
Một cơ sở đóng gói sầu riêng ở miền Tây - Ảnh: T. VY
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về sầu riêng quả tươi, để trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Theo dự thảo, TCVN về sầu riêng áp dụng đối với giống Ri6, Dona và các giống sầu riêng khác trong sản xuất tại Việt Nam. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản phẩm quả tươi dùng cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Đối với yêu cầu về chất lượng, sầu riêng không có sâu bệnh hại gây ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài của quả (thay cho vi sinh vật gây hại).
Những quả bị thối rữa hoặc hư hỏng không thể tiêu thụ được sẽ không được chấp nhận.
Không được phép có các phần thịt quả bất thường như phần thịt quả bị sượng, thịt quả bị cháy biến nâu hoặc nâu đậm, lõi quả ướt và thịt quả bị sượng nước.
Nếu có bất kỳ hoặc kết hợp các khuyết tật, tổng các khuyết tật không được vượt quá 5% phần ăn được.
Quả sầu riêng phải đạt đến mức độ phát triển thích hợp theo các tiêu chí phù hợp với giống, mùa vụ và khu vực trồng. Căn cứ thời gian từ khi nở hoa (xổ nhụy) để định ngày thu hoạch tùy từng giống.
Cụ thể, đối với giống sầu riêng Ri6 thu hoạch từ 85-100 ngày sau khi nở hoa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và 100-120 ngày đối với vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ.
Còn giống sầu riêng Dona thu hoạch từ 110 - 130 ngày sau khi nở hoa đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ và 125 - 135 ngày đối với vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ.
Sầu riêng phải có hàm lượng chất khô không thấp hơn 32,29% đối với giống Ri6 và 32,22% đối với giống Dona. Còn hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (oBrix) không thấp hơn 16,04% đối với giống Ri6 và 16,07% đối với giống Dona.
Đối với yêu cầu về an toàn thực phẩm, sầu riêng phải đáp ứng được giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc bảo vệ thực vật theo quy định hiện hành trong nước và các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.
Đồng thời đáp ứng được giới hạn tối đa kim loại nặng (chì, cadimi, thủy ngân, arsen,...) theo quy định hiện hành ở trong nước và nước xuất khẩu.
Dự thảo mới này cũng đưa ra quy định về kích cỡ, phân hạng, bao gói, ghi nhãn, phương pháp thử và lấy mẫu sầu riêng.
Xuất khẩu sầu riêng đang dần phục hồi
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 6-2025 xuất khẩu hàng rau, quả Việt Nam bứt phá ấn tượng với sự phục hồi của ngành hàng sầu riêng.
Xuất khẩu sầu riêng đã sôi động trở lại, không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà còn cả sang Thái Lan.
Các vùng trồng sầu riêng trọng điểm như Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, nơi có tỉ lệ nhiễm cadimi thấp, đã giúp hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu nhiều hơn.
Đồng thời doanh nghiệp cũng chủ động kiểm tra chất lượng từ vườn, siết chặt quy trình thu mua, đóng gói. Nguồn hàng sầu riêng tại Thái Lan bị gián đoạn giữa các vùng trồng, làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Sau 4 tháng đầu năm xuất khẩu sụt giảm, từ tháng 5 xuất khẩu sầu riêng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục khi đạt 204 triệu USD. Sang tháng 6 tiếp tục tăng mạnh lên hơn 300 triệu USD.
Ước tính trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt từ 350 triệu đến 400 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận