TTCT - Dù ngày nay con người đã bay lên không gian, vẫn không lúc nào được quên sự giao lưu đích thực ngay trên Trái đất. Đó là nhắn nhủ của Carl Sagan, nhà thiên văn học và nhà vật lý thiên văn, trong Vũ trụ - sự tiến hóa của vũ trụ, sự sống và nền văn minh (*). Phóng to Năm 1980, bộ phim tài liệu truyền hình 13 phần mang tên Vũ trụ được phát sóng và thu hút số lượng người xem đông nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Song song với ba năm làm phim, tác giả kịch bản Carl Sagan phát triển cuốn sách của cá nhân ông, tương đối theo sát nội dung loạt phim. Khi hoàn thành, cuốn sách là một tác phẩm độc lập, đi sâu vào nhiều chủ đề hơn so với phim và đề cập nhiều kiến thức nhân văn sâu sắc. Vũ trụ tồn tại trong mỗi chúng ta Bên cạnh loạt phim đã thu hút hơn 5% dân số Trái đất theo dõi, tác phẩm Vũ trụ - sự tiến hóa của vũ trụ, sự sống và nền văn minh cũng trở thành một cột mốc trong sự nghiệp của tác giả trong việc "truyền bá một số ý tưởng, phương pháp và niềm vui khoa học", như ông khiêm tốn nhận xét. Trên hết, tác phẩm kích thích sự say mê và tình cảm của người đọc đối với những vấn đề khoa học chuyên sâu nhưng cũng gần gũi hơn bất cứ điều gì. Khi đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ dần hiểu rõ bản thân từ "vũ trụ" đã đa nghĩa và rộng lớn hơn bản thân mỗi người vẫn quen nghĩ. Tác giả dùng từ "Cosmos" để đặt tên cuốn sách. Đó là từ chỉ một vũ trụ có hài hòa và trật tự theo cách hiểu của người Hi Lạp, nhưng cũng có thể để chỉ "toàn bộ vật chất", "vũ trụ có ý thức". Vũ trụ không phải là không gian hỗn mang, xa lạ và thù địch nằm tách biệt bên ngoài Trái đất mà tồn tại trong mỗi chúng ta. Chúng ta không tách rời vũ trụ trong bất cứ phần nào của cuộc sống, bởi "có cái gì đó trong ta coi vũ trụ là nhà. Chúng ta được làm ra từ tro của các ngôi sao. Nguồn gốc và sự tiến hóa của chúng ta gắn với các biến cố vũ trụ xa xôi. Thám hiểm vũ trụ chính là chuyến du hành tự khám phá bản thân". Mười ba phần của cuốn sách - mười ba câu chuyện tuyệt đẹp về vũ trụ - đã tập trung vào không gì khác hơn là cuộc khám phá tất yếu ấy. Những tiêu đề "Sự hài hòa của các thế giới", "Thiên đường và địa ngục", "Bản nhạc blue cho hành tinh Đỏ", "Xương sống của đêm", "Bách khoa thư thiên hà"... không chỉ gợi nên chất thơ trong hành trình này, mà còn ngầm mách bảo rằng đó là chuyến đi không có điểm kết thúc. Từ vụ nổ Big Bang đến cách hoạt động của một phân tử sống, từ con cua Heike mang hình khuôn mặt của chiến binh samurai ở Nhật Bản đến thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, từ nền văn minh Hi Lạp đến Kepler và Newton, từ một hơi thở đến sức mạnh khủng khiếp của sao nơtron..., tất cả đều có liên quan đến nhau, tất cả đều tham gia để tạo nên những trật tự riêng trong bản nhạc nhiều bè của vũ trụ. Khoảnh khắc trong chiều thăm thẳm của thời gian Carl Sagan kể về tuổi thơ của ông, một cậu bé sống ở khu Brooklyn, New York, không có gì đặc biệt hơn bạn đồng lứa ngoài ham muốn mãnh liệt được hiểu rõ về "những đốm sáng nhấp nháy trên trời". Các tác phẩm của ông không chỉ là công việc, mà còn là niềm vui và khao khát chia sẻ về niềm say mê ấy. Ông dành nhiều trang để nói về việc các nhà khoa học Hi Lạp từng có những kiến giải hiện đại, xác đáng đến kinh ngạc, nhưng tất cả bị chìm lấp trong nhiều thế kỷ. Biết bao khả năng đã bị bỏ qua như thế, bao điều đẹp đẽ đã có thể nảy sinh nếu các vũ trụ riêng lẻ được gặp nhau. Bởi vậy, dù ngày nay con người đã bay lên không gian, vẫn không lúc nào được quên sự giao lưu đích thực ngay trên Trái đất. Cuốn sách cũng là một món quà dành cho cuộc giao lưu đó, với lượng kiến thức khổng lồ được kết nối vô cùng mạch lạc và hấp dẫn, để nói lên một điều giản dị: Chúng ta khảo sát vũ trụ về mặt không gian và thấy rằng chúng ta đang sống trên một hạt bụi quay xung quanh một ngôi sao tầm thường trong một xó xỉnh hẻo lánh bậc nhất của một thiên hà mờ nhạt. Mà một khi chỉ là cái chấm nhỏ tí trong không gian mênh mông thì chúng ta cũng chỉ chiếm một khoảnh khắc trong chiều thăm thẳm của thời gian, thế nhưng "chừng nào còn tồn tại con người thì anh ta vẫn còn đi tìm nơi chốn của mình trong vũ trụ". Carl Sagan (1934-1996) là nhà thiên văn học và nhà vật lý thiên văn xuất sắc. Ông đóng vai trò chủ chốt trong các dự án thám hiểm hành tinh Mariner, Viking và Voyager. Ngoài hơn 600 bài báo khoa học và phổ biến khoa học, ông còn là tác giả của gần 20 đầu sách khoa học, trong đó có Vũ trụ, đoạt giải Hugo năm 1981 và 70 tuần nằm trong danh mục sách bán chạy của tờ The New York Times. Tên ông đã được đặt cho tiểu hành tinh 2709. Hiện có hai giải thưởng khoa học và một huy chương mang tên ông. PHƯỚC MINH _________ (*) Tác giả Carl Sagan - Nguyễn Việt Long dịch, Công ty Nhã Nam và NXB Thế Giới, 2011. Tags: Đọc sách cùng bạnKhông gianHạt bụi
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.