28/04/2025 12:00 GMT+7

Sẵn sàng cho đại lễ 30-4

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã cơ bản hoàn tất.

30-4 - Ảnh 1.

Khối nữ gìn giữ hòa bình Việt Nam tại lễ tổng duyêt sáng 27-4 - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 27-4, tại trục đường Lê Duẩn (từ Thảo cầm viên hướng về hội trường Thống Nhất, TP.HCM) đã diễn ra tổng duyệt diễu binh, diễu hành cho đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với quy mô lớn nhất, trong niềm hân hoan của đông đảo người dân.

Dù đến sáng 27-4 mới tổng duyệt nhưng từ chiều hôm trước, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố đã được phong tỏa, cấm xe ra vào để đảm bảo an ninh tuyệt đối.

Người dân xuống đường đón chào bộ đội

Các lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ triển khai chốt chặn nghiêm ngặt, phân luồng từ xa. Việc đảm bảo an ninh được thắt chặt ở mức rất cao. Thế nhưng, không chỉ hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức mà các tầng lớp nhân dân đã có mặt từ sớm.

Lịch sử như lặp lại khi đông đảo người dân xuống đường đón chào bộ đội. Không ít người dân thức xuyên đêm ở các ngả đường, vỉa hè gần khu vực diễu binh, diễu hành để đợi được tận mắt thấy các chiến sĩ tham gia diễu binh.

Buổi tổng duyệt diễn ra đồng bộ theo đúng kế hoạch. Các khối diễu binh, diễu hành từ quân đội, công an, dân quân đến các đoàn thể, xe cơ giới quân sự, xe mô hình lịch sử lần lượt tiến qua lễ đài trong tiếng nhạc hào hùng.

Trên bầu trời, từng tốp trực thăng kéo cờ bay qua, đặc biệt những chiếc máy bay tiêm kích gầm vang, lần lượt thả chùm bẫy nhiệt, tạo thành những vệt sáng rực rỡ. Phía dưới, người dân ngước nhìn, reo hò nhộn nhịp.

Từng tốp người hát vang những bài hát về đất nước, về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong niềm tự hào khó tả.

Buổi tổng duyệt kết thúc thành công sau khoảng hai giờ đồng hồ. Sau đó, dọc hai bên các tuyến lân cận - nơi 4 hướng đoàn diễu binh, diễu hành tập kết sau buổi lễ chính, cờ hoa tung bay rực rỡ, bà con được đứng rất gần và giao lưu với các chiến sĩ.

30-4 - Ảnh 2.

Sau khi hoàn thành phần diễu binh ngang qua lễ đài, các khối quân đội, công an tỏa ra 4 hướng về điểm tập kết, đi giữa tiếng hò reo động viên của đông đảo người dân tại lễ tổng duyệt sáng 27-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tràn ngập niềm tự hào

Chia sẻ cảm xúc sau buổi tổng duyệt, nhiều chiến sĩ cũng như người dân bày tỏ sự tự hào, mong chờ đến ngày đại lễ chính thức.

"Sau các buổi hợp luyện, sơ duyệt và tổng duyệt chúng tôi động viên anh em xây dựng quyết tâm cao, sức khỏe tốt và sự tập trung của mỗi cá nhân hơn nữa.

Tôi rất vui và tự hào là một người dân Việt Nam, là một quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần nhỏ vào buổi lễ trọng đại của dân tộc" - thượng tá Trịnh Văn Khuê, phó chủ nhiệm chính trị Trường quân sự Quân khu 7, chia sẻ.

Còn trung úy chuyên nghiệp Trần Thị Linh Chi, Bộ chỉ huy quân sự Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết dù vẫn chưa đến lễ chính thức nhưng chị thấy trên mạng xã hội nhiều người dân đã về đợi từ 23h đêm hôm trước làm cho các chiến sĩ cũng mong đến sáng để ra gặp mọi người, cùng hòa chung không khí đầy tự hào này.

"Khi chúng tôi đi diễu hành qua các trục đường, hai bên lề đường người dân đứng kín hết, mặc dù bản thân tôi cũng đã thấm mệt, nhưng nhận được sự hò reo, cổ vũ, động viên của người dân, tôi thật sự rất hào hứng", Linh Chi nói.

Cùng xúc động sau buổi tổng duyệt, Nguyễn Thảo Huyền, khối nữ chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm, học viên Trường đại học Cảnh sát nhân dân, bộc bạch được khoác lên mình bộ quân phục, cùng đồng đội tham gia tổng duyệt cho sự kiện trọng đại là một vinh dự lớn lao.

Quá trình tập luyện tuy vất vả nhưng nhìn thấy sự đồng lòng, khí thế của toàn đội, Huyền càng thêm tin tưởng vào nhiệm vụ của mình. Huyền mong rằng trong buổi lễ chính thức, sẽ cùng đồng đội thể hiện thật tốt, xứng đáng với tình cảm và niềm tin của người dân.

Nhẹ nhàng, duyên dáng và thướt tha trong tà áo dài, Phạm Thanh Thủy, khối báo chí - truyền thông, còn nguyên cảm xúc sau buổi tổng luyện.

Thủy kể: "Tôi đứng giữa dòng người tấp nập trên đại lộ, trong sắc nắng vàng tươi của tháng tư lịch sử. Lần đầu tiên trong đời, tôi không chỉ chứng kiến mà còn được sải bước trong đội hình diễu hành, hòa nhịp cùng hơi thở thiêng liêng của ngày kỷ niệm thống nhất đất nước.

Buổi tổng duyệt hôm nay không đơn giản chỉ là sự chuẩn bị, với tôi, đó là một cuộc hành trình trở về với những giá trị sâu thẳm nhất trong lòng dân tộc. Buổi tổng duyệt sáng nay diễn ra gần như một buổi chính thức.

Tất cả mọi khối đã vào nhịp, bước chân dứt khoát, ánh mắt hướng thẳng, đội hình đều tăm tắp. Không khí trang nghiêm đến mức người ta gần như nín thở khi đi ngang lễ đài.

Giữa đại lộ rộng lớn ấy, những sắc màu hòa quyện, những lá cờ tung bay, những tiếng hô đồng thanh như một dòng chảy xiết cuốn trôi mọi mệt nhọc của những ngày tập luyện dài đằng đẵng".

Khi chúng tôi đi diễu hành qua các trục đường, hai bên lề đường người dân đứng kín hết, mặc dù bản thân tôi cũng đã thấm mệt, nhưng nhận được sự hò reo, cổ vũ, động viên của người dân, tôi thật sự rất tự hào.
Trung úy TRẦN THỊ LINH CHI (Bộ chỉ huy quân sự Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chuẩn bị với yêu cầu cao nhất

Phát biểu tại buổi xuất quân đảm bảo an ninh trật tự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, TP.HCM sẽ đăng cai tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện để tri ân, tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời tuyên truyền, quảng bá những thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội qua từng thời kỳ, giai đoạn.

Nhìn chung, quá trình tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại TP, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Ông Được đánh giá cao tinh thần chủ động của Công an TP trong việc phối hợp với các lực lượng, đơn vị chức năng triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.

TP.HCM đang triển khai các nhiệm vụ với yêu cầu cao nhất. "Đảm bảo an ninh, an toàn lễ kỷ niệm, bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến tham dự lễ kỷ niệm. Tạo không khí an tâm, thoải mái của người dân và du khách" - ông Được nhấn mạnh.

30-4 - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thống nhất

TP.HCM tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng với chủ đề "Sắc màu thành phố mang tên Bác" xuyên suốt từ trụ sở HĐND, UBND TP.HCM, đường Nguyễn Huệ, Nhà hát TP.HCM, bến Bạch Đằng, công viên TP Thủ Đức và trên sông Sài Gòn.

Tối 29 và 30-4 sẽ biểu diễn nghệ thuật 3D mapping mặt tiền trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Bên cạnh đó là chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật, trình diễn 10.500 thiết bị bay không người lái (drone) trên sông Sài Gòn cùng hai bên bờ sông TP Thủ Đức và quận 1.

Chương trình "Ngày hội thống nhất non sông" trong khuôn khổ chuỗi hoạt động "Sắc màu thành phố mang tên Bác" diễn ra ngày 30-4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và các không gian biểu diễn trên suốt phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực sông Sài Gòn.

Chương trình này cũng có các hoạt động văn nghệ hưởng ứng như biểu diễn nhạc giao hưởng với những tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới và các tác phẩm tiêu biểu ca ngợi TP.HCM, biểu diễn xiếc, ảo thuật, hát bộ, nghệ thuật ca múa nhạc.

Đặc biệt là chương trình "Vũ điệu khăn rằn" diễn ra tại không gian trước UBND TP.HCM và suốt tuyến đường Nguyễn Huệ.

Ngoài ra, các hoạt động trên sông Sài Gòn có biểu diễn đờn ca tài tử, diễu hành thuyền hoa đăng, diễu hành tàu du lịch, biểu diễn các hoạt động thể thao dưới nước...

* Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN (phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước):

Cảm ơn đồng bào đã hưởng ứng, cùng trải nghiệm niềm vui chung của dân tộc

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã cơ bản hoàn tất.

Những ngày qua tất cả các tổ chức, cá nhân, nhất là lực lượng trực tiếp thực hiện diễu binh, diễu hành đã rất nỗ lực quyết tâm, miệt mài luyện tập và thực hiện hoàn thành xuất sắc qua hai lần sơ duyệt, tổng duyệt.

Thay mặt Ban Chỉ đạo trung ương và lãnh đạo TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả các cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị, lực lượng đã tham gia thực hiện sơ duyệt, tổng duyệt để chuẩn bị sẵn sàng cho đại lễ chính thức ngày 30-4.

Cảm ơn các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt cảm ơn đồng bào đã nhiệt liệt hưởng ứng, ủng hộ, cảm thông, chia sẻ và cùng trải nghiệm niềm vui chung của dân tộc.

Đây là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, là điều kiện hết sức quan trọng không chỉ tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc của 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng chia sẻ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia không chỉ là dịp để kỷ niệm một cột mốc lịch sử quan trọng mà còn là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu, biết ơn các thế hệ tiền nhân đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đồng thời thắp lên niềm tin mới, khát vọng mới, khí thế mới, phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

30-4 - Ảnh 4.

Người dân đến bến Bạch Đằng từ rất sớm để “giành” vị trí xem lễ tổng duyệt sáng 27-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân đi xem đại lễ sáng 30-4 cần biết

Cơ quan chức năng khuyến nghị người dân đi xem lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sáng 30-4, tại khu vực hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ), cần biết rõ các khu vực cấm và hạn chế đi lại, đồng thời nên sử dụng phương tiện công cộng.

Dự kiến từ 6h30 sáng 30-4, lễ diễu binh, diễu hành chính thức bắt đầu. Các khối xuất phát từ phía giao lộ đường Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chuyển qua lễ đài chính phía trước hội trường Thống Nhất, sau đó chia ra 4 hướng về điểm tập kết.

Những khu vực cấm và hạn chế đi lại

Để đảm bảo an ninh trật tự, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM (PC08) tổ chức lại giao thông, phân luồng khu vực này. Theo đó sẽ cấm người và xe đi lại khu vực giới hạn từ 3h - 12h ngày 30-4.

Các tuyến đường cấm đi lại gồm: cầu Ba Son (hướng từ TP Thủ Đức sang quận 1, bắt đầu từ ngã ba đường D6 + R12); Nguyễn Bỉnh Khiêm (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Hữu Cảnh); Đinh Tiên Hoàng (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Lê Duẩn); Tôn Đức Thắng (từ Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 Tôn Đức Thắng)...

Khu vực giới hạn sẽ có lực lượng chức năng túc trực như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi...

PC08 lưu ý người và xe ô tô, mô tô... không đi vào khu vực giới hạn, trừ lực lượng trực tiếp đi làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho chương trình. Đối với người dân đi bộ về nhà ở hoặc cán bộ đi làm việc cấp bách tại đơn vị trong khu vực hạn chế phải đủ giấy tờ chứng minh và đi đúng đường về trụ sở.

Metro số 1 tăng chuyến

Vậy, người dân muốn đi xem diễu binh, diễu hành như thế nào? PC08 cũng cho biết hiện khu vực trung tâm các điểm giữ xe rất hạn chế, phần lớn nằm trong khu giới hạn cô lập. Cho nên, người dân hạn chế đi xe cá nhân khi di chuyển đến gần khu tổ chức lễ kỷ niệm. Thay vào đó, người dân nên đi phương tiện công cộng như xe buýt, metro số 1.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, người dân đi xem hoạt động kỷ niệm lễ 30-4 có thể tham khảo đi metro, xe taxi/xe công nghệ.

Cụ thể, đi tuyến metro số 1 rồi xuống nhà ga trung tâm như ga Bến Thành, ga Ba Son, ga Nhà hát TP.HCM lân cận khu vực lễ. Đại diện Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1 cho biết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ 30-4, tuyến metro số 1 sẽ tăng giờ, tăng chuyến từ nay đến hết ngày 4-5.

Theo đó, các ngày 28 và 29-4 tàu metro số 1 sẽ chạy từ 5h đến 23h với 210 chuyến mỗi ngày (tăng 10 chuyến so với bình thường). Giãn cách giữa mỗi chuyến là 8-12 phút. Riêng ngày 30-4, metro số 1 tăng thời gian chạy từ 4h30 đến 23h và tăng số chuyến.

"Chúng tôi rất mong hành khách tuân thủ quy định ở ga, hướng dẫn của nhân viên để đảm bảo an toàn, trật tự", đại diện Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1 chia sẻ.

Đối với xe công nghệ, taxi lên/xuống những điểm gần sân vận động Hoa Lư; công viên Lê Văn Tám; chợ Bến Thành; Nhà hát thành phố; ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần...

Khi gần đến những điểm này, người dân đi bộ tiếp đến vị trí muốn xem đại lễ. Trường hợp đi xe cá nhân thì chú ý không đi vào khu vực cấm, tham khảo khu vực giới hạn để chủ động chọn lộ trình từ xa, gửi xe sau đó đi bộ tới gần điểm diễn ra đại lễ.

Trường hợp không tiếp cận trực tiếp khu vực diễn ra đại lễ, người dân cũng có thể theo dõi diễu binh, diễu hành và các hoạt động lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua 21 màn hình LED được đặt tại nhiều tuyến đường, khu trực trên địa bàn TP.

Sẵn sàng cho đại lễ 30-4 - Ảnh 6.Đắm mình trong đại lễ 30-4

Trưa 26-2, anh Alvin Neoh (35 tuổi, người Malaysia) cùng hai người bạn của mình tranh thủ đến Bưu điện TP.HCM để chụp ảnh, ngắm quang cảnh TP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên