
Với các thủ tục trực tuyến đã được điện tử hóa sẽ giảm tối đa thời gian chờ đợi khi đến làm các thủ tục và tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID - Ảnh: HỮU HẠNH
Lãnh đạo Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho biết đang khẩn trương triển khai và hoàn thành từng hạng mục theo kế hoạch đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi hợp nhất.
Tên gọi các cơ quan mới, tên tỉnh thành mới sau sáp nhập, tinh gọn sẽ có rất nhiều thay đổi.
Khẩn trương hoàn thành các hệ thống liên thông
Tuy nhiên, việc đầu tiên phải là liên thông dữ liệu, các hệ thống của các đơn vị sau sáp nhập. Theo đó, trong giai đoạn 1 (hầu hết hoàn thành trước thời điểm sáp nhập) sẽ tập trung đảm bảo các hệ thống thiết yếu để vận hành các hệ thống thông tin tại các phường, xã, đặc khu.
Chẳng hạn, sau khi hoàn thành việc cấp mã định danh cho các đơn vị hành chính cấp xã mới từ hai tỉnh nêu trên, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính hợp nhất sẽ được vận hành thử nghiệm tại một số đơn vị.
Sau đó sẽ đánh giá và triển khai cho các đơn vị còn lại... Các hệ thống khác cũng sẽ được tập trung hoàn thiện như: đăng nhập một lần (Single Sign-On - SSO), họp không giấy, app Chính quyền số...
Bên cạnh đó, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cũng đang tổng hợp tình hình, hiện trạng trung tâm dữ liệu của các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để có phương án liên thông, kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, đồng thời đề xuất phương án lưu trữ dữ liệu (tập trung, phân tán) phù hợp với tình hình thực tế và năng lực xử lý của trung tâm dữ liệu.
Giai đoạn 2 sẽ là vận hành, quản trị TP.HCM trên môi trường số, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Mục tiêu kế hoạch nêu trên, theo đại diện Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, là nhằm đảm bảo người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, đồng bộ, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu.
Cập nhật ngay tên gọi các cơ quan mới
Trong khi đó, nhiều cơ quan nhà nước các cấp cũng đã chủ động thay đổi thông tin trên các nền tảng công nghệ số, bao gồm các tài khoản chính thức (Official Account - gọi tắt là OA) trên ứng dụng Zalo để dễ dàng tương tác với người dân.
Chẳng hạn, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã đổi thành Cục Hành chính, tư pháp; Tổng cục Thuế thành Cục Thuế; Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đổi thành Sở Tài chính TP Hà Nội; Công an TP Bắc Giang thành Công an phường Trần Phú, tỉnh Bắc Giang; Cục Thuế tỉnh Tiền Giang thành Tiền Giang - Chi cục Thuế khu vực XVII; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương thành Bảo hiểm xã hội khu vực IV...
Việc sáp nhập, thay đổi thông tin của các đơn vị hành chính trên cả nước sẽ dẫn đến nhiều thay đổi thông tin của các trang Zalo OA. Nắm được những thông tin thay đổi sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, hạn chế nỗi lo về tin giả hay đối tượng lừa đảo giả mạo khi nhận thấy tên OA cũ đã thay đổi.
Tính đến hết năm 2024 có hơn 17.000 Zalo OA của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích từ trung ương đến địa phương trên nền tảng Zalo, phục vụ người dân trên cả nước với hơn 40,7 triệu lượt theo dõi.
Zalo OA là những kênh thông tin chính thống, mở ra không gian kết nối với quần chúng nhân dân vừa duy trì chức năng thông tin, tuyên truyền vừa giúp người dân tương tác, phản ảnh, góp ý và kiến nghị một cách dễ dàng, hiệu quả.
Cần 4 giải pháp bổ trợ cho người dân

Đến nay người dân đã có thể làm được nhiều thủ tục online trên trang Dịch vụ công quốc gia - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trần Viết Quân, chủ tịch Công ty chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng để việc triển khai liên thông và hợp nhất hiệu quả, cơ quan chức năng có thể tiến hành 4 giải pháp bổ trợ.
1. Xây dựng chương trình truyền thông gần gũi và dễ hiểu. Thay vì chỉ thông báo, chúng ta nên cung cấp video hướng dẫn chi tiết, infographic trực quan và tổ chức các buổi tập huấn tại phường, xã giúp người dân từng bước làm quen với hệ thống mới.
2. Thiết lập hệ thống hỗ trợ đa kênh. Ngoài đường dây nóng cần triển khai chatbot thông minh, đội ngũ hỗ trợ tại chỗ ở các điểm tiếp nhận và đặc biệt là các "điểm trợ giúp kỹ thuật số" dành riêng cho người cao tuổi hoặc những người chưa quen công nghệ.
3. Áp dụng chiến lược "chuyển đổi từng bước". Trong giai đoạn đầu, việc duy trì song song hệ thống cũ và mới giúp người dân có thời gian thích nghi, tự do lựa chọn phương thức phù hợp với khả năng của mình.
4. Thiết kế giao diện thân thiện với người dùng, bao gồm hướng dẫn từng bước, bố cục đơn giản, hỗ trợ đa ngôn ngữ và các tính năng như phóng to/thu nhỏ, đảm bảo phù hợp cho cả người khuyết tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận