TTCT - Mấy năm gần đây, năm nào cũng thế, cuối năm sẽ thấy một loạt bài báo giật tít so sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước. Năm 2017 vừa qua, là con số gây xôn xao “Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, thậm chí còn thua cả Lào”. Có năm thì so theo kiểu 18 người Việt làm mới bằng 1 người Singapore. Vấn đề là, so sánh mang tính cảnh báo để quân bình lại với sự hăm hở kiểu tốc độ tăng GDP của Việt Nam thuộc loại hàng đầu thế giới... là cần thiết nhưng năm nào cũng nói theo khuôn mẫu này hóa ra nhàm và mất tác dụng. Các yếu tố như giáo dục, đào tạo, hiệu quả đầu tư và một môi trường kinh doanh thuận lợi còn quan trọng gấp bội lần chuyện cứ so sánh năng suất lao động với nước khác So sánh thế nào thì hữu dụng? Thử tưởng tượng năm nào Tổng cục Thống kê cũng công bố số liệu GDP rồi từ đó các báo rút tít GDP đầu người của Mỹ hay của Na Uy cao gấp mấy chục lần Việt Nam, năm nào cũng gấp mấy chục lần như thế, cách so sánh như thế liệu có ý nghĩa gì chăng? Dĩ nhiên không ai so sánh kiểu này nên thôi, cũng đừng so sánh năng suất lao động hơn thua bao nhiêu lần nữa. Trong năng suất lao động, điều quan trọng là tốc độ tăng năm nay là bao nhiêu, cao hay thấp so với năm ngoái; tốc độ tăng năng suất như thế so với các nước láng giềng thì sao, so với mức tăng bình quân của khu vực như thế nào; các yếu tố nào tác động mạnh lên năng suất lao động trong năm vừa rồi, có cách nào để năm tới chú ý vào các yếu tố giúp tăng năng suất hơn hay không? Đó là các câu hỏi mà thông tin liên quan đến năng suất lao động phải cung cấp lời giải chứ không phải kiểu so sánh dễ dãi năm nào cũng như năm nào. Lấy ví dụ từ số liệu của chính Tổng cục Thống kê công bố trên trang web của mình. Trong báo cáo tình hình kinh kế - xã hội năm 2014, Tổng cục Thống kê nêu: “Hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia và bằng 1/3 của Thái Lan”. Đến báo cáo năm 2017 vừa công bố, cơ quan này cho rằng: “Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan”. Năm nào cũng dùng từ “chỉ bằng” nên các báo dựa vào đó để rút tít mà quên rằng như thế so với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam từ chỗ bằng 1/18 năm 2014 thì ba năm sau còn bằng 1/14. Cũng chính báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi rõ: “Tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Singapore năm 1994 gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần”. So sánh kiểu “1 người Singapore làm bằng 14 người Việt Nam” như một báo khác rút tít cũng dễ gây nhầm lẫn rằng con số Tổng cục Thống kê đưa ra nói lên khả năng làm việc của người lao động Việt Nam, nên từ đó thường thấy các nhận xét đi kèm, kiểu “đúng rồi, dân Việt Nam nhậu suốt, làm thì lười biếng nên thua là phải”. Lao động Việt Nam đúng là có nhiều vấn đề như kỷ luật kém, không chịu theo quy trình mà cứ làm theo ý mình, khả năng hợp tác yếu, mạnh ai nấy làm nhưng đó là vấn đề khác; con số đi kèm với năng suất còn gắn với nhiều yếu tố khác nữa. Lấy ví dụ Đường Tăng sau khi thỉnh kinh về bèn thuê ba người chép kinh để phổ biến. Người đầu tiên cặm cụi chép tay ngày đêm nên rất chậm, nhiều lỗi, năng suất thấp; người thứ nhì dùng máy tính, gõ nhanh, sửa dễ, năng suất cao hơn nhiều lần và người thứ ba mua cái máy quét hiện đại, bỏ kinh vào bấm nút là toàn bộ nội dung biến thành văn bản trong bộ nhớ, muốn in bao nhiêu bản đều dễ dàng. So sánh năng suất ba người này thì cách biệt cả trăm lần nhưng có ai chê trách người chép tay, rằng làm dối, lười biếng vì người thứ ba chỉ bấm bấm vài cái nút rồi đi chơi suốt. Năng suất lao động các nước như Singapore cao là nhờ đầu tư, đầu tư từ nhiều năm tích gộp lại thành một cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hiệu quả; cũng là nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ; là cách tổ chức dây chuyền sản xuất hay cung ứng dịch vụ tinh vi, hiện đại. Năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam: Nguồn: Tổng cục Thống kê Những nghịch lý khác Khi nhìn vào số liệu thống kê thấy năng suất Việt Nam còn thấp, thua xa các nước khác, liệu có ai nghĩ đến những nghịch lý khi một bộ phận lao động ở các doanh nghiệp không làm gì để tạo ra giá trị gia tăng, là tử số của năng suất lao động vì họ phải dùng thời giờ đối phó với sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, thuế khóa, thanh tra, kiểm tra? Liệu có ai nghĩ đến năng suất nông nghiệp thấp vì sản xuất manh mún, không thể tích tụ ruộng đất để tăng quy mô? Liệu có ai nhớ đến tình cảnh kẹt xe ở cảng, làm cho năng suất tài xế giảm sút rõ rệt? Nói cách khác, những rào cản chặn đường GDP tăng trưởng cũng sẽ làm nghẽn mạch năng suất lao động và đó mới là cảnh báo cụ thể hữu ích hơn nhiều lần so với cái mặc cảm tự ti Việt Nam thua cả Lào về năng suất lao động. Một nhầm lẫn thứ ba dễ xảy ra khi thấy cách so sánh năng suất lao động là chuyện thu nhập. Thấy năng suất lao động Việt Nam tính theo sức mua tương đương chỉ có 9.894 USD, trong khi của người lao động Singapore lên đến 141.343 USD, dễ kết luận lương của lao động Singapore chắc cao lắm, cao gấp 14 lần lao động Việt Nam! Nhìn lại cái ví dụ chép kinh cho Đường Tăng, giá trị do ba người tạo ra khác xa nhau nhưng tiền thù lao cho ba người ắt hơn kém nhau không bao nhiêu vì với người thứ hai phải trừ tiền khấu hao chiếc máy tính; người thứ ba thì cả máy tính, máy scan lẫn máy in. Lao động Singapore tạo ra một giá trị gia tăng cao nhưng phải trừ tiền hoàn lại cho các khoản đầu tư trang thiết bị, máy móc; tiền bản quyền cho công nghệ... Thực tế cho thấy lương của một điều dưỡng bệnh viện Việt Nam thu nhập chừng 300 - 500 đôla mỗi tháng thì điều dưỡng ở Singapore cũng hơn chừng 3 lần là mức phổ biến. Điều này không nói lên một hàm ý nào cả, nhưng có một thực tế là mức lương ở Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi khi nhiều giới như kỹ sư công nghệ thông tin, quản lý doanh nghiệp có mức lương tăng vọt, gần như đuổi kịp các nước láng giềng trong khi nhiều giới khác như lao động phổ thông, nhà giáo, giới làm dịch vụ tự do thấy mức lương tăng không đáng kể. Trong khi GDP đầu người tăng đều và khá nhanh, thu nhập của những người thu gom rác ở các đô thị chẳng hạn, gần như bị đông cứng. Năng suất lao động tăng nhanh nhưng thu nhập tăng chậm hơn thì chỉ có một khả năng xảy ra: chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, bao nhiêu tiền xã hội làm ra rót về cho giới nhà giàu, hưởng lợi từ đầu tư vốn, đầu tư máy móc... Chính vì thế, số liệu thống kê chính thức của Singapore cho thấy thu nhập ở mức trung vị của người làm công ăn lương tại Singapore là 4.000 đôla Singapore mỗi tháng. Sự khác biệt giữa năng suất lao động tính bình quân theo sức mua (141.343 đôla Mỹ) và thu nhập trung vị (chừng 35.000 đôla Mỹ) sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai khi robot và trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm thêm nhiều phần việc hiện do con người làm. Lúc đó tiền làm ra cũng phải khấu hao cho robot, cho cả công tác nghiên cứu phát triển hiện nay để có cái trí tuệ nhân tạo trong tương lai nữa. Trong khi đó với ví dụ chép kinh cho Đường Tăng, nếu người thứ nhì mua máy tính về nhưng chưa học sử dụng thì loay hoay cũng chịu, không phát huy được khoản đầu tư khá tốn kém. Nếu người thứ ba mua đủ loại máy, kể cả máy quét hiện đại mà bị nhũng nhiễu, đòi giấy phép nhập ở đâu, thỉnh thoảng phải đón đủ kiểu tranh tra xem dùng máy quét vào việc gì, có lẽ năng suất cũng chẳng tăng là bao. Vì thế các yếu tố như giáo dục, đào tạo, hiệu quả đầu tư và một môi trường kinh doanh thuận lợi còn quan trọng gấp bội lần chuyện cứ so sánh năng suất lao động với nước khác.■ Ở Việt Nam, theo hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, năng suất lao động được đo bằng GDP tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu, thường là một năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Năng suất lao động xã hội = ------------------------------------------------------ Tổng số người làm việc bình quân Tags: Năng suấtNăng suất lao độngHiệu quảSo sánh năng suất lao động
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.