
Đám cưới vợ chồng chị Mỹ Xuyên đậm chất sông nước miền Tây - Ảnh: NGỌC SANG chụp lại
"Thuyền em đi trên sông trăng sáng, Cưới nhau về ta rước hội vui, Trên sông dài thuyền hoa giăng, Bao cô nàng miệng cười xinh xắn…".
Mỗi khi giai điệu bài hát Thuyền hoa vang lên, chị Nguyễn Mỹ Xuyên (xã Bình Khánh Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) lại bồi nhớ về ngày trọng đại của mình, ngày mà chị được nhà chồng đưa dâu bằng xuồng hoa 19 năm về trước.
"Hồi đó nghèo mà vui lắm. Đám cưới có gì đâu, mộc mạc giản dị thôi à!", chị cười kể.
Bà con xúm lại làm cổng hoa, nấu tiệc đãi khách
Lục lại những tấm hình cũ kỹ trong quyển album bụi bặm đã lâu không đụng tới, chị Xuyên bỗng nghẹn ngào xúc động. Ngày đó, cô thiếu nữ miền Tây sông nước lên xuồng hoa khi mới 18 tuổi, còn anh Trần Bé Ba, chồng chị năm đó cũng chỉ mới 21.
Khác với đám cưới thời nay có thể thuê toàn bộ ê kíp trang trí và lo đám cưới từ A đến Z, cổng cưới của vợ chồng anh Ba ngày đó được người thân, xóm giềng hai bên tự tay làm giúp với nguyên liệu toàn cây nhà lá vườn.
Lá chuối, hoa cau được chọn kỹ lưỡng sao cho cành còn đủng đỉnh, kết hợp dây dừa được đan khéo léo, tất cả tạo nên cổng cưới mộc mạc, đơn sơ mà đẹp mắt, lại còn chứa đậm ân tình. Mỗi chi tiết trên cổng đều có ý nghĩa riêng, thể hiện mong ước về một cuộc sống bền chặt, sung túc cho đôi vợ chồng trẻ.
"Vui lắm, bà con xúm lại với nhau mỗi người một tay, người thì chặt cây, người vót, người đan dây dừa", anh Ba vui vẻ chia sẻ.

Chú rể Trần Văn An mời cô dâu ly rượu ngày vui đôi lứa - Ảnh: NVCC
Đêm tiệc nhóm họ trước ngày cưới, khách tới đông lắm, dựng rạp một khúc kéo dài. Mọi người uống khi nào say "quắc cần câu" thì vô ngủ một giấc, tỉnh lại nhậu tiếp. Có mấy chú lên sân khấu ca cải lương hay như nghệ sĩ vậy", anh Ba hồi tưởng.
Anh vẫn nhớ như in ngày 9-12-2006 đặc biệt của vợ chồng mình, từ sáng sớm nhà trai đã chuẩn bị xong mâm quả, sính lễ chuẩn bị đi rước dâu bằng xuồng. Đoàn rước dâu gần 30 người, ai cũng quần áo lượt là, màu sắc đủ hết, trên mui mỗi chiếc xuồng cũng được tô điểm bằng hoa và lá dừa nước non.
Dưới nắng vàng, những chiếc xuồng hoa len lỏi qua mấy con rạch được tán dừa soi bóng nước, tiếng cười nói rộn rã phá tan không gian yên ả cả một khúc sông. Sau 30 phút, xuồng cập bến nhà gái để vào làm lễ rước dâu.
Do đám cưới hai bên tổ chức chung một ngày nên nhà trai và nhà gái đều góp sức trong việc chuẩn bị mâm tiệc đãi khách. Những thanh niên khỏe trong nhà đảm nhiệm mần thịt heo, thịt gà, còn các bà các cô tất bật trong bếp nấu xôi, làm bánh. Chén, đĩa, ly, đũa phải đi mượn thêm của hàng xóm mới đủ đãi khách.
Nhắc kỷ niệm, chị Xuyên vẫn háo hức như đang sống lại ngày ấy: Bàn tiệc đãi khách đi đám cưới lúc đó đậm chất hương vị miền Tây dân dã, gồm thịt heo kho nước dừa, lẩu gà tiềm, canh chua cá lóc. Dù vậy món nào cũng được các mợ các dì trang trí tỉ mỉ, đẹp mắt và đặc biệt rất ngon. "Cá bắt từ ao ngay sau nhà lên, rau thì hái trong vườn ngoại. Vậy đó mà ngon, cái nào thiếu mới đi mua thêm chứ đa phần trong nhà có sẵn hết", chị tâm sự.
"Đám cưới vui lắm, nhưng xong rồi tới khâu chia lại chén, đĩa cho từng nhà mới mệt, lung tung beng hết" - chị cười, kể thêm. Đã đi ăn cưới ở nhiều nơi nhưng chị Xuyên vẫn có nhiều cảm xúc với lễ xuất giá ở miền Tây. Lễ này được diễn ra buổi tối trước khi đãi tiệc nhà gái.
Người đại diện đọc lời cảm ơn công dưỡng dục cha mẹ. Đứng trước cha mẹ, họ hàng, cô dâu dâng trà, rượu như lời cảm ơn gửi tới đấng sinh thành. Cha mẹ trao cho con gái cái ôm, ánh mắt trìu mến.
"Bữa đó bả đẹp lắm, bả mặc áo bà ba màu vàng nền nã, tóc dài thướt tha", anh Ba tấm tắc khen vợ mình hôm làm lễ xuất giá. Còn chị Xuyên thì trải lòng: "Nhìn con gái mình đã trưởng thành, giờ tới tuổi gả chồng mà nhớ mình hồi xưa. Ngày đó cha mẹ tui cố gắng lắm mới không khóc. Còn cô dâu thì khóc như mưa".
Lễ xong, cô dì chú bác xúm lại tặng quà cưới cho cô dâu như nhẫn vàng, bao lì xì đỏ, may cho bộ đồ đẹp hay cái mền, mùng. Những món quà thay cho lời chúc tốt đẹp, mong cầu đời sống mới sung túc, đầm ấm tới với cô dâu chú rể.
Chị Mỹ Xuyên bồi hồi nhớ đám cưới mình có một điểm đặc biệt, đó là nghi thức vái lạy vô cùng cầu kỳ. Cô dâu, chú rể phải học trước để thực hiện nghi thức "nhất bộ nhất bái", thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên, cha mẹ, gửi gắm lòng biết ơn sâu sắc.
"Hồi đó hai vợ chồng tui phải đi học lạy mấy buổi mới biết đó. Từng động tác đều phải chuẩn chỉnh, cho thấy sự tôn nghiêm và tinh thần trang trọng của lễ cưới chứ không phải giỡn chơi đâu", chị vui vẻ tâm sự.

Hôn lễ vui vẻ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiền đúng ngày 30-4-1985 - Ảnh: NGỌC SANG chụp lại
Đám cưới thời khách đi thiệp 10.000 đồng
Một chiều đầu năm 2025, trong căn nhà ở đường Bà Hom (quận 6, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Hiền lấy trong tủ kính ra những tấm hình trắng đen đã nhuốm màu thời gian. Lần giở từng tấm hình, bà say sưa ngắm nghía rồi nở nụ cười.
"Vậy mà đã 40 năm trôi qua rồi!", bà Hiền bồi hồi. Người phụ nữ 65 tuổi nhìn lại những bức ảnh trong ngày cưới năm nào. Năm đó, vợ chồng bà chỉ 25 tuổi.
Ký ức xưa dần hiện về, bà Hiền kể sau vài năm yêu đương nhau đầy ngọt ngào và được gia đình hai bên chấp thuận, bà và bạn trai là ông Trần Văn An (cùng sinh năm 1960) nên duyên vợ chồng.
Nhà trai và nhà gái chỉ cách nhau chừng 4km, đám cưới diễn ra trong hai ngày tại TP Châu Đốc (khi ấy là thị xã), An Giang. "Tổ chức trước ở nhà tôi đúng ngay ngày 30-4, đãi 25 bàn trước sân nhà tôi luôn. Xong rồi rước dâu về bữa sau (tức ngày 1-5) đãi bên nhà trai ở nhà hàng cũng gần 30 bàn", bà Hiền vui vẻ nhớ lại. Trước đó vài tháng, đôi bên đã tổ chức lễ dạm ngõ.
Đám cưới của bà Hiền có thể coi là thuộc hàng khá giả thời bấy giờ khi có đầy đủ lễ nghi theo phong tục cưới cổ truyền của ông bà ta. Trong đám cưới, cô dâu có mái tóc uốn xoăn, trang điểm đậm, mặc đầm cưới trắng và đội voan thêu hoa khoác tay chú rể mặc vest bảnh bao đi chào khách từng bàn.

Hình ảnh kỷ niệm khó quên của cô dâu Nguyễn Thị Hiền - Ảnh: NVCC
"Tôi nhớ mình được mặc ba bộ đầm mỗi bên tiệc đãi nhà gái và nhà trai. Nhà trai đi xe hơi, đem trầu cau, mâm quả, sính lễ qua. Sau khi trình với cha mẹ hai bên để xin cưới thì làm lễ, rót rượu cho cha mẹ, các vị trưởng tộc, bô lão, rồi lạy cảm ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng. Vàng cưới thì có đôi bông, dây chuyền, lắc tay, tiền bạc.
Lâu quá rồi tôi không nhớ rõ bao nhiêu nhưng vàng lúc đó cũng còn rẻ, khách đi tiệc có người bỏ thiệp 10.000 đồng", người phụ nữ tóc xoăn, môi son năm ấy nay đã hóa hoa râm, vui vẻ tâm sự. Khi ấy, bà Hiền làm y tá trong bệnh viện, còn chồng làm nhân viên một công ty xuất nhập khẩu. Bạn bè, đồng nghiệp của hai người đến dự chung vui rất đông.
Những tấm hình cưới của bà Hiền đa số là trắng đen, chỉ hai ba tấm hình có màu. Dù vậy, ảnh chụp nhìn khá rõ để có thể hình dung một đám cưới cơ bản và truyền thống của miền Tây diễn ra cách đây đã 40 năm.
Sau đám cưới, vợ chồng bà tiếp tục đi làm. Ba năm sau, bà Hiền sinh con trai đầu lòng vào năm 1988 và sinh con gái vào năm 1999. Đến nay vợ chồng bà đã về hưu an hưởng tuổi già, hơn hết là họ vẫn hạnh phúc sau mấy mươi năm kết hôn cùng hai con đủ nếp đủ tẻ.
"Vợ chồng tôi đang chờ dựng vợ gả chồng cho hai đứa con, có cháu nội, cháu ngoại rồi mình mới yên tâm", bà Hiền cười chia sẻ.
-------------------------------------
Đêm động phòng, đôi lứa được đồng đội cho mượn tăng võng quây quanh mặt sàn lát tạm bằng những thanh tre nứa. Bên nhau chỉ được một đêm, họ lại tạm chia tay vì đất nước vẫn ì đùng tiếng đạn bom.
Kỳ tới: Tăng võng che đêm động phòng thời bom đạn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận