10/05/2025 10:21 GMT+7

Dự thảo kỷ luật học sinh: Cần nhân văn nhưng cũng phải đủ sức răn đe

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Dự thảo đã thu hút nhiều ý kiến đa chiều của giáo viên, học sinh và những người đang công tác trong ngành giáo dục.

Dự thảo kỷ luật học sinh: Cần nhân văn nhưng cũng phải đủ sức răn đe - Ảnh 1.

"Điều quan trọng không nằm ở việc phê bình, mà là cách phản hồi tích cực có định hướng, giúp học sinh hiểu rõ cảm xúc, hành vi và hệ quả thay vì chỉ cảm thấy mình bị gán nhãn hay bị loại trừ khỏi tập thể" - TS Giang Thiên Vũ - giảng viên tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh minh họa AI

Theo dự thảo, học sinh sẽ bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng. Tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS Giang Thiên Vũ - giảng viên tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng dự thảo lần này thể hiện một bước tiến đáng ghi nhận trong cách tiếp cận vấn đề khen thưởng và kỷ luật học sinh, theo hướng lấy người học làm trung tâm. 

Tinh thần chung của dự thảo là nhân văn, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng thời nhấn mạnh vai trò giáo dục hơn là trừng phạt trong xử lý các hành vi vi phạm.

Đây là một chuyển dịch tư duy cần thiết và phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là trong bối cảnh học sinh đang chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường xã hội, gia đình và không gian mạng. 

Thay vì coi kỷ luật như một công cụ áp đặt, chúng ta cần nhìn nhận đó là quá trình giáo dục thông qua tương tác, nơi người lớn đồng hành cùng học sinh để giúp các em hiểu hành vi của mình, điều chỉnh và trưởng thành từ sai lầm.

Tuy nhiên để tinh thần nhân văn này đi vào thực tế hiệu quả, cần có hướng dẫn cụ thể, quy trình rõ ràng, hệ thống hỗ trợ chuyên môn đồng bộ, cũng như sự tham gia trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và cộng đồng. Hiệu quả thực sự không nằm ở hình thức, mà phụ thuộc vào cách thức sư phạm mà giáo viên sử dụng.

Một bản kiểm điểm được học sinh viết bằng sự tự soi xét chân thành có thể trở thành cơ hội để học sinh nhìn lại bản thân, hiểu hành vi và điều chỉnh phù hợp. Ngược lại, nếu áp dụng một cách máy móc, thiếu giao tiếp, thiếu thấu cảm, những biện pháp này có thể khiến học sinh tổn thương tâm lý. Đặc biệt là những em đang gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc có tính cách nhạy cảm.

"Điều quan trọng không nằm ở việc phê bình, mà là cách phản hồi tích cực có định hướng, giúp học sinh hiểu rõ cảm xúc, hành vi và hệ quả, thay vì chỉ cảm thấy mình bị gán nhãn hay bị loại trừ khỏi tập thể", ông Vũ nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Chánh Tín - tổ trưởng chuyên môn Trường THPT chuyên Bạc Liêu - cũng bày tỏ sự đồng thuận với việc bỏ hình thức đình chỉ học tập bởi theo thầy, học tập là quyền lợi chính đáng của mỗi học sinh, và không nên vì bất kỳ vi phạm nào mà tước đi quyền đó.

"Việc giáo dục và kỷ luật học sinh có rất nhiều biện pháp khác phù hợp và mang tính nhân văn hơn. Viết bản kiểm điểm cũng là một cách để học sinh tự nhìn lại hành vi của mình, nếu được thực hiện đúng cách thì vẫn có tính giáo dục", thầy Tín chia sẻ.

Tuy nhiên, thầy cũng cho rằng để đảm bảo tính công bằng và có tác dụng răn đe, nhất là với những học sinh vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần, cần cân nhắc thêm hình thức hạ hạnh kiểm.

"Với những học sinh cá biệt, tôi nghĩ tốt nhất vẫn là dùng tình cảm để cảm hóa. Các em đang trong quá trình hình thành nhân cách, nên rất cần cơ hội để sửa đổi. Nhưng cũng cần có giới hạn, để các em nhận thức rõ trách nhiệm của mình và tránh tái diễn sai lầm", thầy nói.

Cần thêm hình thức khiển trách ở bậc THCS và THPT

Thầy Ngô Văn Hải - hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ, Quảng Ngãi) - cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tinh thần của dự thảo: "Về quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với việc Bộ GD-ĐT bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập đối với học sinh. Kỷ luật trong nhà trường cần được nhìn nhận như một phương pháp giáo dục, chứ không đơn thuần là một hình thức xử phạt.

Việc áp dụng các phương pháp kỷ luật tích cực sẽ giúp học sinh có cơ hội tu dưỡng, rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm và khắc phục hậu quả từ hành vi của mình. Đồng thời cách tiếp cận này cũng thể hiện tính nhân văn, bao dung của nền giáo dục".

Tuy vậy, thầy Hải cũng cho rằng ở bậc THCS và THPT, cần có thêm hình thức khiển trách đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng. Đây là bước cần thiết để các em nâng cao ý thức trách nhiệm, từ đó có sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành vi.

Học sinh phản ứng khác nhau 

Về phía học sinh cũng có những phản ứng khác nhau về dự thảo này. Em Gia Thy - học sinh lớp 10 tại TP.HCM - cho rằng hiệu quả của những hình thức như nhắc nhở, phê bình hay viết bản tự kiểm điểm còn phụ thuộc vào nhận thức của từng học sinh. Có bạn sẽ thật sự hối lỗi và sửa sai, nhưng cũng có bạn cho rằng như vậy là quá nhẹ, không ảnh hưởng gì, nên dễ tái phạm.

Gia Thy cũng chia sẻ thêm về băn khoăn của mình với cách chia mức kỷ luật hiện tại: "Em nghĩ có thể sẽ không công bằng lắm, vì nếu hình thức kỷ luật đều giống nhau thì sẽ khó phân biệt được mức độ nghiêm trọng của hành vi. Những bạn vi phạm nhẹ và vi phạm nặng mà đều chỉ bị nhắc nhở hay viết kiểm điểm thì có vẻ chưa thật sự thỏa đáng".

Tương tự, em Trần Hồng Anh Thư - học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Bình (Tiền Giang) - cho rằng với học sinh tiểu học, do các em còn nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình nên việc nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi là một cách nhẹ nhàng, phù hợp để khuyên răn và giáo dục.

Còn đối với học sinh THCS và THPT, việc viết bản kiểm điểm sẽ giúp các bạn nhìn lại lỗi sai, ghi nhớ lâu hơn và học cách chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Nên về cơ bản, em đồng tình với các hình thức này, miễn là kỷ luật được áp dụng đúng, phù hợp và công bằng với từng hành vi vi phạm.

Tuy nhiên với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, em nghĩ các biện pháp nhẹ như nhắc nhở hay kiểm điểm có thể chưa đủ sức răn đe. Lúc này nhà trường cần áp dụng những hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn, như mời phụ huynh, tạm đình chỉ học hoặc tăng cường các biện pháp giáo dục có tính răn đe, để các bạn nhận thức rõ hơn về hậu quả hành vi của mình.

Thăm dò ý kiến

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về kỷ luật học sinh vi phạm. Theo đó, học sinh tiểu học sẽ bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi, học sinh cấp 2, 3 bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Dự thảo kỷ luật học sinh: Cần nhân văn nhưng cũng phải đủ sức răn đe - Ảnh 4.Cho học sinh đọc và suy ngẫm thay vì kỷ luật

Thay vì kỷ luật học sinh, Trường THCS Bình Khánh làm phòng ‘Đọc và suy ngẫm’ để những em vi phạm có thời gian nhìn nhận cái sai của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0