TTCT - Người ta đã từng lo ngại Kusunda, thứ tiếng không có từ nào mô tả có hoặc không, sẽ "chết" theo người cuối cùng còn biết ngôn ngữ này. Nhưng thật may, điều đó đã không xảy ra. Bà Gyani Maiya Sen nói về thực trạng đau lòng: Không còn ai nói tiếng Kusunda. Ảnh cắt từ phim ngắn của đạo diễn Subhashish Panigrahi về bà năm 2019.Trong bài viết năm 2012, BBC miêu tả Gyani Maiya Sen, một phụ nữ 75 tuổi ở huyện Dang, miền tây Nepal, như đang "gánh trên vai sức nặng của cả thế giới" bởi bà là người duy nhất còn sống ở Nepal lúc bấy giờ có thể nói thành thạo tiếng Kusunda. Khi một cây bút khác của BBC trở lại vùng đất này đúng 10 năm sau, tương lai của tiếng Kusunda cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn rất nhiều, dù bà Sen đã từ biệt thế giới 2 năm trước đó.Thứ tiếng có rất nhiều cái khôngNgười Kusunda sống trong những túp lều trong rừng rậm phía tây Nepal và theo tập tục du mục đến khoảng giữa thế kỷ 20. Dù hiện đã định cư trong các ngôi làng, họ vẫn tự gọi mình là Ban Rajas, hay "Những vị vua của rừng".Như bao bộ tộc khác, người Kusunda phát triển tiếng nói riêng mà Madhav Prasad Pokharel, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Tribhuwan (Nepal), gọi là ngôn ngữ biệt lập, không liên quan đến bất kỳ ngữ hệ nào trong khoảng 20 ngữ hệ trên thế giới. "Kusunda khác biệt vì nó không liên quan về mặt âm vị học, hình thái học, cú pháp và từ vựng với bất kỳ ngôn ngữ nào khác trên thế giới" - Pokharel, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về bộ tộc Kusunda, nói với BBC năm 2012.Nguồn gốc và cấu trúc câu bí ẩn của Kusunda vẫn luôn là câu đố chưa có lời giải đối với các nhà ngôn ngữ học từ bấy lâu nay. Hiện nay, các nhà nghiên cứu tin rằng Kusunda là những gì còn sót lại của một ngôn ngữ thổ dân cổ đại được sử dụng trên khắp các vùng cận Himalaya trước khi các bộ lạc Tạng - Miến và Ấn - Aryan xuất hiện.Ngôn ngữ Kusunda không có chữ viết. Chủ yếu chỉ có thế hệ lớn tuổi và trung niên nói ngôn ngữ này. Thứ tiếng này có một số đặc điểm được cho là khá kỳ quặc, chẳng hạn: không có từ nào thể hiện nghĩa "có" hoặc "không", không có từ chỉ màu xanh lá, không có từ ngữ chỉ phương hướng và không có cấu trúc ngữ pháp nhất định. Ngữ cảnh là căn cứ duy nhất để hiểu được ý nghĩa chính xác. Ví dụ: Nếu muốn nói "Tôi không muốn uống trà" bằng tiếng Kusunda, người nói phải sử dụng động từ "uống" nhưng ở dạng điều chỉnh cho thấy khả năng rất thấp sẽ xảy ra hành động này.Và vì không có cấu trúc ngữ pháp, người nghe phải hiểu ý nghĩa câu nói dựa trên từng từ ngữ mà người nói sử dụng. Ví dụ, các hành động không được chia thành quá khứ và hiện tại. Khi nói "Tôi đã nhìn thấy một con chim" so với "Tôi sẽ nhìn thấy một con chim", người nói có thể chỉ ra hành động trong quá khứ không phải bằng thì, mà bằng cách mô tả nó như một trải nghiệm liên quan trực tiếp đến người nói. Còn nếu đó là hành động trong tương lai, người nói phải mô tả chung chung và không liên quan chi tiết đến chủ thể nào.Bà Gyani Maiya Sen. Ảnh: Sanjib ChaudharyNguy cơ thành tử ngữKhi dân số Nepal tăng và việc canh tác chia cắt các khu rừng, môi trường sống nguyên thủy của người Kusunda ngày càng bị đe dọa. Vào những năm 1950, Chính phủ Nepal đã quốc hữu hóa những khu rừng rộng lớn, gây thêm trở ngại cho cuộc sống du mục của người Kusunda. Họ dần phải định cư rồi chuyển sang làm lao động và nông nghiệp. Số lượng thành viên thấp và mang nhiều đặc điểm chênh lệch buộc họ chủ yếu kết hôn với các nhóm dân tộc láng giềng. Hệ quả là hầu như tất cả người Kusunda không còn nói ngôn ngữ của họ.Đối với người Kusunda, mất đi ngôn ngữ nghĩa là mất liên kết với lịch sử và cội nguồn. Từ quan điểm ngôn ngữ học, đây cũng là một mất mát to lớn. Năm 2012, giáo sư Pokharel cảnh báo rằng nếu tiếng Kusunda thành tử ngữ, "một phần độc đáo và quan trọng trong di sản nhân loại sẽ biến mất vĩnh viễn".Cùng thời gian này, Bảo tàng Dân tộc học quốc gia Nepal tiến hành một nghiên cứu về 10 nhóm dân tộc Nepal khác nhau bao gồm cả người Kusunda. Nghiên cứu này đi đến một kết luận nghiệt ngã: Toàn bộ bộ lạc Kusunda đang trên bờ vực biến mất cùng với người cuối cùng có thể nói thông thạo ngôn ngữ của họ ở Nepal.Theo tổng điều tra dân số năm 2011 do Cục Thống kê trung ương Nepal thực hiện, bộ tộc Kusunda chỉ còn 273 người. Đến năm 2018, nghiên cứu thực địa của tiến sĩ Gokarna Prasad Gyanwali (Đại học Tribhuvan) cho thấy chỉ còn 151 người Kusunda sống rải rác ở Nepal.Ngoài bà Sen, có hai người khác sống tại một ngôi làng ở miền trung tây Nepal cũng thông thạo tiếng Kusunda - đó là Puni Thakuri và con gái bà, Kamala Khatri. Nhưng sau đó, bà Thakuri qua đời, còn Khatri rời Nepal để tìm việc làm. Vậy là ở Nepal chỉ còn duy nhất một truyền nhân của tiếng Kusunda."Tôi cũng có thể nói tiếng Nepal, nhưng tôi cảm thấy rất buồn vì không thể nói tiếng mẹ đẻ với những người trong cộng đồng của mình. Mặc dù nhiều người khác thuộc bộ tộc Kusunda vẫn còn sống, nhưng họ không hiểu cũng như không nói được tiếng Kusunda. Họ chỉ có thể nói một vài từ Kusunda, nhưng không thể giao tiếp [hoàn toàn] bằng ngôn ngữ này" - bà Sen nói với BBC.Thời điểm năm 2012, chính bà Sen cũng sợ rằng sẽ không còn ai nói tiếng Kusunda sau khi bà qua đời: "Ngôn ngữ Kusunda sẽ chết theo tôi". Bà trách chính phủ và các học giả đã thất bại trong việc giúp chuyển giao ngôn ngữ này cho thế hệ tiếp theo. Narayan Regmi, người phát ngôn của Bộ Văn hóa Nepal, thừa nhận với BBC lúc bấy giờ: "Chúng tôi không có bất kỳ chương trình cụ thể nào để bảo tồn ngôn ngữ này".Hima, một người trẻ đang cố học tiếng Kusunda.Tre già, măng mọcKhi phóng viên BBC tìm đến phỏng vấn năm 2012, bà Sen vẫn mưu sinh bằng nghề đập đá dù đã lớn tuổi. Bà nhận thấy rằng ngày càng có nhiều sinh viên ngôn ngữ muốn bà giúp đỡ học tiếng Kusunda. Các sinh viên trên cố gắng lưu trữ một cách nhiều nhất có thể để giữ cho ngôn ngữ quý hiếm này tiếp tục tồn tại.Cũng trong thời gian bà Sen bắt đầu dạy tiếng Kusunda cho con cháu và các sinh viên, nhân duyên đã đưa đẩy Gayatri Parameswaran và chồng Felix Gaedtke, đều là những người sáng tạo đa phương tiện, gặp bà nhân một chuyến du lịch Nepal. Cả ba sau đó bàn bạc về cơ hội thực hiện một bộ phim thực tế ảo nhằm nâng cao ý thức bảo tồn ngôn ngữ đặc biệt này.Năm 2021, bộ phim mang tên Kusunda cuối cùng cũng được công chiếu tại Liên hoan phim Tribeca ở New York (Mỹ) và giành Giải thưởng Storyscapes danh giá cho phim kể chuyện xuất sắc nhất. Điều đáng buồn là bà Sen không thể tận mắt chứng kiến thành quả này. Bà đã ra đi mãi mãi vào tháng 1-2020. Nhưng thành quả từ những nỗ lực bảo tồn tiếng Kusunda của bà thì chưa dừng lại.Poster bộ phim KusundaKhi BBC quay lại vùng đất yên bình của những cánh đồng hoa cải vàng và những ngọn đồi phủ đầy sương mù ở huyện Dang năm nay, cô gái 18 tuổi Hima và nhiều bạn bè đồng trang lứa đang tham gia các lớp học tiếng Kusunda do Ủy ban Ngôn ngữ quốc gia triển khai từ năm 2019. Đứng lớp không ai khác là bà Kamala Khatri, người đã quay về nước để Kusunda không trở thành tử ngữ sau sự ra đi của bà Sen.Trong thập niên qua, Chính phủ Nepal đã bắt đầu chi trả cho những trẻ em Kusunda từ các vùng sâu vùng xa như Hima đến học tại Trường trung học Mahindra ở Dang. Bất chấp khoảng cách tương đương 10 tiếng lái xe, ở đấy các em được tiếp thu kiến thức bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ.Chỉ mới thành thạo tiếng Kusunda ở mức cơ bản, Hima tự tin chia sẻ với BBC: "Tôi nghĩ rằng tôi có thể phát triển ngôn ngữ này. Nếu thường xuyên nói và thực hành tiếng Kusunda, chúng ta có thể giữ cho ngôn ngữ này tồn tại. Nó thể hiện sự quan tâm đến ngôn ngữ và lòng tự hào về bản sắc của mình". Cô gái trẻ cho biết thêm: cô muốn theo đuổi nghiệp dạy tiếng Kusunda trong tương lai.■ Tags: Văn hóa ngôn ngữNgôn ngữTử ngữBảo tồn ngôn ngữNepalTiếng Kusunda
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng mở cửa 7 ngày Tết cho người dân vào tham quan KHẮC TÂM 27/01/2025 Đây là Tết Nguyên đán thứ ba liên tiếp, trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng được trang trí đẹp với nhiều tiểu cảnh bắt mắt để người dân vào tham quan, chụp hình.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.