02/04/2025 11:57 GMT+7

Sở Tài chính sẽ thẩm định hồ sơ đề xuất đường sắt 250km/h đi Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup

Các thủ tục về triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt kết nối trung tâm với Cần Giờ đang được TP.HCM đẩy nhanh tiến độ.

Cần Giờ - Ảnh 1.

Hiện TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư các dự án kết nối huyện Cần Giờ. Trong ảnh là tuyến đường Rừng Sác - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến đường sắt kết nối huyện Cần Giờ và sân bay Long Thành.

Về tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông công chánh nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn ngày 18-3. Đồng thời khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND TP báo cáo Thủ tướng về đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đảm bảo phù hợp, khả thi và đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Về tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ, UBND TP.HCM giao Sở Tài chính chủ trì khẩn trương, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo đúng quy định. Đồng thời tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư và tham mưu UBND TP trước ngày 15-4.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu TP.HCM khẩn trương tổ chức nghiên cứu triển khai các dự án đường sắt đô thị kết nối Cần Giờ, TP.HCM đi sân bay Long Thành; kêu gọi các nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4-2025. 

Tuyến đường sắt đi Cần Giờ dài khoảng 48,7km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man, quận 7) - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác và điểm cuối nằm tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Theo đề xuất phương án đầu tư sơ bộ dự án của Tập đoàn Vingroup, tuyến đường sắt có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm/đường, đi trên cao, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250km/h. Về năng lực, tàu có thể chở 30.000 - 40.000 người/giờ mỗi hướng.

Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư xây dựng dự án bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động theo quy định của pháp luật. 

Về tiến độ, doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện trong ba năm từ 2025 đến 2028. Theo tính toán sơ bộ, tuyến đường sắt đi Cần Giờ có mức vốn khoảng 102.370 tỉ đồng (4,09 tỉ USD).

Trong khi đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 42km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỉ USD, đang được Bộ Xây dựng chủ trì chuẩn bị đầu tư. Dự án dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10-2025.

Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng thống nhất giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án để sớm hoàn thiện, kết nối hai sân bay.

Sở Tài chính sẽ thẩm định hồ sơ đề xuất đường sắt 250km/h đi Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup - Ảnh 3.TP.HCM đã làm việc với Vingroup về đề xuất làm metro đi Cần Giờ

Tập đoàn Vingroup đề xuất được nghiên cứu, khảo sát phương án đầu tư metro đi Cần Giờ bằng chi phí của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên