Ông Trump đánh thuế đối ứng các nước dựa trên công thức nào?

Các chuyên gia tài chính cùng 'đoán già đoán non' nguồn gốc các con số xuất hiện trong bảng tính thuế đối ứng của ông Trump, với nhận định phổ biến rằng chúng dựa trên thâm hụt thương mại.

thuế đối ứng - Ảnh 1.

Ông Trump và chiếc bảng tính thuế đối ứng ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS

Theo New York Times ngày 2-4 (giờ Mỹ), dù đưa ra nguyên một bảng tính thuế đối ứng sẽ áp dụng với các quốc gia mà ông cho là "thương mại không công bằng", nhưng Tổng thống Donald Trump không giải thích các con số trong bảng được tính toán dựa trên cơ sở nào.

Bảng này gồm ba cột: tên quốc gia, "mức thuế quốc gia đó đánh vào Mỹ, bao gồm thao túng tiền tệ và các rào cản thương mại", và "mức thuế đối ứng Mỹ sẽ áp".

Dễ thấy mức thuế đối ứng mà Mỹ đưa ra tương đương 50% mức được cho là "thuế quốc gia đó đánh vào Mỹ". Tuy nhiên cách xác định phần thuế này lại không rõ ràng.

Sau nhiều suy đoán, New York Times nhận thấy các con số "rào cản thương mại" trong bảng có một điểm chung. Chúng đều là kết quả từ việc lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với một nước chia cho kim ngạch xuất khẩu của nước đó vào Mỹ.

Điều này cho thấy Nhà Trắng đã chọn cách xác định thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, thay vì mức thuế quan mà các nước áp lên hàng hóa Mỹ như nhiều suy đoán ban đầu.

Người đầu tiên phát hiện quy tắc tính toán này là cây bút tài chính James Surowiecki. Ông đã công bố nhận định của mình trên mạng xã hội X và làm dấy lên nhiều tranh luận xung quanh loạt thuế mới.

Ông Surowiecki lấy ví dụ thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Indonesia là 17,9 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia vào Mỹ là 28 tỉ USD. Thương của 17,9 và 28 là 17.9/28 là 0,639 - tức 64%. Đây chính là giá trị gấp đôi của mức thuế đối ứng Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu Indonesia.

Tương tự, blogger chuyên về tài chính Geiger Capital lấy ví dụ khi chia thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam (123,5 tỉ USD) với kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ (136,6 tỉ USD) được đáp án xấp xỉ 90%. Đây cũng là giá trị gần gấp đôi mức thuế đối ứng Việt Nam phải chịu.

Trong một bài đăng khác, ông Surowiecki bày tỏ ngạc nhiên khi Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Kush Desai khẳng định phỏng đoán của ông không chính xác. Ông Desai đăng bức ảnh công thức tính thuế của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ để "đính chính".

thuế đối ứng - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình công thức tính thuế đối ứng được Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ công bố

Tuy nhiên, ông Surowiecki khẳng định: "Khi bạn bỏ qua những ký hiệu Hy Lạp thì công thức đó là gì? Thâm hụt thương mại chia cho kim ngạch nhập khẩu, chính xác những gì tôi đã nói.

Tôi không chắc liệu ông phó thư ký báo chí được cung cấp thông tin sai hay đang cố tình dẫn dắt sai. Dù cách nào đi nữa thì chính quyền ông Trump không 'chỉ tính toán thuế quan và các rào cản phi thuế quan' để quyết định mức thuế đối ứng áp lên các nước".

Ngoài ra, ông cũng phỏng đoán thêm các quốc gia chỉ bị áp thuế 10% mà không bị thuế đối ứng là những nước mà Mỹ xuất siêu hoặc có tỉ lệ thâm hụt thương mại/kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ dưới 10%.

Trong cuộc trao đổi với báo chí, các quan chức Nhà Trắng cho biết mức thuế đối ứng mới do Hội đồng Cố vấn kinh tế Mỹ tính toán dựa trên các phương pháp đã được công nhận rộng rãi.

Xác nhận giả thuyết do ông Surowiecki đưa ra, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cũng công khai phương pháp tính thuế trên trang web chính thức của mình. 

Công thức được công bố khá phức tạp và đòi hỏi hiểu biết về kinh tế vĩ mô, nhưng về cơ bản cũng xoay quanh tỉ lệ giữa thâm hụt thương mại và kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ của quốc gia bị đánh thuế.

Bà Emily Kilcrease, cựu phó trợ lý Đại diện thương mại Mỹ, nhận xét: "Việc đưa ra một mức thuế đối ứng thực sự chính xác luôn là một bài toán rất khó. Xét theo mong muốn rõ ràng của chính quyền ông Trump là công bố điều gì đó thật nhanh, có vẻ như họ đã chọn một cách ước lượng phù hợp với mục tiêu chính sách của mình".

Ông Trump đánh thuế đối ứng các nước dựa trên công thức nào? - Ảnh 3.Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đi Mỹ trong bối cảnh căng thẳng đánh thuế đối ứng

Chuyến đi Mỹ của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc được kỳ vọng sẽ đàm phán lại việc đánh thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Mỹ đưa ra đối với Việt Nam lên mức 46%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên