
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM Hà Phước Thắng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG
Ngày 23-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Xây dựng khung thể chế tương thích với cấp độ phân cấp, phân quyền
Các luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 5-5-2025).
PGS.TS Huỳnh Văn Thới - nguyên quyền giám đốc Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM - góp ý về chương phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.
Theo ông Thới, dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa chủ trương chỉ đạo rất sáng suốt của Đảng quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước đồng thời với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Vấn đề còn lại là thể chế hóa, kỹ thuật lập pháp.
Ông Thới cho rằng hiện nay nhận thức, quan niệm về phân quyền, phân cấp quản lý nhà nước còn chưa thống nhất từ lý luận đến luật thực định và thực tiễn thực hiện.
Trong luật thực định hiện hành chưa có định nghĩa mang tính quy phạm, giải thích rõ thuật ngữ phân quyền, phân cấp quản lý nhà nước, mà chỉ quy định một số nội dung cụ thể về phân quyền, phân cấp còn ở mức chung và khá phân tán.
Do vậy ông Thới đề xuất cần thống nhất về thuật ngữ, có định nghĩa mang tính quy phạm trong luật để tạo sự thống nhất trong nhận thức, trong luật thực định và vận dụng thực tiễn, xác định cấp độ, phạm vi phân quyền, phân cấp.
Từ đó xây dựng khung thể chế tương thích với cấp độ phân quyền, phân cấp trong giai đoạn hiện nay và xác định lộ trình thực hiện.

PGS.TS Huỳnh Văn Thới phát biểu - Ảnh: TIẾN LONG
Nói rõ hơn, ông Thới cho hay về bản chất, phân quyền là việc nhân dân thông qua cơ quan dân cử thực hiện quyền lập pháp (Quốc hội), phân định và trao quyền cho địa phương những việc về tính chất là của địa phương.
Đây không phải chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mà là xác định thẩm quyền đúng với vị trí cần có để bảo đảm thống nhất giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng địa phương, trả về cho địa phương cái cần có là vấn đề của địa phương.
"Trong phạm vi giới hạn của luật, theo thẩm quyền, chính quyền địa phương có quyền quyết định tự do, tự chủ các công việc của địa phương. Chính ở đây mới thể hiện đầy đủ nhất phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, chứ phân cấp không hoàn toàn như thế", ông Thới nhấn mạnh
Từ phân tích trên, ông Thới đề nghị mở rộng thêm cách tiếp cận về phân quyền, không chỉ trong nội bộ Nhà nước mà còn phân quyền giữa Nhà nước và xã hội, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Tiến hành phân quyền theo công thức Nhà nước làm gì, xã hội làm gì, cấp trên làm gì, cấp dưới làm gì và có cơ chế bảo đảm, bảo vệ trước sự can thiệp tùy tiện, không đúng, hoặc cả ngược lại, thói quen đùn đẩy lên trên.
Thiết kế lại các quy định dành cho đặc khu
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho hay Luật Tổ chức chính quyền địa phương là luật khung về vấn đề tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính. Vì vậy cần có những quy định về khái niệm liên quan đến đặc khu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phân cấp, phân quyền.
Theo ông Quân, quy định đặc khu trong dự thảo hiện nay vẫn được thiết kế cho một đơn vị cấp xã, không có gì đặc biệt. Cụ thể các chính sách đặc thù phải do UBND cấp tỉnh trình Chính phủ xem xét theo thẩm quyền hoặc đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức.
Như vậy về cơ bản, tổ chức cơ quan địa phương ở xã, phường giống đặc khu (có HĐND và UBND). Các chính sách đặc thù dành cho đặc khu vẫn theo cơ chế xin cho, không có khác biệt so với các chính sách đặc thù dành cho các tỉnh, thành như hiện nay.
Vì vậy, ông Quân đề xuất ban soạn thảo thiết kế lại các quy định dành cho đặc khu để đảm bảo tính linh hoạt trong hoạt động quản lý cũng như phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể chỉ quy định đặc khu là một đơn vị hành chính, còn cơ cấu, tổ chức, thẩm quyền của bộ máy và các chính sách đặc thù có thể được ban hành riêng theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phù hợp với từng đơn vị.
Góp ý Luật Thanh tra (sửa đổi), ông Trần Đình Trữ - phó chánh Thanh tra TP.HCM - cho hay trong dự thảo lần này giải thích khái niệm thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Ông Trữ đề xuất thêm vai trò "xử lý" vào phần giải thích từ ngữ để phù hợp với mục đích hoạt động của thanh tra. Theo đó, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó xử lý vi phạm phát hiện qua thanh tra là nội dung quan trọng củc hoạt động thanh tra được pháp luật ghi nhận, khẳng định qua các thời kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận