TTCT - Sách mẫu câu (phrase book) có thể cho chúng ta biết nhiều về quá khứ hơn là cách hỏi mua ngựa hay thuê phòng ở một nước không nói tiếng Anh cách đây vài trăm năm. Bìa quyển Colloquia et dictionariolum octo linguarum, tức Hội thoại và từ điển tám ngôn ngữ (Latin, Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Ý và Bồ Đào Nha), bản in năm 1631 tại Amsterdam, Hà Lan.Những quyển cẩm nang giao tiếp, hay sách tổng hợp mẫu câu thường gặp, dành cho người đi nước ngoài (tiếng Anh gọi là phrase book) có thể cho chúng ta biết nhiều về quá khứ hơn là cách hỏi mua ngựa hay thuê phòng ở một nước không nói tiếng Anh cách đây vài trăm năm.Đại học Cambridge xem phrase book là một hình thức độc đáo của văn học, còn tờ The Economist gọi đó là một thể loại văn học bị ngó lơ. Thực tế là dòng sách này đang trên đường tuyệt chủng, bởi chúng thành ra lạc quẻ trong thời Google dịch hiện nay. Số liệu từ Hãng Nielsen Book Research cho biết doanh số loại sách này ở Anh đã rớt 40% trong 3 năm trở lại đây.Người ta không còn cần đến sách mẫu câu nữa, nhưng với các sử gia, chúng là nguồn tư liệu độc đáo vô giá, chứa đựng nhiều câu chuyện về lịch sử của cả con người lẫn ngôn ngữ."Ông bị bướu cổ lâu chưa"Khi cây bút du ký Eric Newby quyết định khám phá Hindu Kush, một dãy núi nằm ở phía tây dãy Himalaya, vào năm 1956, ông biết mình sẽ đến những chỗ mà chưa người Anh nào từng đặt chân tới kể từ năm 1891. Tuy nhiên, ông không lo lắm về chuyện giao tiếp, bởi trong ba lô đã sẵn quyển Ghi chú về tiếng Bashgali - cuốn sách mẫu câu xuất bản ở Calcutta năm 1902. Bashgali là tên gọi khác của tiếng Kamkata-vari, ngôn ngữ của một số bộ lạc ở vài khu vực thuộc Afghanistan và Pakistan.Nhưng một chiều nọ, khi đã đến lúc giở sách ra nơi xứ lạ, sự lạc quan của ông tan biến. Trong khi các sách mẫu câu thường chỉ cách gọi một ly vang đỏ hay một tách cà phê, cẩm nang mà Newby mang theo bao gồm các câu không rõ là để làm gì, xài dịp nào.The Economist dẫn vài ví dụ: "Tôi thấy một cái xác ngoài đồng sáng nay", tiếp theo đó là "Cha anh lọt sông rồi kìa", "Tui có 9 ngón tay, còn ông có 10", và choáng hơn nữa là "Tao có ý định giết mày". Một vài câu mang tính đàm thoại hơn, chẳng hạn "Vậy chứ ông bị bướu cổ lâu chưa?". Nhìn chung, quyển sách mẫu câu khiến Newby có ấn tượng hãi hùng về tiếng Bashgali và người nói chúng.Thực tế là những mẫu câu được lựa chọn hé lộ sự thật về người soạn sách, tức những người nói tiếng Anh và nhìn thế giới với những giả định và khuôn mẫu mặc định (stereotype) hơn là về ngôn ngữ đó. Với các nhà sử học, nghiên cứu sách mẫu câu cổ xưa vì thế là cách để tìm hiểu về những giả định mà người Anh ở nước ngoài đã từng dành cho xứ sở mà họ đang sống.Chẳng hạn, khi đến Ý, hẳn ta phải chú ý nhiều đến mỹ học và ẩm thực. Quyển Sổ tay giao tiếp Anh - Ý của J.B. Leek năm 1928 có một loạt câu về việc làm đầu tóc, với các câu như: "Cạo ria mép của tôi/Vui lòng uốn ria mép của tôi/Xức một chút sáp thơm lên ria mép của tôi nhé", và sau đó là phần về ẩm thực: "Cho tôi một [các loại vang] hoặc [các loại phô mai]".Người Anh ở hải ngoại cũng đặc biệt lo lắng về hệ quả của việc ăn uống nơi đất lạ. Sau phần hướng dẫn cách có rượu ngon phô mai béo, Leek cho rằng đồng hương của ông còn phải biết cách nói "Tôi thấy buồn nôn, muốn bệnh rồi". Và những nỗi lo đường ruột cũng xuất hiện trong cẩm nang giao tiếp cho các điểm đến khác. Một sách mẫu câu tiếng Hàn hướng dẫn tỉ mỉ: "Sau khi ói thì đỡ táo bón rồi", còn cẩm nang cho tiếng Luganda ở Uganda lại có mẫu câu quyền lực: "Ói bao nhiêu thì giữ lại cho hết".Sách mẫu câu từ thời thuộc địa lại vô tình là các bản ghi chép về sự tàn bạo của đế quốc, nhưng theo cách khác với sách lịch sử thông thường: thay vì mô tả diễn biến trên chiến trận, chúng cho phép ta "nghe lén" sự tàn ác thầm lặng hơn, diễn ra trong phòng giải trí của đế quốc. Cẩm nang Tự học tiếng Hindu năm 1908 có câu "Câm miệng lại", còn một quyển khác có cụm từ "Đánh thằng nhãi lười biếng đó đi".Và đôi khi, những gì được bày cho người xưa có thể khiến người nay gãi đầu khó hiểu. Trong phần giới thiệu của quyển Sổ tay tiếng Ả Rập Palestine năm 1909, nhà biên soạn hy vọng rằng nó sẽ không chỉ "hữu ích cho khách du lịch khi ở khách sạn" mà còn "ngõ hầu có thể được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày". Các cụm từ dành để đàm thoại hằng ngày theo gợi ý của cuốn sách bao gồm: "Chúng tôi đến vách đá và thấy anh ấy ngã xuống", "Anh ấy đã chết trước khi chúng tôi tìm thấy". Không rõ chúng sẽ xuất hiện trong cảnh huống nào và hội thoại sau đó sẽ đi về đâu.Một trang của quyển Colloquia et dictionariolum octo linguarumXỉ vả và tán tỉnh"Đồ ngu ngốc, phường dối trá, thứ lưu manh, quân lừa đảo, dòng đá cá lăn dưa, loài độc ác". Trừ khi có ác ý hay muốn chơi khăm, chẳng ai lại đi mách người nước ngoài những từ này khi họ đến thăm nước mình. Thế mà đây lại là một mục trích từ sách mẫu câu có từ vài trăm năm trước. Một quyển cẩm nang tiếng Hà Lan năm 1660 có mục "Các cách gọi xúc xiểm" với mục đích tương tự, chỉ người Anh nói những cụm từ như "kẻ cướp trên xa lộ", "đồ lang thang", "phường lưu manh", "quân khốn nạn"... khi đến xứ hoa tulip.Những quyển sách mẫu câu và cẩm nang du lịch từ thế kỷ 16 và 17 còn có sự quan tâm đặc biệt đến cách để tán tỉnh phụ nữ ngoại quốc, theo nhà sử học ngôn ngữ John Gallagher, hiện là phó giáo sư Đại học Leeds (Anh), người từng nghiên cứu về chủ đề này năm 2013. Gallagher cho biết nhiều sách mẫu câu dựng lên các tình huống có thể xảy ra để buông lời ong bướm, với đối tượng từ cô hầu phòng đến nữ quý tộc nào đó. "Một kịch bản xuất hiện trong nhiều quyển sách khác nhau là cảnh người đàn ông đi ngủ muộn và tiến đến chỗ cô hầu phòng, bảo cô "lại gần hôn anh đi, anh đang đau khổ quá", và cô ấy sẽ nói "làm gì có, ông đâu có ốm đau gì"" - Gallagher kể với báo The Times.Thế kỷ 16 - 17 là thời kỳ tiếng Anh chưa phổ biến như hiện nay, vì thế dân Anh ra nước ngoài thường phải hoàn toàn phụ thuộc vào loại sách này. Vào thời điểm đó, tiếng Latin mới là chủ đạo - được dạy ở trường và được các tầng lớp tinh hoa ưa thích, thứ nữa là tiếng Pháp - ngôn ngữ của văn hóa và sự tinh tế, cũng như ngoại giao và thương mại. Nhiều người cũng muốn biết tiếng Ý - ngôn ngữ của thơ ca, opera và giao thương trên khắp Địa Trung Hải.Khi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa sử Đại học Cambridge, Gallagher đã nghiên cứu các bộ sưu tập sách mẫu câu được lưu trữ tại các thư viện lớn cũng như các bức thư, sổ ghi chép, nhật ký và hồi ký của những người đi du lịch nước ngoài và học ngôn ngữ, trải dài từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 18 (quyển xưa nhất in ở London năm 1480). Việc nghiên cứu kho văn bản độc đáo này giúp Gallagher hiểu thêm về lịch sử xã hội, kinh tế và chính trị của cả giai đoạn đó - vốn chứng kiến sự bùng nổ du lịch và quan tâm đến thế giới bên ngoài nước Anh."Tôi cũng quan tâm đến ý nghĩa của việc thành thạo một ngôn ngữ và điều đó đã thay đổi như thế nào theo thời gian - Gallagher nói trong một bài viết trên trang web Đại học Cambridge - Cần phải thoát khỏi cách chia nhị nguyên - không nhất thiết chỉ có thạo hoặc không rành ngôn ngữ, bạn có thể xoay xở ở một đất nước chỉ với chút vốn lõm bõm ngôn ngữ bản địa". Lịch sử cho thấy người ta đã có những định nghĩa khác nhau về việc "thạo ngoại ngữ", tùy theo mục đích sử dụng tiếng của họ. "Suy rộng ra, đó là cách ta trả lời câu hỏi tại sao chúng ta cần biết ngoại ngữ và điều đó sẽ giúp gì được cho ta" - Gallagher nói.■Gallagher không chỉ nghiên cứu sách mẫu câu dành cho người nói tiếng Anh muốn đi nước ngoài, mà còn xem cả sách dạy tiếng cho người nhập cư/tị nạn khi mới đến Anh, chẳng hạn các cẩm nang dành cho người Pháp theo đạo Tin lành bị buộc phải chạy trốn khỏi đất nước để tránh sự đàn áp của vua Louis XIV cuối thế kỷ 17. Những tài liệu này cho thấy những người nhập cư mới đến đã điều chỉnh và thích nghi thế nào với không chỉ tiếng Anh mà với phong tục tập quán của người Anh, vốn có vẻ kỳ lạ đối với người Pháp, theo Gallagher.Một tài liệu khác, được soạn dành cho làn sóng hơn 10.000 người di cư nói tiếng Đức đến London vào năm 1709, bày cho họ cách dùng ngôn ngữ thảm thiết, nhún nhường và đầy lòng biết ơn - thứ cần có để có thể ở lại đất nước này. Gallagher trích lại một mẫu câu trong sách, với tình huống hai người Đức nhắc nhở nhau: "Hãy siêng năng ở bất cứ nơi chốn hay nhà ga nào mà Chúa và Vương gia Điện hạ vui lòng ban cho chúng ta. Và hãy cư xử với bản thân của chúng ta một cách lặng lẽ, phục tùng tất cả mọi người. Và luôn nhớ rằng chúng ta là những người xa lạ, có mặt được ở đây là nhờ lòng từ bi".Một trang từ sổ tay tiếng Anh cho người Hoa nhập cư năm 1875. Ngoài những câu để mua bán như "giá bao nhiêu", "có gì để bán" còn có những câu như "tôi vô tình đánh trúng anh ta", "hắn đánh tôi vô cớ". Đây là tài liệu dạy học trong Dự án lịch sử xã hội Hoa Kỳ. Tags: Sách mẫu câuSử liệuVăn hóaTiếng AnhLịch sử
Cục diện phim Tết phức tạp sau khi 3 phim đều đã lộ diện, Nụ hôn bạc tỉ của Thu Trang xé túi mù LÊ GIANG 25/01/2025 Tối 24-1, phim 'Nụ hôn bạc tỉ' của Thu Trang chiếu ra mắt truyền thông, chốt lại bộ ba phim Tết năm nay, bên cạnh 'Bộ tứ báo thủ' và 'Yêu nhầm bạn thân'.
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nga tuyên bố dùng drone cảm tử hạ xe tăng Abrams ở vùng Kursk THANH BÌNH 25/01/2025 Nga cho biết các lực lượng nước này đã dùng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) phá hủy chiếc xe tăng M1 Abrams của Ukraine tại vùng biên giới Kursk.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.