TTCT - Mark Green là giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo quốc tế McCain. Ông từng là dân biểu bang Wisconsin trong bốn nhiệm kỳ và cựu giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Ông vừa có bài viết về vai trò của cố thượng nghị sĩ John McCain trong việc nối lại quan hệ Việt - Mỹ, đăng trên trang The Hill ngày 11-7, đúng dịp kỷ niệm 25 năm sự kiện này. 22 năm sau khi trở về nhà từ Việt Nam, cố thượng nghị sĩ John McCain ngồi trong Phòng Bầu dục, thúc giục vị tổng thống Mỹ từng từ chối phục vụ trong cuộc chiến thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với cựu thù của nước Mỹ.“Việc ai ủng hộ, ai phản đối cuộc chiến không còn quan trọng với tôi nữa - McCain nói với Bill Clinton - Tôi chán phải nhìn lại quá khứ trong giận dữ, và tôi cũng phát ngấy việc nước Mỹ nhìn lại trong giận dữ. Đã đến lúc gác lại quá khứ phía sau, thưa ngài tổng thống, và cần phải làm điều đúng đắn cho cả hai quốc gia”.McCain đã làm việc để đạt được mục tiêu đó với cựu thượng nghị sĩ John Kerry và các cựu binh chiến tranh Việt Nam khác ở Quốc hội, và với cố đại tướng John Vessey, đặc phái viên của tổng thống về Việt Nam, trong gần 5 năm.Suốt tiến trình đó, họ góp phần thuyết phục Chính phủ Việt Nam hợp tác toàn diện trong nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, và thuyết phục người dân Mỹ tin rằng lợi ích và giá trị của chúng ta sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách theo đuổi tình hữu nghị với cựu thù của chúng ta, thay vì thù hận nối tiếp.“Hãy để chúng tôi kiểm chứng nhận định rằng càng tiếp xúc nhiều với người Mỹ thì Việt Nam sẽ càng dễ tiếp nhận ảnh hưởng của các giá trị của chúng ta” - McCain nói khi tranh luận ở Thượng viện và trên các trang xã luận của tờ Washington Post.Con đường đưa McCain đến đề xuất đó đã bắt đầu trước đấy 10 năm, khi ông lần đầu thăm Việt Nam sau chiến tranh, đi cùng nhà báo truyền hình huyền thoại Walter Cronkite [năm 1985 - ND]. Sau khi trở về từ chuyến đi đó, McCain và người bạn, người chiến hữu cũ của ông, Tom Ridge, cựu thống đốc bang Pennsylvania và bộ trưởng an ninh nội địa, đề xuất mở văn phòng đại diện quyền lợi của các bên ở thủ đô mỗi nước.Ông đã bền bỉ vượt qua nhiều trở ngại và hiểu lầm từ Hà Nội và Washington, bất chấp sự phản đối của một số đồng nghiệp và những người vẫn ủng hộ ông, lẫn những bôi nhọ với uy tín của ông từ những kẻ lừa đảo và ủng hộ thuyết âm mưu, và vượt qua sự miễn cưỡng của giới chức Mỹ và Việt, những người không muốn mạo hiểm vốn liếng chính trị của họ đặt cược vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng đồng thời, sứ mệnh của ông đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo, nghị sĩ, và cựu chiến binh.Phong cách lãnh đạo của McCain là nhìn xa, nhưng tầm nhìn đó rõ ràng, cương quyết và dựa trên ý tưởng hướng tới một tương lai tốt đẹp cho cả hai dân tộc, chứ không chỉ là sự tính toán để dàn xếp mối hận cũ.Ông và những người ủng hộ đồng chí hướng ở Mỹ và Việt Nam đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước, và sẽ khuyến khích các thế hệ tiếp nối viết lại lịch sử mối quan hệ đó - từ một khởi đầu đầy hi vọng, dù dè dặt, cho đến một tình hữu nghị ngày càng bền chặt.Những gì McCain viết năm 1995 giờ đã thành sự thật: “Một Việt Nam đủ sức mạnh kinh tế để, cùng các nước lân bang, kháng cự lại các chiến lược mạnh tay từ nước láng giềng hùng mạnh của họ hoàn toàn là vì lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta [Mỹ].Điều này, mạnh mẽ hơn bất cứ lý do nào, đòi hỏi phải sớm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và đưa Việt Nam trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN], và vai trò có trách nhiệm của Hà Nội với các vấn đề trong khu vực [là] một diễn tiến đáng chào đón”.Chuyến thăm 5 ngày của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẵng năm 2018, giữa lúc căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tự nó đã thể hiện điều đó. Tương tự là nhiệm kỳ năng động của Việt Nam với vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đến năm 2021, và chủ tịch ASEAN trong năm 2020.Nếu còn sống với chúng ta, McCain có lẽ sẽ yêu cầu chúng ta làm hơn nữa - và làm nhanh hơn. Nhưng ông sẽ không mất niềm tin vào nhận định rằng tình hữu nghị của chúng ta với Việt Nam sẽ thúc đẩy các lý tưởng mà chúng ta cổ vũ một cách chắc chắn hơn so với nối tiếp thù hận.Tôn trọng phẩm giá con người, tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn giữa các cựu thù dù xác suất thành công không lớn, vượt qua sự thù địch trong quá khứ và các chính sách sai lầm, đủ cá tính để vượt qua vết thương đau đớn của chiến tranh - đó là di sản của John McCain.Ngày nay, khi chúng ta mừng 25 năm quan hệ tiến bộ và tình hữu nghị ngày càng gia tăng với Việt Nam, chúng ta nên nhìn nhận đó cũng là di sản của chúng ta, nơi mà lợi ích và những giá trị chúng ta trân trọng nhất sẽ luôn là trung tâm và quyết định. ■TRÚC ANH lược dịch Tags: MỹViệt NamQuan hệ Việt - Mỹ25 năm quan hệ Việt - Mỹ
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.