600 loại sữa giả, 10 tấn thuốc giả bị triệt phá; Sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện có sáp nhập?

Triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả lớn; Sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện, trạm y tế, trường học có sáp nhập?… là những vấn đề nổi bật thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc quan tâm tuần qua.

sáp nhập - Ảnh 1.

Sản phẩm do công ty sản xuất sữa giả đang bị điều tra cung ứng cho một bệnh viện - Ảnh: NVCC

Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Làm sữa giả là tội ác không thể tha thứ, gián tiếp giết người

Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam tám bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 8-2021 đến nay, các nghi phạm đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.

Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, trong đó có các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Trong khoảng 4 năm, các nghi phạm đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, doanh thu gần 500 tỉ đồng.

Ngay sau khi đường dây sản xuất sữa bột giả bị lực lượng công an phanh phui, nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ Online bày tỏ sự hoang mang, lo lắng, thậm chí phẫn nộ trước hành vi của các nghi phạm liên quan.

Không ít người yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, triệt để nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.

Không ít ý kiến đặt vấn đề: trong chuyện này, trách nhiệm thuộc về ai? Ai tiếp tay cho gần 600 loại sữa giả tung hoành trong thời gian dài vừa qua?

Câu chuyện bức xúc về sữa giả chưa kịp lắng, tối 16-4, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 nghi phạm về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".

Theo kết quả điều tra ban đầu, đường dây tồn tại suốt 4 năm, qua việc lợi dụng thói quen của người dân tự mua thuốc chữa bệnh (không có kê đơn của bác sĩ), sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc thuốc chữa bệnh.

Đồng thời, đường dây này nhắm vào nhóm người cao tuổi có nhu cầu mua, sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người già.

Các bị can cũng lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc.

Liên quan đến đường dây này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

Công an đã thu giữ gần 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu để sản xuất thuốc giả.

Theo nhiều bạn đọc, hành vi của các bị can sản xuất, buôn bán thuốc giả vừa vi phạm pháp luật, vừa táng tận lương tâm.

"Sản xuất thuốc giả và sữa giả là tội ác không thể tha thứ, phải áp dụng khung hình phạt cao nhất có thể để răn đe", bạn đọc Mr Hiển đề nghị.

Sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện có sáp nhập?

Gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc thắc mắc khi sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện các tỉnh có sáp nhập, có ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh không?

Hiện cả nước có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (khoảng 2.897 cơ sở khám chữa bệnh và gần 10.000 trạm y tế xã).

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẽ cơ bản giữ nguyên cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với các tỉnh, thành phố không thực hiện việc sáp nhập, sắp xếp, Bộ Y tế hướng dẫn cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố hiện có.

Riêng trung tâm y tế cấp huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có cần tổ chức lại thành trung tâm y tế khu vực.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có, giám đốc sở y tế xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp khác.

Nhiều bạn đọc cũng nêu thắc mắc người dân có phải làm lại sổ đỏ, căn cước khi sáp nhập tỉnh, xã?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Đáng chú ý, công văn trên hướng dẫn về giấy chứng nhận (sổ đỏ) đã cấp qua các thời kỳ.

Theo đó, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.

Về việc cấp, đổi lại căn cước công dân, Bộ Công an cho biết căn cứ Luật Căn cước 2023 và các văn bản hiện hành, khi thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính thì chưa quy định bắt buộc người dân phải đi cấp đổi, cấp lại căn cước công dân.

Tuy nhiên để thuận lợi cho các giao dịch cá nhân, đi lại… của người dân, khuyến khích người dân nên cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân khi có thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính để thống nhất thông tin.

Khi có sự thay đổi về đơn vị hành chính, công dân sẽ được miễn lệ phí cấp đổi thẻ căn cước.

* Tuần qua một số thông tin khác do bạn đọc cung cấp cũng được Tuổi Trẻ nhanh chóng thực hiện thành tin, bài như: Bằng lái đang bị tạm giữ nhưng sắp hết hạn, đổi được không?; Công ty du lịch chậm hoàn tiền tour Hong Kong, khách hàng lên tiếng; Lén lút biến dạ cầu đường sắt Bình Lợi mới thành bãi rác bẩn thỉu; Rác đổ thành đống ở vỉa hè con đường vừa mở, gần nhà ga T3 Tân Sơn Nhất...

Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online, UBND phường 13 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã triển khai dọn rác tại khu vực dưới cầu đường sắt Bình Lợi mới, số lượng rác thu gom ước tính khoảng 10 tấn.

Và các đơn vị chức năng cũng phối hợp dọn những đống rác trên vỉa hè và ven đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình, TP.HCM), đoạn gần cổng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ.

Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 0918.033., email [email protected], [email protected], fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.

Sữa bột giả, thuốc giả ra thị trường với số lượng lớn; Sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện có sáp nhập? - Ảnh 2.Tranh luận dạy 2 buổi không thu phí có công bằng với giáo viên?; Đèn cho rẽ phải có cũng như không

Dạy 2 buổi/ngày không thu phí; Bị cấm xuất cảnh vì bỗng dưng làm giám đốc công ty 'ma'; Đèn cho rẽ phải có cũng như không... là những thông tin được nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ quan tâm, phản hồi tuần qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0