Ông Mattis công du châu Á: Đến rồi lại đi

DANH ĐỨC 19/10/2018 21:10 GMT+7

TTCT - Hai chuyến thăm Việt Nam trong vòng 9 tháng là nhiều, ở một góc nhìn nào đó. Song, chưa hẳn lượng đã chuyển thành chất. Đã thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đang “vận động ngược” với Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ của ông, James Mattis, bằng một số phát biểu “độc” trên truyền hình.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại khách sạn Tân Sơn Nhất. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại khách sạn Tân Sơn Nhất. Ảnh: Reuters

 

Sứ giả, tự cổ chí kim, đều đến nơi đến với một thư ủy nhiệm (credentials) mà theo từ nguyên tiếng Latin (credo) hàm chứa một bảo lãnh “đáng tin”. Một ngày trước khi ông Mattis đến Việt Nam, trên đường đến Singapore dự ADMM+ (Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng), Tổng thống Trump đã chuyển cho cả thế giới một lá thư “bất ủy nhiệm” qua những mẩu tin đồng loặt đăng trên báo chí khắp thế giới:

“Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm chủ nhật (14-10) rằng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có thể ra đi, cho rằng ông này là người theo phe Dân chủ...”.

Còn ngồi được bao lâu?

Quả thật rúng động khi đọc những dòng tin đó. Đúng là các báo đã tóm tắt chính xác những gì ông Trump phát biểu trong chương trình “60 phút” của truyền hình CBS. Fox News giật tít: “Bộ trưởng Mattis có lẽ sẽ rời nội các”. CBS News “độc mồm” hơn: “Trump úp mở Mattis có thể thôi chức”. CNN thì hàm ý quan hệ nhân/quả: “Trump: Mattis cứ như thể là người của phe Dân chủ, không biết chừng nào ông ấy sẽ thôi chức đây”.

Báo chí “đẩy đưa” câu chuyện kiểu đó là chuyện “tác nghiệp” xưa nay, song cội nguồn của tin “sét đánh” gồm hai tác nhân: người phỏng vấn (nhà báo nữ Lesley Stahl) và người trả lời phỏng vấn (ông Trump). Người phỏng vấn Leslie Stahl làm chương trình “60 phút” này từ năm... 1991.

Còn ông Trump, tuy có thể còn “mới” trong “trò chơi” chính trị, song lại được thừa nhận là rất già đời trong nghề truyền hình. Ông có một “ngón diễn” riêng là cúi đầu một chút và ngó lơ chỗ khác khi cần nói một điều khó nói. Trong cuộc phỏng vấn mà người hỏi “gài” ông với câu hỏi “đúng vậy không?”, ông Trump rất hay “ngó lơ”. Càng ngó lơ trong những câu hỏi về ông Mattis, không một lần nói “không”, song không khẳng định ngay là “có”.

Stahl: “Thế còn tướng Mattis? Ông ấy sắp ra đi?”. Trump: “Hừm, tôi không biết. Ông ấy chưa nói gì với tôi... tôi có...”. Stahl: “Ông có muốn ông ấy...”. Trump: “Mối quan hệ với ông ấy là rất tốt. Có thể là ông ấy đang định ra đi. Tướng Mattis được lắm. Bọn tôi hợp nhau. Ông ấy có thể ra đi. Tôi muốn nói xét từ một góc nhìn, ai cũng có thể thôi chức. Tất cả mọi người. Washington là vậy mà”.

Chương trình “60 phút” như chương trình tuần rồi, ghi hình từ thứ năm (11-10) đến chủ nhật mới phát. Tất nhiên, kịch bản cùng câu hỏi luôn được gửi trước cho người được phỏng vấn. Nên khó có thể nghĩ rằng ông Trump đã “vô tình” để cho “bị gài”.

Vô tình với ông Mattis thì đúng hơn. Động từ “có thể” trong mệnh đề “ông ấy có thể ra đi” (He may leave) là “có thể” trong ý nghĩa “được phép” trong quan hệ xin/cho phép, mà ông Mattis là người xin nghỉ, còn ông chủ Nhà Trắng là người cho phép.

Từ những tường thuật và bình luận đó, “hoang mang” cũng dễ thôi. Càng dễ tin hơn khi mới đầu tuần trước, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikky Haley, cũng đã đột ngột xin thôi việc. Tất nhiên, các nhà báo cùng trên đường tới Việt Nam với ông Mattis không bỏ lỡ cơ hội khai thác bài phỏng vấn Stahl với ông Trump trên CBS.

Câu hỏi mở màn cho phần hỏi/đáp giữa ông Mattis và các nhà báo là: “Tôi có thể bắt đầu với câu chuyện, như ông (Bộ trưởng Mattis) đã biết, cách đây chừng 12 tiếng, ông được nhắc tới trong cuộc phỏng vấn chương trình “60 phút” với tổng thống, khi nói về ông, ông ấy nói rằng ông có thể “ra đi”, theo lời ông ấy. Ông ấy còn nghĩ ông là một người theo phe Dân chủ. Tôi tự hỏi ông nghĩ gì về các bình luận cùa ông ấy?”.

Ông Mattis: “Chẳng nghĩ gì hết. Tôi ở trong êkíp của ông ấy. Chúng tôi chưa từng nói đến chuyện tôi ra đi. Như các bạn có thể thấy ngay tại đây, chúng ta đang trên đường đi (Việt Nam). Chúng tôi đang tiếp tục làm việc như bình thường”. Hỏi: “Ông có nói chuyện với ông ấy từ sau cuộc phỏng vấn không? Ông có nói chuyện với ông ấy về các bình luận của ông ấy không?”. Bộ trưởng Mattis: “Không... Thành thật mà nói, tôi không xem cuộc phỏng vấn... Chẳng có vấn đề gì cả”.

Ngày 16-10, chuyên san ngoại giao Foreign Policy, đứng đắn và nghiêm túc bậc nhất trong làng báo Mỹ, đăng một bài “như thiệt” đặt câu hỏi: “Ai sẽ thay thế Mattis?”. Lúc đó ông Mattis đã có mặt tại Việt Nam rồi.

Tránh giẫm chân nhau

Dẫu sao thì trước chuyến thăm của ông Mattis cũng đã dấy lên câu hỏi đại ý “có phải ông Mattis muốn mở rộng kiềm chế Bắc Kinh?”. Có những ý kiến khẳng định là có, như tờ Foreign Policy bình luận: “Mattis sẽ đến Việt Nam trong tuần này, chuyến thăm thứ nhì trong năm nay, một điều hiếm thấy vào lúc Mỹ đang cố gắng đối phó với sự quyết đoán quân sự của Trung Quốc”.

Có ý kiến không dừng ở chỗ khẳng định là có, mà còn bày tỏ một thái độ như trên tờ Bưu Điện Hoa Nam tiếng Anh (SCMP) phát hành ở Hong Kong: “Thông điệp của Mỹ: Đến lúc chọn phe trên Biển Đông”.

Tuy nhiên, trong khi cánh báo chí bình luận hơi nhiều, bản thân chính ông Mattis nói với truyền thông trên đường tới Việt Nam là Mỹ không định chống ai: “Chúng tôi đang hợp tác khi có thể với Trung Quốc. Các bạn thấy điều đó trong vấn đề CHDCND Triều Tiên... Và rõ ràng là chúng tôi không có nhằm kiềm chế Trung Quốc...

Chúng tôi là hai cường quốc, hai cường quốc Thái Bình Dương, hai cường quốc kinh tế. Sẽ có lúc chúng tôi giẫm lên ngón chân nhau. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải tìm cách quản lý hiệu quả mối quan hệ đó. Và quan hệ quân sự cũng là để tạo cân bằng trong quan hệ song phương”.

Ông Mattis phủ định từ ngữ “kiềm chế”, song không vì thế mà quên chuyện ông thừa nhận có tình trạng “giẫm lên ngón chân nhau” (tức là rất đau đấy!). Ông nhắc: “Chúng tôi vẫn rất quan tâm đến việc quân sự hóa tiếp diễn với các thực thể trên Biển Đông. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy trong một số trường hợp, một hành vi “ăn thịt người khác” về kinh tế với đống nợ chồng chất nơi các nước mà nếu phân tích tài chính, phải nói rằng các nước đó sẽ khó mà trả nợ...”.

Một nhà ngoại giao Việt Nam, hai ngày trước khi ông Mattis đến, có một bài viết có đoạn :”... Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên phạm vi khu vực và toàn cầu đang ngày một rõ nét và có thể đưa quan hệ quốc tế đến chỗ chia rẽ, phân cực như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước kia...

Không khó để nhận ra nhiều nước bắt đầu toan tính, tìm bước đi, lối thoát cho mình nhằm tránh rơi vào thế kẹt trong bối cảnh cuộc đối đầu, cạnh tranh địa-chiến lược Mỹ-Trung và "bóng ma" cuộc chiến tranh lạnh mới 2.0 với các vòng xoáy bất ổn, chia rẽ và phân cực đang ngày một hiện rõ”, đúng với chủ trương “ba không”: không liên minh quân sự, không có quân nước ngoài đóng, và không cùng một nước này đánh một nước khác.

Quan hệ song phương

Cũng trong cuộc tiếp xúc với báo chí tháp tùng, ông Mattis tiết lộ: “Đây sẽ là lần gặp thứ năm của tôi với người đồng cấp của tôi, ông (Ngô Xuân) Lịch của Việt Nam. Đây là mối quan hệ đối tác quốc phòng đang phát triển trên nhiều phương diện”.

Cụ thể, sáng 5-10, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Shriver - đi tiền trạm - đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) để gặp giám đốc bệnh viện và hai bên “đánh giá cao công tác đào tạo, huấn luyện cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 mà Việt Nam mới đưa sang Nam Sudan đợt 1 vừa qua; đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẽ lên đường vào năm 2020” và “thỏa thuận hợp tác nhiều vấn đề quan hệ trong lĩnh vực quân y giữa hai nước như: đào tạo ngoại ngữ, trao đổi kỹ thuật công nghệ, xúc tiến các hoạt động từ thiện...”.

Trước đó, vào tháng 8, VOA đưa tin Việt Nam có các hợp đồng mua thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá 94,7 triệu USD. Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 2-8, khi được hỏi về tin Việt Nam mua vũ khí của Mỹ trị giá gần 100 triệu USD, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ:

“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên”.

Ông Mattis đến rồi đi, cũng như các người tiền nhiệm của ông, với nhiều mong mỏi kiên trì. Có thể ông Mattis đến để hé lộ đề xuất nào đó ông sẽ đưa ra ở hội nghị ADMM+. Nhưng câu trả lời “3 không” có lẽ vẫn là không đổi: không liên minh quân sự, không có quân nước ngoài đóng và không cùng một nước này đánh một nước khác. ■

Trong một diễn biến khác, cuối tuần này tàu hộ vệ 015-Trần Hưng Đạo, sau khi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc (tham gia duyệt binh chiến hạm tại khu vực đảo Jeju), sẽ tới thăm căn cứ Trạm Giang (Trung Quốc) rồi tham dự cuộc diễn tập chung giữa hải quân ASEAN và Trung Quốc từ ngày 21 đến 28-10.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận