19/05/2025 11:58 GMT+7

Đề xuất TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ tiếp tục cơ chế đặc thù sau sáp nhập

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.

cơ chế đặc thù - Ảnh 1.

Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính - Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 19-5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã đọc tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cần thiết phải áp dụng cơ chế đặc thù sau sắp xếp

Theo tờ trình, nghị quyết 60/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị, chính quyền địa phương sẽ tổ chức theo 2 cấp, gồm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố) và kết thúc hoạt động của cấp huyện.

Số lượng đơn vị hành chính sau sáp nhập giảm về còn 34 tỉnh, thành phố. Chính phủ nhấn mạnh việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhằm mục tiêu tinh gọn, hiệu quả của chính quyền địa phương và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Tuy vậy đến nay cả nước có 10 địa phương, gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột và Cần Thơ đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội.

Trong số này có 6 địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo 2 cấp, gồm TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến TP Buôn Ma Thuột) và Cần Thơ.

Theo Chính phủ, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện dẫn tới thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý cũng như quy mô dân số, địa vị pháp lý… Vì vậy cần phải có quy định về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định của quy định pháp luật trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Đề xuất TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ tiếp tục cơ chế đặc thù sau sáp nhập - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: Quochoi.vn

Lưu ý đảm bảo điều tiết ngân sách

Bộ Chính trị đã cho ý kiến đồng ý chủ trương, cho phép các địa phương sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép. Vì vậy, việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương.

Chẳng hạn Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp, dịch vụ logistics. Đà Nẵng là trung tâm du lịch, dịch vụ, công nghệ cao. Khánh Hòa chú trọng phát triển kinh tế biển, du lịch biển. Còn TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc chuyển tiếp này cũng nhằm tránh tạo khoảng trống pháp lý cho địa phương sau sắp xếp trong xử lý các vấn đề liên quan dự án đầu tư, nghĩa vụ tài chính… Do đó Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.

Các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau sắp xếp cấp xã tiếp tục được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính hai cấp hoàn thành, Chính phủ tổng kết, đánh giá các cơ chế đặc thù này để điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế, tình hình mới hoặc luật hóa để áp dụng trong toàn quốc.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi bày tỏ việc tán thành chủ trương chuyển tiếp áp dụng cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép tại một số địa phương sau sắp xếp. Tuy vậy, đây không chỉ đơn thuần là việc mở rộng phạm vi áp dụng, mà còn liên quan nhiều mặt về kinh tế, ngân sách (nguồn lực thực hiện, các chính sách thu - chi ngân sách).

Vì vậy Ủy ban này đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách bảo đảm giữ nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách nhà nước. Với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh cần xác định lại tỉ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách trung ương - địa phương.

Đề xuất Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM và Cần Thơ tiếp tục hưởng cơ chế đặc thù sau sáp nhập - Ảnh 4.Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo về công tác nhân sự khi sáp nhập tỉnh, xã

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng đề án thành lập đảng bộ (mới), phương án nhân sự cấp tỉnh, cấp xã đúng nguyên tắc, yêu cầu, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, trình cấp có thẩm quyền đúng tiến độ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0