TTCT - Das große Los - bản tiếng Đức của tác phẩm văn học Số đỏ - vừa ra mắt độc giả Đức đầu năm 2022. Đảm nhận việc dịch tác phẩm nổi tiếng này của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) là hai dịch giả Hoàng Đăng Lãnh và Rodion Ebbighausen. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng hai ông. Bìa tiểu thuyết Số đỏ ấn bản tiếng Đức. Ảnh: Rodion EbbighausenCó thể thấy Số đỏ khá... “đỏ” trong việc được bạn đọc bên ngoài Việt Nam đón nhận. Năm 2003, Los Angeles Times chọn Dumb Luck - Số đỏ bản tiếng Anh xuất bản ở Mỹ là một trong 50 cuốn sách hay nhất năm 2003. Bản Số đỏ tiếng Trung Quốc do PGS Hạ Lộ (ĐH Bắc Kinh) ra mắt năm 2021 cũng được độc giả Trung Quốc yêu thích. Tác phẩm văn học ra đời năm 1936 này nay được dịch sang tiếng Đức là một nỗ lực của hai dịch giả nhằm góp phần giới thiệu với độc giả Đức một tác giả được đông đảo độc giả Việt Nam yêu mến. Ông và đồng dịch giả Rodion Ebbighausen đã mất bao lâu để hoàn tất bản dịch? Vì sao “dự án” đưa văn học Việt tới Đức của ông bắt đầu bằng Số đỏ của Vũ Trọng Phụng? Việc chuyển ngữ có khó khăn với các ông không?- Khó có thể nói chính xác chúng tôi đã mất bao nhiêu lâu để dịch Số đỏ. Công việc sau nhiều năm mới hoàn thành bởi do hoàn cảnh mỗi người, chúng tôi không có điều kiện dồn hết thời gian cho công việc này. Ngoài ra, vì chúng tôi mong muốn hoàn thành công việc một cách cẩn thận và chu đáo, nên đã không vội vàng. Đồng thời, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu tác giả cũng như tác phẩm thông qua các chuyên gia am hiểu về Vũ Trọng Phụng như nhà phê bình Lại Nguyên Ân và học giả Peter Zinoman.Số đỏ không phải là tác phẩm tiếng Việt duy nhất được dịch sang tiếng Đức. Lý do chúng tôi chọn dịch Số đỏ nằm ở giá trị văn học và yếu tố trào phúng của tác phẩm. Hơn nữa, do tính thời sự mà tác phẩm Số đỏ sau bấy nhiêu năm vẫn còn giữ được! Theo tôi, đó chính là một trong những giá trị đáng kể của tác phẩm.Ví dụ, thái độ giả dối của một bộ phận trong xã hội đối với quyền tự do của người phụ nữ; chuyện mê tín dị đoan; chuyện báo chí (báo Gõ Mõ) làm tiền, quảng cáo vô tội vạ, cách nói năng lai Tây, lai Tàu hay chuyện cảnh sát chỉ rình phạt người ta, thi hành luật mà không nắm luật... Số đỏ lý thú là ở chỗ chuyện tưởng đã xưa, đã cũ mà hóa ra vẫn còn rất mới.Chúng tôi thừa nhận rằng việc chuyển ngữ, từ nhan đề đến nội dung, là không dễ dàng ở nhiều khía cạnh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình và hy vọng bản dịch của chúng tôi sẽ được bạn đọc Đức đánh giá tốt.Dịch giả Rodion Ebbighausen từng nói rằng đặc tính hài hước, vấn đề gìn giữ truyền thống và cách tân khiến Số đỏ có tính toàn cầu. Ông có đồng tình với ý kiến đó? Liệu độc giả nước ngoài có dễ thẩm thấu giá trị lịch sử của một tác phẩm về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20?- Tôi nghĩ nền văn chương chân chính tự thân nó đã mang tính “toàn cầu”. Trong Số đỏ, đề tài chính là các mâu thuẫn giữa đổi mới và bảo thủ, giữa các xu hướng hiện đại hóa và gìn giữ truyền thống. Đây là những mối quan tâm mà mọi xã hội, bất kể xưa, nay, Đông hay Tây đều có. Số đỏ cho thấy một sự thật là cả sự cấm đoán, cản trở lẫn sự cổ xúy hô hào vô tội vạ cho những cái tưởng là mới trong cuộc sống đều có thể lố bịch hay kệch cỡm như nhau. Và, tôi nghĩ, sự thật bao giờ cũng mang tính toàn cầu. Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh. Ảnh: NVCCNhà Việt Nam học - giáo sư sử học Peter Zinoman - đồng dịch giả Dumb Luck so sánh viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng tương đồng với nhà văn Anh George Orwell (1903 - 1950). Nhưng nhà phê bình Vương Trí Nhàn lại cho rằng Vũ Trọng Phụng “nệ cổ trong cách nhìn đời nói chung” và “trong trường hợp này, các nhà văn thực sự chỉ là công cụ của lịch sử”. Ông nghĩ sao về hai nhận xét này?- Tôi cho rằng văn chương nói chung và nhà văn nói riêng không phải và càng không thể là công cụ của ai hay của giai đoạn lịch sử nào. Nền văn chương, hiểu theo nghĩa là một bộ môn nghệ thuật của ngôn từ, theo tôi, chắc chắn sẽ thành công hơn nếu nó không bị chi phối bởi cái gì khác ngoài nghệ thuật của chính nó. Vũ Trọng Phụng có thể không phải là tác giả hô hào cổ xúy cho phong trào Âu hóa mà ông chứng kiến. Ông giữ đúng vai trò một nhà văn là mô tả, bằng bút pháp và nghệ thuật ngôn từ của mình, cái xấu xa, kệch cỡm, cái lố bịch, ngốc nghếch, giả dối của phong trào đó nói riêng cũng như của cuộc sống xã hội đương thời nói chung. Việc chỉ ra cuộc sống xã hội phải như thế nào mới là tốt là đẹp, thiết tưởng không phải là việc của ông. Liệu như thế có làm Vũ Trọng Phụng thành người bảo thủ hay người thiếu viễn kiến chính trị hay không thì tôi không bàn được. Tôi nghĩ, chính giá trị hiện thực và nghệ thuật ngôn từ trào phúng của tác phẩm - chứ không phải thái độ bảo thủ hay viễn kiến chính trị của tác giả - đã khiến cho độc giả Việt, ở mọi thời, mọi miền đất nước, đều thích đọc Số đỏ.Tác phẩm Số đỏ bản tiếng Đức được Quỹ Dịch giả Đức tài trợ kinh phí. Ông có thể nói thêm về cách vận hành của quỹ? - Đây là quỹ được chính phủ liên bang cùng nhiều quỹ khác hỗ trợ. Tuy thế, quỹ hoạt động hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào nhà nước hay các cơ quan hỗ trợ nào khác. Sự hỗ trợ của quỹ dành cho các dịch giả khá đa dạng, từ bồi dưỡng nghiệp vụ bằng nhiều hình thức, cung cấp phương tiện đến hỗ trợ tài chính.Trước đây, quỹ chỉ hỗ trợ việc dịch văn chương nước ngoài sang tiếng Đức. Nhưng gần đây, quỹ mở rộng sự hỗ trợ đó cả cho việc dịch văn chương Đức ra tiếng nước ngoài. Học giả - dịch giả Nguyễn Hiến Lê từng nêu quan điểm về dịch thuật: “Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ người dịch; cũng để lộ tâm tư người dịch, cái không khí thời đại của người dịch”, ông có đồng cảm với quan điểm đó?- Tôi có thể thông cảm với quan điểm nói trên của Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên, tôi nghĩ người dịch chỉ là trung gian giữa tác giả và người đọc. Người trung gian có trách nhiệm càng trung thành với tác phẩm và với tác giả càng tốt. Song, người dịch cũng có trách nhiệm giúp người đọc hiểu và thưởng thức tác phẩm của tác giả. Việc phải đồng thời hoàn thành cả hai trách nhiệm đó một lúc là không dễ dàng chút nào.Về phần mình, tôi cần nói rõ, tôi chỉ coi mình là một độc giả may mắn. May mắn ở chỗ tôi có cơ hội đọc những gì tôi muốn và tự lựa chọn để dịch và giới thiệu một tác giả hay tác phẩm mình tâm đắc với người đọc khác. Người đọc sẽ quyết định xem họ có thích tác phẩm hay tác giả đó như tôi không.Sắp tới các ông có ý định dịch truyện ngắn đương đại nào của Việt Nam sang tiếng Đức không?- Hiện nay chúng tôi đang nuôi ý định tuyển dịch một tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Hảo, Lê Minh Hà, Đỗ Hoàng Diệu. Song, tôi cũng cần nói rõ thêm rằng, nuôi ý định là một chuyện nhưng liệu chúng tôi có thực hiện được ý định đó hay không lại là chuyện khác. Dịch giả Rodion Ebbighausen. Ảnh: DWDịch giả Rodion Ebbighausen: Có mối quan tâm lớn về Việt Nam ở Đức, nhưng..."Tôi nghĩ tiểu thuyết Số đỏ tương đối phù hợp để thu hút độc giả Đức và châu Âu đến với văn học Việt Nam. Sự hài hước, tính phi lý và ngôn ngữ châm biếm đưa người đọc đến gần hơn với một nền văn hóa và xã hội còn ít được biết đến. Đồng thời, tác phẩm đề cập đến những chủ đề phổ quát về con người tồn tại ở mọi thời đại và trên toàn thế giới: Mong muốn được công nhận, lòng tham, nỗi hổ thẹn và sự xung đột giữa các thế hệ: điều gì được bảo tồn, điều gì được đổi mới”, dịch giả - nhà báo Rodion Ebbighausen chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần qua email từ Bonn (Đức).Ông nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu nào của xã hội Âu hóa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam trong Số đỏ? Theo ông, có phải chúng ta đang và sẽ còn sống trong thời đại mà các giá trị phương Tây tiếp tục định hình thế giới quan của phần lớn nhân loại?- Đối với tôi, một quốc gia hoặc một tiểu bang được điều hành tốt nếu và chỉ khi nó mang lại cơ hội bình đẳng cho TẤT CẢ cư dân của nó. Xã hội thuộc địa vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam dựa trên sự phân biệt chủng tộc và bóc lột. Với hầu hết người Việt Nam, họ không có cơ hội để vươn lên trong xã hội này hoặc phát triển tài năng của mình.Tuy nhiên, tôi không tin rằng những đặc điểm này là một cái gì đó đặc biệt của phương Tây. Cũng đã và đang có sự bóc lột, phân biệt chủng tộc và bất công ở châu Á.Chúng ta nên thay đổi thói quen chia thế giới thành phe Đông phe Tây - cuối cùng cũng chỉ là các điểm trên la bàn - mà nên xem xét việc phân loại các quốc gia theo cách cai trị tốt hay kém, theo cách điều hành hay hay dở.Là biên tập viên chính phụ trách ban châu Á thuộc hãng phát thanh truyền hình quốc tế DW tại Đức và nghiên cứu sâu về Đông Nam Á, cũng là một dịch giả yêu văn chương, theo quan sát của ông, nền văn học nào ở Đông Nam Á được giới thiệu nhiều ở Đức và vì sao?- Thật không may, văn chương Đông Nam Á hầu như không được biết đến ở Đức. Phải đến năm 2015 mới có một sự thay đổi nhỏ, khi Indonesia trở thành khách mời danh dự của hội chợ sách Frankfurt - một trong hai hội chợ sách lớn và quan trọng ở Đức.Ở Đức, hầu hết các tiểu thuyết do người Mỹ gốc Việt viết vẫn luôn được đọc như những tham khảo về Việt Nam (Ocean Vuong, Việt Thanh Nguyễn được nhiều người đọc đón nhận tại Đức trong những năm qua). Hiện cũng có những quyển sách do tác giả Đức gốc Việt viết, như tiểu thuyết mới xuất bản gần đây của Khuê Phạm.Ngoài bản dịch tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà anh Hoàng Đăng Lãnh và tôi đảm nhận, còn có những bản dịch tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài và các tác giả khác. Viện Goethe ở Hà Nội cũng tổ chức dịch truyện của các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Đức - công việc mà tôi đã làm cùng dịch giả, giảng viên Nguyễn Xuân Hằng.Có một mối quan tâm lớn về Việt Nam ở Đức, vốn cũng gắn với thực tế là khoảng 100.000 người Việt hoặc người Đức gốc Việt sống tại Đức. Có một tiềm năng lớn (cho việc đưa văn học Việt Nam tới Đức - PV) nhưng đáng tiếc là không được khai phá. Việc văn chương Việt Nam ít được biết đến cũng là do thường xuyên mất liên lạc với văn học thế giới vì sự kiểm duyệt và quy định chặt chẽ. Tags: Tiểu thuyếtVăn họcDịch giảSách dịchVũ Trọng PhụngSổ đỏHoàng Đăng Lãnh
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.