'Thuế quan Mỹ cũng là cơ hội cho Thái Lan'

Nghị sĩ Hạ viện, Phó chủ tịch phụ trách công tác quốc tế Đảng Nhân dân Chaiwat Sathawornwichit chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ về tác động thuế quan Mỹ có thể mang lại cho nền kinh tế xứ chùa vàng nói riêng và ASEAN nói chung.

thuế quan Mỹ - Ảnh 1.

Nghị sĩ Chaiwat Sathawornwichit - Ảnh: NVCC

Đảng Nhân dân hiện là đảng nắm nhiều ghế nhất tại Hạ viện Thái Lan. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài chính, từng nắm các vị trí lãnh đạo tại Ngân hàng Thái Lan, ông Chaiwat cho rằng thuế quan dù là thách thức lớn nhưng cũng mang đến cơ hội tăng tính năng động cho nền kinh tế Thái Lan.

Tác động ngắn và dài hạn

Nghị sĩ Thái Lan cho biết việc tiến trình đàm phán thuế quan của nước này diễn ra chậm và bị trì hoãn giáng đòn khá mạnh lên tâm lý thị trường.

Lá thư ngày 7-7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nêu Thái Lan sẽ phải chịu thuế quan 36% nếu không hoàn tất đàm phán trước 1-8, được gửi chỉ một ngày sau khi Bangkok gửi đi dự thảo đề xuất thương mại mới nhất.

Theo đó Thái Lan cam kết giảm thâm hụt thương mại với Mỹ xuống 70% vào năm 2030, tiến đến cân bằng thương mại vào năm 2032.

Đổi lại Bangkok hy vọng nhận mức thuế tương đương các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ông Chaiwat cho biết hiện chưa rõ kết quả cuối cùng, nhưng ông tin khả năng Thái Lan thu về kết quả có lợi.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh thị trường Mỹ chiếm đến 20% kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan. Do đó dù nhận được mức thuế như kỳ vọng thì thuế quan mới vẫn sẽ mang lại nhiều tác động ngắn và dài hạn cho nền kinh tế nước này.

Trong ngắn hạn hoạt động xuất khẩu của Thái Lan sẽ đối diện cơn sốc, đặc biệt với các ngành hàng chủ lực xuất sang Mỹ như điện tử, ô tô, chế biến thực phẩm...

Nhiều nhà kinh tế học dự đoán nếu mức thuế 36% không đổi thì tăng trưởng GDP của Thái Lan sẽ giảm từ 1 - 1,2%. Thậm chí nếu tình hình thuế nặng kéo dài thì nguy cơ suy thoái sẽ tăng.

Trong dài hạn thuế quan Mỹ sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh thương mại của Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất công nghiệp.

Những điều này sẽ tác động mạnh mẽ lên thị trường lao động, thu nhập của người dân và khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.

Ông khẳng định khu vực tư nhân không thể tự mình gánh chịu hết những tác động này mà cần các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ.

"Chúng tôi cần xác định đâu là những nhóm dễ tổn thương nhất và những hình thức hỗ trợ chính phủ có thể đưa ra, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tôi cho rằng chính phủ cần triển khai các gói hỗ trợ dài hạn, thiết kế riêng cho từng nhóm dễ bị ảnh hưởng, thay vì chỉ có các hình thức hỗ trợ ngắn hạn chung chung như những khoản vay ưu đãi đang được họ cân nhắc. Chỉ như vậy thôi thì sẽ không đủ", ông Chaiwat nhấn mạnh.

"Bình thường mới" của thương mại quốc tế

Nghị sĩ Chaiwat Sathawornwichit cũng cảnh báo Thái Lan và Việt Nam không nên xem thuế quan thời ông Trump là "câu chuyện 4 năm" và mọi chuyện sẽ về quỹ đạo cũ khi một tổng thống Mỹ mới lên nắm quyền.

Ông Chaiwat chia sẻ: "Tôi không nghĩ kỷ nguyên toàn cầu hóa đã kết thúc. Tuy nhiên nó sẽ được tái định hình theo hướng phân mảnh hơn.

Trong thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, hầu hết chính sách thuế quan thời ông Trump 1.0 vẫn được giữ lại. Nếu thuế quan có tăng trong thời ông Trump 2.0 thì tôi nghĩ chúng vẫn sẽ ở đó trong chừng mực nào đó sau khi nhiệm kỳ này kết thúc.

Đây nên được xem là bình thường mới, đòi hỏi Thái Lan, Việt Nam và các nền kinh tế đang phát triển của ASEAN chuyển mình để thích nghi với những sự bất định trong chính sách thương mại Mỹ".

Ông đề xuất một trong những điều ASEAN cần làm là "giao thương thông minh hơn", tức cân bằng các mối quan hệ để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một "khối địa chính trị" như Mỹ cho xuất khẩu hay Trung Quốc cho nhập khẩu.

"Chúng ta cần xem xét các điểm đến khác và tăng cường giao thương với các quốc gia cỡ trung", ông Chaiwat chia sẻ.

Đáng chú ý, vị chính khách Thái Lan cho rằng tình hình thuế quan cũng là cơ hội tăng tính cạnh tranh cho thị trường nội địa nước này.

Ông cho biết trong số các rào cản phi thuế quan mà Mỹ đề cập có những hàng rào cho một số ngành dịch vụ cụ thể như viễn thông và tài chính.

"Đây là các lĩnh vực mà thị trường Thái Lan cần nhiều sự cạnh tranh hơn. Sau vụ sáp nhập hai nhà mạng viễn thông lớn là DTAC và True hồi năm 2023, chúng tôi hiện chỉ còn hai nhà mạng lớn. Tôi tin đây là cơ hội để nâng mức độ cạnh tranh trong các lĩnh vực như thế này và điều đó sẽ giúp người Thái hưởng lợi hơn", nghị sĩ Thái Lan khẳng định.

Ngoài ra theo ông, Thái Lan cũng có thể mở cửa thị trường cho những loại hàng hóa Mỹ mà thị trường nội địa không sản xuất, ví dụ như đồ công nghệ cao và một số sản phẩm nông nghiệp như rượu.

Tiến đến hoàn thiện chuỗi giá trị ASEAN

Ông Chaiwat nhấn mạnh trong tình hình hiện tại, mỗi nước ASEAN cần tìm đến các thị trường mới. Trong quá trình mở rộng thị trường này, ASEAN cần tăng cường hợp tác để cùng nhau đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu.

"Chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các khu vực khác, đặc biệt là EU và Trung Đông. Thái Lan và ASEAN có thể tìm kiếm các thỏa thuận mới nhằm đảm bảo các đơn vị xuất khẩu có nhiều điểm đến. Mục tiêu là nếu một thị trường dựng rào thì các nước ASEAN có thể nhanh chóng chuyển sang thị trường khác" - nghị sĩ Thái Lan nêu quan điểm.

Theo ông, để làm tốt điều này, ASEAN cần hoàn thiện chuỗi giá trị nội khối và với các đối tác bên ngoài như EU. "Làm được điều này thì tiêu chuẩn hàng hóa của chúng ta sẽ nâng cao. Nếu chúng ta hoạt động như một khối, ASEAN sẽ tăng sức nặng đàm phán. Khi làm cùng nhau, chúng ta có thể chia sẻ bài học và đạt kết quả tốt hơn khi cố gắng một mình", ông kết luận.

'Thuế quan Mỹ cũng là cơ hội cho Thái Lan' - Ảnh 2.Tháng Bảy và những bức thư thuế quan của ông Trump

TTCT - Những ngày đầu tháng 7, cả thế giới đều chờ đợi xem điều gì sẽ diễn ra khi hạn chót để Mỹ áp mức thuế đối ứng được công bố hồi đầu tháng 4 đang đến gần. Có nhiều diễn biến mới, nhưng tương lai vẫn bỏ ngỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0