18/04/2025 16:18 GMT+7

Bộ Công Thương: 45 ngày quan trọng để đàm phán thuế với Mỹ

Thông tin về các tác động tới nền kinh tế Việt Nam với mức thuế mới từ Mỹ, đại diện Bộ Công Thương cho biết khoảng 45 ngày, từ nay tới ngày 9-7 (thời điểm hết 90 ngày hoãn áp dụng mức thuế mới từ Mỹ) là vô cùng quan trọng.

Việt Nam - Ảnh 1.

Hàng hóa tại cảng Chu Lai (Quảng Nam), nơi đưa nhiều sản phẩm qua Mỹ - Ảnh: B.D.

"Rất nhiều quốc gia, trong đó có những đồng minh rất thân thiết của Mỹ như Hàn Quốc vẫn bị áp thuế mới", ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương - nói tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 18-4.

Cán cân thương mại bất cân bằng là một phần của chính sách thuế

Theo ông Hải, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 29,5% tổng xuất khẩu hàng hóa). Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ.

Ông Hải cho rằng việc cán cân thương mại với Việt Nam bất cân bằng lớn là vấn đề mà Mỹ đã quan ngại từ nhiều năm qua.

Đặc biệt từ năm 2019, Mỹ yêu cầu hai bên cùng xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững.

Tuy nhiên từ đó tới nay, thâm hụt thương mại hai nước vẫn gia tăng.

Số liệu cho thấy năm 2024 kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỉ USD - tăng lũy kế 11,6% so với năm 2020. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Dù vậy Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 15,1 tỉ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã gấp hơn hai lần so với năm 2019 (chỉ sau Trung Quốc và Mexico).

Việt Nam có 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD như máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử; điện thoại, hàng gia dụng điện tử như tủ lạnh, nồi cơm điện, hàng dệt may, gỗ, giày dép...

Nhóm hàng nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất?

Ông Trần Thanh Hải cho rằng việc bị áp thuế 46% sẽ làm nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian tới gặp nhiều khó khăn lớn.

Cụ thể:

Với nhóm hàng dệt may: Mỹ là thị trường chiếm 43,6% tỉ trọng xuất khẩu. Mức thuế cao sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam là dệt vải và nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ các FTA.

Nhóm hàng giày dép: Xuất khẩu qua Mỹ chiếm 36,2% tỉ trọng. Hiện giày dép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chịu thuế 10%. Mức thuế đối ứng cao sẽ khiến xuất khẩu chững lại, hàng hóa Việt Nam ở Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ (xuất khẩu sang Mỹ 9,1 tỉ USD, chiếm 55,6%): Mức thuế 46% sẽ khiến đồ nội thất Việt Nam mất lợi thế giá cả, đe dọa ngành xuất khẩu mũi nhọn. Thuế cao cũng gây đảo lộn nguồn cung cho các nhà bán lẻ nội thất Mỹ vốn lệ thuộc vào Việt Nam.

Nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao (xuất khẩu sang Mỹ 1,8 tỉ USD, chiếm 47%): Nhiều hãng đồ chơi lớn của Mỹ như Hasbro, Mattel… thời gian qua đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. 

Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Hải - đại diện Bộ Công Thương - phát biểu tại Đà Nẵng sáng 18-4 - Ảnh: B.D.

Thuế đối ứng cao đồng nghĩa giá đồ chơi sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên, buộc các công ty này hoặc phải tăng giá bán lẻ, hoặc tìm nguồn cung ứng khác.

Nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ (xuất khẩu sang Mỹ 22 tỉ USD, chiếm 42%) và máy vi tính, điện tử, linh kiện (xuất khẩu sang Mỹ 23,2 tỉ USD, chiếm 32%): Việt Nam hiện là cứ điểm sản xuất quan trọng cho nhiều hãng công nghệ lớn (Samsung sản xuất điện thoại, Intel sản xuất chip và gần đây các nhà cung ứng của Apple như Foxconn, Pegatron, Luxshare đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam).

Động lực chính của làn sóng FDI công nghệ vào Việt Nam là tránh thuế Mỹ đánh vào Trung Quốc.

Nhóm hàng thủy sản (xuất khẩu sang Mỹ 1,8 tỉ USD, chiếm 18%): Mức thuế mới sẽ làm giảm sức cạnh tranh của cá tra, tôm Việt Nam tại Mỹ. Từ đó thị phần sẽ rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador... vốn không bị áp thuế bổ sung.

Bộ Công Thương: 45 ngày quan trọng để đàm phán thuế với Mỹ - Ảnh 3.

Một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở miền Tây - Ảnh: HOÀNG GIÁM

Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số một của tôm, cá ngừ và là thị trường số hai của cá tra Việt Nam. Việc áp thuế sẽ có tác động lớn đến ngành công nghiệp chế biến cá tra và tôm của Việt Nam. 

Bên cạnh đó cũng tác động trực tiếp đến thủy sản khai thác tự nhiên, các sản phẩm thủy sản cấp đông và chế biến từ cá khai thác tự nhiên đứng trước nguy cơ mất thị phần do giá tăng.

Nhóm hàng chè, hạt điều và hạt tiêu cũng chiếm tỉ trọng xuất khẩu qua Mỹ rất lớn. Việc thuế cao sẽ tác động trực tiếp tới sinh kế nông dân Việt Nam. Đối tác sẽ có xu hướng tìm bạn hàng từ các quốc gia khác.

Nhiều nước đang "xếp hàng" chờ đàm phán với Mỹ

Với sức ép thuế quan mới từ Mỹ, ông Trần Thanh Hải cho biết Việt Nam có thể sẽ phải tiếp tục giảm mức thuế suất, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng để có thể đàm phán, đề nghị Hoa Kỳ giảm thuế quan tương ứng.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính phủ cũng thành lập đoàn đàm phán do bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn, các thành viên đều là thứ trưởng các bộ, ngành.

"Không riêng Việt Nam mà rất nhiều nước, trong đó có các đồng minh thân thiết của Mỹ cũng bị áp thuế đợt này. Các nước đang tổ chức đoàn đàm phán để tháo gỡ" - ông Trần Thanh Hải thông tin thêm.

Bộ Công thương: Nhiều nước 'xếp hàng' đàm phán thuế với Mỹ, 45 ngày tới của Việt Nam rất quan trọng - Ảnh 4.Doanh nghiệp Việt lên phương án trước các kịch bản thuế quan đối ứng từ Mỹ

Những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc thương thảo về thuế quan với Mỹ, mang lại nhiều kỳ vọng cho giới doanh nghiệp. Giới kinh doanh và các chuyên gia cũng đang tính các phương án để hàng Việt có thể cạnh tranh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0