
Bắt chó thả rông ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đ.HÀ
Ông Trần Văn Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết như trên khi nói về "vấn nạn" chó thả rông.
Nỗi lo của người dân, du khách
Tại Bình Thuận những ngày qua liên tục xuất hiện tình trạng chó mắc bệnh dại cắn người, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Theo thống kê, Bình Thuận là một trong những địa phương có số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất nước.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại. Riêng năm 2024, tỉnh này có 10 trường hợp tử vong liên quan bệnh dại.
Đáng chú ý, chó thả rông không chỉ gây ra nỗi lo cho người dân địa phương mà cả du khách. Ông Trần Văn Bình cho biết tình trạng chó thả rông rất nhức nhối ở trung tâm du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, TP Phan Thiết. Ông cho biết: "Bản thân tôi từng nhiều lần xua đuổi đàn chó thả rông vào trong khuôn viên resort của mình. Tôi căn dặn với chủ đàn chó nhưng vẫn không thay đổi".
Theo ông Bình, việc chó thả rông tại trung tâm du lịch không chỉ gây mất mỹ quan mà chính là nguồn cơn gây bệnh dại. Ông đề nghị chính quyền phải mạnh tay hơn với những người thờ ơ, vô tư thả chó chạy rông ra ngoài cộng đồng.
"Nếu là du khách trong nước còn xử trí nhanh, kịp thời khi bị chó cắn. Còn du khách nước ngoài mới đáng lo. Họ tới mình du lịch, mọi thứ đều mới mẻ, chưa nắm rõ quy định. Họ lại thích thú cưng, hễ gặp chó mèo thả rông là vui đùa. Lỡ không may gặp những con chó mắc bệnh dại cắn cào... thì không biết báo với ai", ông Bình lo ngại.
Tử vong vì tông phải chó
Tháng 5-2024, trên tỉnh lộ 44A thuộc huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra vụ tai nạn giao thông làm chết một người. Nguyên nhân là do nạn nhân đi xe máy tông phải chó thả rông ngoài đường.
Cụ thể vào sáng 22-5, anh T.V.H. (sinh năm 1985, ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Đất) đi xe máy, khi đến gần ngã ba đường, xe anh tông phải một con chó thả rông. Cú va chạm làm anh H. ngã ra đường, rủi ro lúc đó có ô tô từ sau đi tới cán vào làm anh H. tử vong tại chỗ.
Mới đây, vào tháng 12-2024, một con chó nghi mắc bệnh dại đã cắn nhiều người dân ở xã An Ngãi, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo người dân, con chó này vô chủ. Những người bị chó cắn đã phải đi tiêm phòng bệnh dại.
Ngày 24-2, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy trên một số tuyến đường ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn còn tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, không xích dây. Trước đó vào tháng 2-2023, khi hai du khách nước ngoài đi bộ trên đường 23-10 (TP Nha Trang) thì bất ngờ bị một con chó tấn công.
Hai du khách kêu cứu, người dân địa phương lao đến ngăn cản đồng thời đưa một trong hai vị khách nước ngoài đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa...

Rất cần các đội bắt chó thả rông, nhưng ý thức của người nuôi chó với cộng đồng mới có thể ngăn được nguy cơ từ chó thả rông - Ảnh: Đ.HÀ
Làm sao giải quyết tận gốc?
Trước thực trạng trên, ông Lưu Thành Nhân, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết đa số các xã, phường trên địa bàn TP này đã thành lập đội bắt chó thả rông.
UBND TP Nha Trang yêu cầu các địa phương rà soát thống kê chính xác, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn quản lý trên Hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo TP Nha Trang. Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý vật nuôi, phòng chống dịch bệnh dại động vật, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn TP.
Bà Ngô Thị Minh Liễu, đội phó đội bắt chó thả rông phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang), cho biết ngoài việc đội bắt chó thả rông ra quân quyết liệt, UBND phường này còn tổ chức tuyên truyền quán triệt việc nuôi nhốt chó từng nhà, từng người dân trên địa bàn.
Theo bà Liễu, đơn vị gặp nhiều khó khăn khi bắt chó thả rông ở khu vực bờ biển vì không gian quá rộng và đa số chó thả rông ở khu vực này đều là chó của người dân dắt đi cùng nên chủ chó đôi lúc không hợp tác.
Một người dân ở thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết trước đây lo lắng vì chó thả rông khá nhiều. Có đàn 4-5 con và người dân này cũng từng chứng kiến nhiều người bị tai nạn vì tông trúng chó chạy tứ tung, tạt ngang đường.
Đầu năm 2024, chính quyền thị trấn Ngãi Giao đã phải thành lập tổ bắt chó thả rông. Nhưng việc bắt chó cũng không phải dễ dàng vì thường thì chỉ bắt được 1 con trong cả đàn chó. Chưa kể khi bắt được chó thả rông, chủ nuôi chó thường ít đến nhận về vì tiền phạt từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Khi không có người đến nhận chó, chính quyền phải tiêu hủy. Nhưng việc tiêu hủy cũng gặp khó vì thủ tục, kinh phí.
Một lãnh đạo UBND phường ở TP Vũng Tàu cho biết việc xử lý chó thả rông có nhiều bất cập. Phường này đã thành lập tổ bắt chó thả rông do một phó chủ tịch phường làm tổ trưởng. "Thế nhưng do người dân thường thả chó đi rông vào tờ mờ sáng, lúc đó thì cán bộ phường chưa đi làm", vị này nói.
Ngoài ra khi bắt được chó phải tạm giữ thì phải có chuồng, khi tiêu hủy phải thành lập hội đồng, làm đúng quy trình. "Nếu làm không đúng, lỡ chủ chó quay lại kiện chính quyền thì cũng rắc rối", lãnh đạo phường này cho biết.
Ông Lê Văn Hồng, phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho rằng để giải quyết tận gốc cần mạnh tay hơn với việc thả rông chó và chích ngừa dại. Ông cho biết hiện người dân vẫn xem nhẹ việc thả chó mèo ở ngoài đường, nơi công cộng và xem nhẹ việc chích ngừa.
Theo ông Hồng, vắc xin phòng ngừa bệnh dại của ngành y tế đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng phục vụ cho người dân.
Chó cắn người gây thương tích, chủ bị xử lý ra sao?

Chó thả rông trên đường phố Nha Trang (Khánh Hòa) vào sáng 24-2 - Ảnh: NG.HOÀNG
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với cá nhân có hành vi "thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng" thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 - 500.000 đồng (theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 7 nghị định 144/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình).
Ngoài ra, "không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng" thì người vi phạm bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng (theo quy định điểm b, khoản 2, điều 7 nghị định 90/2017, được sửa đổi bổ sung nghị định 14/2021 và nghị định 07/2022).
Nếu để chó cắn người gây thương tích, người vi phạm có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự (theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự về "tội vô ý làm chết người", với khung hình phạt tội này cao nhất lên đến 10 năm tù nếu làm chết 2 người trở lên).
Về trách nhiệm dân sự thì chủ vật nuôi còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại, cả khi bị xử lý hành chính hoặc hình sự (theo quy định tại chương 20 Bộ luật Dân sự, điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận