
Theo đề xuất, xã Đak Lua (huyện Tân Phú, Đồng Nai) sáp nhập với xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, Bình Phước) thành một đơn vị hành chính mới - Ảnh: A LỘC
Đây là một trong các kiến nghị, đề xuất tại dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước vào Đồng Nai.
Sáp nhập hai tỉnh để thuận lợi quản lý
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho hai tỉnh thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập xã Đak Lua và xã Đăng Hà nhằm tạo thuận lợi trong quản lý hành chính.
Xã Đak Lua (huyện Tân Phú, Đồng Nai) có diện tích tự nhiên trên 415km2, quy mô dân số hơn 8.000 người. Đây được xem là xã xa nhất ở Đồng Nai khi cách trung tâm huyện 65km và cách trung tâm tỉnh Đồng Nai hơn 150km. Phần lớn diện tích Đak Lua là rừng, nằm xa trung tâm huyện, địa hình đi lại phức tạp.
Nhiều năm qua, việc tổ chức bầu cử, thăm hỏi các gia đình chính sách, người nghèo ở Đak Lua, các đoàn công tác phải đi hết ranh giới huyện Tân Phú, Đồng Nai rồi đi qua hai huyện của tỉnh Lâm Đồng mới đến được xã Đak Lua.
Trong khi đó, điều kiện địa hình, vị trí địa lý thực tế của xã Đak Lua và xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, Bình Phước) giáp ranh nhau, có hệ thống giao thông kết nối và các điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho hai tỉnh thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập xã Đak Lua và xã Đăng Hà thành một đơn vị hành chính của tỉnh Đồng Nai (mới) để quản lý hành chính tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất sáp nhập ấp Bằng Lăng (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) vào xã Xuân Tây, Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) để thành lập xã Xuân Đông.
Nguyên nhân do vị trí địa lý và điều kiện giao thông kết nối giữa ấp Bằng Lăng với các khu vực khác trên địa bàn xã Xuân Tâm và các địa bàn khác trong huyện không thuận lợi, bị cách ngăn bởi Trường bắn quốc gia khu vực 3 cách trung tâm UBND xã Xuân Tâm khoảng 20km.
Tỉnh Đồng Nai cho rằng việc sáp nhập như trên sẽ giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, cũng như liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo dự thảo đề án trên, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích hơn 12.730km2, quy mô dân số hơn 4,2 triệu người với tổng số 94 đơn vị hành chính cấp xã.
Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai mới đặt tại thành phố Biên Hòa (sau sắp xếp thuộc phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai). Để thuận lợi trong giai đoạn đầu sáp nhập, hai tỉnh sẽ bố trí một số cơ quan có hai trụ sở tại Đồng Nai và Bình Phước.

Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, thành phố Biên Hòa) là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: A LỘC
Vì sao chọn tên tỉnh Đồng Nai?
Cũng theo dự thảo đề án, Đồng Nai giải thích việc lấy tên Đồng Nai vì địa phương có các khu công nghiệp lớn và bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ.
Đồng Nai là một trong những địa danh lâu đời nhất của Nam Bộ, có lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển, gắn liền với quá trình khai phá và định hình vùng đất phương Nam.
Từ thập niên 1960 đã hình thành Khu kỹ nghệ Biên Hòa (sau đổi tên là Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Đây được coi là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Sau năm 1975 đến nay, các khu công nghiệp ở Đồng Nai phát triển mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đồng Nai là trung tâm kinh tế - hành chính quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của Nam Bộ. Đồng thời sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo đã tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú và đặc sắc cho tỉnh Đồng Nai.
Hiện thương hiệu "Đồng Nai" không chỉ nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp mà còn có vị trí quan trọng trong quy hoạch đô thị, logistics, phát triển hạ tầng và khả năng kết nối vùng với các dự án cao tốc, sân bay Long Thành. Văn miếu Trấn Biên gắn liền với địa danh của tỉnh Đồng Nai.
Việc lựa chọn tên gọi "Đồng Nai" cho tỉnh mới sẽ góp phần tận dụng tối đa thương hiệu đã được xây dựng vững chắc, tiếp tục thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.
Mặt khác, Đồng Nai là một trong hai tên gọi đã tồn tại trước sáp nhập, có thể được xem là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.
BÌNH LUẬN HAY