06/04/2025 11:47 GMT+7

Doanh nghiệp Việt lên phương án trước các kịch bản thuế quan đối ứng từ Mỹ

Những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc thương thảo về thuế quan với Mỹ, mang lại nhiều kỳ vọng cho giới doanh nghiệp. Giới kinh doanh và các chuyên gia cũng đang tính các phương án để hàng Việt có thể cạnh tranh.

thuế - Ảnh 1.

Doanh nghiệp kỳ vọng mức thuế đối ứng từ Mỹ sẽ giảm sau những thiện chí từ Việt Nam trong đàm phán - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.

Động thái nêu trên từ lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam mang lại niềm tin tới giới doanh nghiệp về khả năng sáng hơn.

Những kịch bản về thuế cần tính đến

"Diễn biến những ngày tới chưa biết thế nào, nhưng khó tệ hơn những gì chúng ta đã nghe", bà Võ Thị Liên Hương - tổng giám đốc Secoin - một công ty có hàng xuất khẩu vào Mỹ - nói trong một cuộc họp khẩn do Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO) vừa tổ chức.

"Bối cảnh mới cần sự tăng cường hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp và đối tác", bà Hương xác định thuế quan Mỹ là rủi ro đến từ bên ngoài, sự chia sẻ lúc này rất cần thiết.

Theo CEO Secoin, thuế nhập khẩu sẽ đánh trên giá hàng hóa doanh nghiệp bán sang Mỹ. Khả năng tăng giá sẽ đặt ra, nên cả nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ cùng phải tính toán, san sẻ.

Ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Fiingroup - nói thêm, tất cả đang kỳ vọng kịch bản tốt về thuế quan đối ứng của Mỹ sau động thái thiện chí từ Việt Nam.

Với khả năng mức thuế 46% vẫn được giữ, GDP Việt Nam sẽ giảm hơn 1%, chủ tịch công ty chuyên dữ liệu tài chính lớn ở Việt Nam - ước tính.

Tuy nhiên ví ông Trump là một "trùm thỏa thuận", ông Thuân nói khả năng đàm phán sẽ nhận được kết quả tích cực hơn. 

Cho rằng có thể sẽ không có mức thuế bình thường như trước đây, nhưng nếu mức thuế lùi về 15-20%, ông Thuân dự báo với mức thuế này, Việt Nam lại trở thành nước cạnh tranh hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Linh - trưởng phòng nghiên cứu Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) - đưa ra hai kịch bản cần lưu ý với doanh nghiệp.

Với kịch bản mức thuế quan lùi 1 tháng theo đề nghị của Việt Nam để chờ thương thảo, các đơn hàng đang sản xuất sẽ được yêu cầu làm thật nhanh để giao kịp trước khi mốc thuế mới có hiệu lực. "Lúc này chúng ta cần lo tới phương án logistics, giá vận chuyển có thể tăng cao khi đơn hàng dồn dập", ông Linh lưu ý.

Còn với khả năng lùi lại 3 tháng, đơn hàng mới có thể sẽ tăng đột biến để tranh thủ lúc thuế thấp, liệu lúc này năng lực của chúng ta có đáp ứng được không, ông Linh đặt vấn đề.

Lấy gì để đàm phán về thuế?

Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 134,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 119,6 tỉ USD, tăng 23,3% (chiếm khoảng 30% GDP Việt Nam) và nhập khẩu đạt 15 tỉ USD, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Ông Thuân - chủ tịch Fiingroup cho biết xuất khẩu sang Mỹ lớn nhưng Việt Nam chiếm chưa đến 30%, còn 70% là của chính doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp FDI khác ở Việt Nam.

Do vậy việc áp thuế cao, ông Thuân cho rằng, không chỉ tác động tới doanh nghiệp Việt mà còn với Mỹ và đồng minh của nước này. "Đây có thể là cái để Việt Nam đàm phán dựa trên cơ sở dữ liệu", ông Thuân nói.

Là một chuyên gia về dữ liệu, ông Thuân cũng tính toán mức thuế 46% khiến nhiều người hiểu nhầm giá cả cũng sẽ tăng tương đương. Thực tế với mức thuế này, giá cả hàng hóa có thể tăng 7-10%.

"Lúc này doanh nghiệp Việt rất cần sự chia sẻ của đối tác Mỹ. Nhưng điều tôi lo ngại biên lợi nhuận nhiều ngành xuất khẩu Việt Nam rất thấp", ông Thuân trăn trở.

Trước bối cảnh này, chủ tịch Fiingroup nhấn mạnh, đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng, đồng thời nâng cao chất lượng FDI.

Trong khi đó, bà Hương - tổng giám đốc Secoin tiết lộ họ đã ngay lập tức thay đổi kế hoạch bằng cách kích hoạt phương án dự phòng để đàm phán với các đối tác cũ tại EU, Nhật Bản, Trung Đông…

"Ngoài đàm phán với các đối tác cũ, chúng tôi còn tìm kiếm thêm khách hàng mới tại những thị trường này. Các đối tác trong chuỗi cung ứng tại đây sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này", bà Hương nói.

Sở dĩ Secoin ngay lập tức bật chế độ phản ứng nhanh như vậy, vì theo bà Hương: Nhà nước dù có đàm phán thế nào, chúng tôi vẫn xác định doanh thu và lợi nhuận xuất khẩu đi Mỹ sẽ giảm.

Ông Nguyễn Hoài Linh cũng lo việc đa dạng hóa thị trường không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, châu Âu đều có tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng ngay được.

"Việc xây dựng một cổng thông tin chính thức từ phía Chính phủ để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định của thị trường châu Âu, Nhật Bản là vô cùng cần thiết", ông Linh đề xuất.

Kịch bản về thuế quan đối ứng từ Mỹ mà doanh nghiệp Việt cần tính đến - Ảnh 3.Mỹ áp thuế Việt Nam 46%, đề xuất 3 cách cứu vãn tình thế cần làm ngay

Chuyên gia Vũ Minh Khương cho biết với các nền kinh tế chịu mức thuế cao từ Mỹ như Việt Nam, việc thực thi sẽ bắt đầu từ ngày 9-4. Việt Nam có gần 1 tuần để đàm phán, trong đó cân nhắc tính toán lại thuế xuất khẩu vào Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên