu dùng phải đối mặt quá nhiều lựa chọn trong xã hội hậu công nghiệp. Lần đầu tiên, Overchoice được nhà tương lai học Alvin Toffler đưa ra trong quyển sách xuất bản năm 1970: Future shock. Kể từ cách mạng công nghiệp, mỗi năm lại có rất nhiều sản phẩm ra đời, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Trên bề mặt, đó là sự phát triển tiến bộ, nhưng nó lại giấu trong lòng mình vấn đề: đối mặt với quá nhiều chọn lựa, người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc đưa ra chọn lựa tối ưu, kết quả là sự lưỡng lự, buồn bực, thậm chí không muốn ra quyết định nữa. Alvin Tofler nhận định rằng khi chọn lựa trở nên quá tải, “tự do chọn lựa” một cách mỉa mai đã trở thành “mất tự do”. Quá tải lựa chọn đã được xác nhận bởi các công trình nghiên cứu đầu và giữa thập niên 1970. Chỉ riêng các thương hiệu xà phòng và bột giặt, số lựa chọn mà bình quân một siêu thị Mỹ đưa ra là từ 65 của năm 1950 đã vọt lên thành 200 của năm 1963 và 360 của năm 2004. Càng nhiều lựa chọn, tiến trình ra quyết định càng chậm. ____________ Nguồn: http://www.spiegel.de/international/zeitgeist/philosopher-renata-salecl-on-the-tyranny-of-choice-a-907961.htmlhttp://blog.ted.com/2013/06/13/the-problem-of-choice-renata-salecl-at-tedglobal-2013/http://www.guardian.co.uk/books/2011/aug/21/tyranny-choice-renata-selecl-review Tags: Thế giới không phẳngTriết giaVăn hóa tiêu dùngRenata Salecl
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.