01/04/2025 16:25 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Bỏ cấp huyện cần phân định rõ thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã?

Khi địa phương thiết lập cấp tỉnh, cấp xã mới thì các cấp phải biết thẩm quyền của cấp huyện sẽ do ai làm, tỉnh làm gì, xã làm gì và Trung ương phân cấp gì cho cấp tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Bỏ cấp huyện cần phân định rõ thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu - Ảnh: ĐỨC TUÂN

Ngày 1-4, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật đã họp phiên thứ 5, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Thành Long, phó trưởng ban thường trực.

Phân định rõ thẩm quyền chính quyền hai cấp

Tại cuộc họp, các bộ, ngành báo cáo tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. 

Triển khai nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, liên quan đến xử lý các vướng mắc về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

"Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, quan trọng nhất là phân định được thẩm quyền, thẩm quyền của cấp huyện sau khi bỏ đi thì cái gì lên trên tỉnh, cái gì xuống cấp xã", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói. 

Do đó cần phân cấp cụ thể những nội dung từ Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, các bộ chuyên ngành cho cấp tỉnh. 

Đặc biệt khi địa phương thiết lập cấp tỉnh, cấp xã mới thì các cấp phải biết thẩm quyền của cấp huyện sẽ do ai làm, tỉnh làm gì, xã làm gì và Trung ương phân cấp gì cho cấp tỉnh. 

Theo đó, ông Ninh đề xuất mỗi bộ cần xây dựng nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực mình quản lý. Ví dụ như Bộ Tài chính, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước như thế nào cho cấp tỉnh, cấp xã.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết sau khi rà soát văn bản theo định hướng sửa đổi Hiến pháp, Bộ Tài chính cần phải sửa đổi 195 văn bản quy phạm pháp luật. "Khối lượng rất lớn. Hiện các đơn vị của Bộ Tài chính làm việc ngày đêm, cả thứ bảy, chủ nhật", ông Cận nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng, thời gian rất gấp, trong khi thực hiện chính quyền hai cấp. Đặc biệt, cần lưu ý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình trọng điểm để làm sao việc chuyển tiếp nhịp nhàng, không bị gián đoạn.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cũng chia sẻ đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Dự thảo đã được trình Chính phủ vào ngày 28-3 để trình Quốc hội vào kKỳ họp thứ 9, gồm việc sửa quy định tại một số luật chuyên ngành về chức năng của thanh tra bộ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Bỏ cấp huyện cần phân định rõ thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã? - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Lê Thành Long - Ảnh: VGP

Sắp xếp bộ máy, không còn thời gian trì hoãn!

Kết luận, Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh khối lượng công việc rất lớn, nên cần có thời hạn cụ thể vì "không còn thời gian để lùi". Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.

Ông lưu ý về nguyên tắc, quan điểm, cách thức xử lý các văn bản quy phạm pháp luật về sắp xếp, tổ chức bộ máy. Bộ Tư pháp nghiên cứu các đề xuất mới cũng như một số cơ chế đặc thù như xử lý các vấn đề về quy hoạch.

Đối với những văn bản mới được trình sau ngày 1-4 thì thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 với quy trình đơn giản hơn, nhưng trách nhiệm các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ nặng hơn, phải theo đến cùng.

Đối với các văn bản sẽ trình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5) liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, triển khai nghị quyết 57, xử lý vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, các bộ, ngành cần trình Chính phủ trước ngày 6-4.

Trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung cao độ để hoàn thiện các dự án luật, nhằm thể chế hóa nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, bảo đảm đầy đủ, toàn diện, bao quát cả các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Báo cáo chung, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho hay đã rà soát 19.224 văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã. Một số nội dung khác cần nghiên cứu, xác định phương án xử lý.

Để thực hiện hiệu quả hoạt động rà soát, Bộ Tư pháp lập tổ công tác về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật để đưa vào vận hành thử nghiệm.

Bộ trưởng Tư pháp: Bỏ cấp huyện cần phân định rõ thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã làm gì? - Ảnh 4.Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TP.HCM: Nắm chắc ý kiến dư luận về sắp xếp tổ chức bộ máy

Cơ quan tuyên giáo và dân vận các cấp cần theo sát dư luận xã hội về sắp xếp tổ chức bộ máy để báo cáo cấp trên kịp thời có chỉ đạo định hướng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên