TTCT - Giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho hai giáo sư Đại học Stanford, Paul Milgrom và Robert Wilson, nhờ các công trình nghiên cứu lý thuyết đấu giá và ứng dụng lý thuyết này vào thiết kế các hình thức đấu giá mới. Robert Wilson (trái) và Paul Milgrom. Ảnh: APThu cả trăm tỉ đôla bán đấu giá tài nguyên vô hìnhTrước năm 1993, Mỹ cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến cho các hãng truyền hình, hãng viễn thông mà không thu tiền. Họ chỉ buộc các nơi tranh nhau giấy phép trình bày cách sử dụng loại tài nguyên vô hình này như thế nào có lợi cho xã hội nhất mà thôi.Sau đó thấy mất công quá, lại nảy sinh đủ trò vận động hành lang, họ quay sang tổ chức xổ số, may ai nấy hưởng. Phải đến năm 1993, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC), là cơ quan quản lý các tần số này, mới được quyền tổ chức bán đấu giá, thu tiền cho ngân sách.Thế nhưng FCC không thể giải bài toán đấu giá sao cho hiệu quả nhất bởi có rất nhiều biến số: các hãng viễn thông tranh nhau quyền sử dụng, các khu vực địa lý rộng lớn khác nhau cần phải cấp nhiều giấy phép, làm sao để các hãng đừng bắt tay nhau liên kết ép giá xuống, đồng thời việc kết nối phải thông suốt bán mới được giá cao…Cuối cùng, họ phải nhờ Milgrom và Wilson tư vấn thiết kế cuộc đấu giá. Hai ông là thầy trò - khi Milgrom làm tiến sĩ ở ĐH Stanford vào năm 1979, Wilson là người hướng dẫn viết luận án - và đề tài nghiên cứu chính là lý thuyết đấu giá.Hình thức đấu giá SMRA (đấu giá nhiều vòng đồng thời) do hai ông thiết kế được FCC sử dụng lần đầu tiên vào năm 1994, bán được 10 giấy phép, thu về 617 triệu đôla, một món tiền lớn mà trước đây FCC tặng không cho các hãng khai thác. Sau đó, nhiều nước khác (Phần Lan, Ấn Độ, Canada, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển, Đức) bắt chước áp dụng SMRA cho các cuộc đấu giá tần số ở nước họ.Chỉ tính riêng ở Mỹ từ năm 1994 đến 2014, FCC đã thu về 120 tỉ đôla nhờ sử dụng mô hình này; còn tính ở quy mô toàn cầu, phát kiến của hai ông đã đem về cho ngân sách các nước trên 200 tỉ đôla. Hình thức đấu giá SMRA sau này còn được dùng để đấu giá bán điện, khí đốt…Giải mã hộp đen đấu giáCó thể nhiều người nghĩ đấu giá thì có gì phức tạp. Đấu giá kiểu Anh ai trả giá cao sẽ thắng; đấu giá kiểu Hà Lan thì ngược lại, người bán đưa ra giá cao rồi hạ dần cho đến mức có người mua. Thật ra cái gì dính líu đến con người đều phức tạp, từ đó mới có lý thuyết trò chơi và các cuộc đấu giá chính là nơi lý thuyết trò chơi phát huy tác dụng rõ rệt nhất.Đấu giá là những cuộc đấu trí rất phức tạp tùy theo luật chơi; chẳng hạn khi đấu giá kín, mỗi người vừa phải định giá của vật đưa ra bán đồng thời đoán cho được đối thủ sẽ trả giá ra sao - không ai muốn “hớ giá” để rồi trở thành kẻ chịu “lời nguyền người thắng đấu giá” - một khái niệm quan trọng trong đấu giá.Vật đấu giá có giá trị đến mức nào, có thông tin gì mình chưa biết, đối thủ có biết hết giá trị đó hay họ còn nắm thông tin riêng ta chưa hay…, tất cả đều tác động đến quá trình ra quyết định. Người tổ chức đấu giá thì sợ người tham gia liên kết để dìm giá hay trong trường hợp đấu giá mua sắm công còn có nỗi lo người chào giá thấp nhất lại cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cũng với chất lượng thấp nhất.Nghiên cứu của Wilson công bố vào những năm 1960 - 1970 cung cấp khung lý thuyết giúp phân tích các cuộc đấu giá và cách thức các bên tham gia thường hành xử. Lấy ví dụ bạn là một người buôn kim cương cùng một số thương nhân khác đang tham gia đấu giá mua một viên kim cương thô về chế tác để bán lại.Dựa trên giá thị trường, những người tham gia có thể hình dung ra một giá trị chung cho viên kim cương thô này, nhưng từng người với thông tin riêng sẽ có những mức độ định giá khác nhau, người có cơ hội săm soi kỹ sẽ biết rõ chất lượng vật được đấu giá, người có sẵn khách muốn mua cũng sẽ có mức giá khác…Wilson cho rằng người tham gia lúc nào cũng đưa ra mức giá thấp hơn giá họ ước tính để tránh bị hớ giá; sự bất định càng cao, giá càng bị hạ thấp.Nghiên cứu của Milgrom xuất bản trong thập niên 1980 mở rộng hơn công trình của thầy mình. Ông cho rằng trong hầu hết các cuộc đấu giá, ngoài giá trị chung mà ai nấy đều ấn định như nhau, còn có giá trị riêng tùy từng người tham gia.Chẳng hạn với một công ty năng lượng tham gia đấu giá giành quyền khai thác một mỏ khí đốt, trữ lượng của mỏ là giá trị chung còn chi phí khai thác lại là giá trị riêng tùy thuộc vào năng lực công nghệ của hãng tham gia.Càng nhiều biến số, việc phân tích càng phức tạp, kết quả càng khó đoán định. Đóng góp của Milgrom là đưa ra các hình thức đấu giá để giải quyết các bài toán đặt ra. Hình thức này có thể giảm nỗi lo “hớ giá” cho người tham gia, hình thức kia sẽ loại trừ việc các bên bắt tay nhau làm “quân xanh, quân đỏ”.Trong ví dụ trên, nếu nơi tổ chức bán đấu giá viên kim cương thô cho tất cả mọi người tham gia có thời gian xem kỹ và cung cấp lai lịch món hàng thì họ có thể kỳ vọng giá bán được sẽ ở mức cao hơn.Có thể nói nghiên cứu của Wilson là về lý thuyết đấu giá với những món hàng có “giá trị chung”, còn nghiên cứu của Milgrom mở rộng ra để bao quát các hình thức đấu giá với sản phẩm hay dịch vụ có cả “giá trị chung” và “giá trị riêng”. Sự kết hợp của hai ông đã dẫn đến nhiều mô hình đấu giá mới được sử dụng trong thực tế, như hình thức bán đấu giá tần số cho FCC.Ảnh: Nobelprize.orgTừ lý thuyết đến thực tiễnTrong tài liệu giới thiệu giải Nobel kinh tế năm nay, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đưa ra ví dụ: một hãng viễn thông muốn xây dựng mạng lưới di động toàn Thụy Điển nên tham gia đấu giá mua quyền sử dụng tần số do Chính phủ Thụy Điển tổ chức.Họ đấu giá lần lượt quyền sử dụng tần số ở vùng phía Bắc rồi sau đó cho vùng phía Nam; như thế, giá trị giấy phép sử dụng tần số ở phía Bắc sẽ tùy thuộc vào khả năng cũng hãng đó có trúng đấu giá mua giấy phép sử dụng tần số ở phía Nam không, và với giá nào.Bởi chưa có cuộc đấu giá cho vùng phía Nam, sự bất định với mức giá giấy phép phía Bắc sẽ là rất cao, nên các hãng sẽ chào giá thấp để tránh rủi ro. Mô hình SMRA mà Milgrom và Wilson áp dụng ở Mỹ có thể giải quyết được bài toán này cho Thụy Điển một cách trọn vẹn.Sau này sử dụng lý thuyết đấu giá của hai ông, với sự cộng tác của các chuyên gia tin học, toán học, xác suất thống kê, người ta đã xây dựng được nhiều hình thức đấu giá loại trừ được các thủ thuật thông đồng giữa các bên tham gia hay rủi ro đầu cơ làm giá.Năm 2012, khi FCC tiến hành đấu giá quyền sử dụng băng tần mới, một lần nữa Milgrom được mời đứng đầu nhóm tư vấn cho FCC trong thiết kế mô hình đấu giá mới. Ông từng tư vấn cho chính phủ nhiều nước khi họ muốn bán quyền sử dụng tần số vô tuyến, thậm chí cả cho Google và Microsoft về chuyện bán đấu giá vị trí quảng cáo trên kết quả tìm kiếm.Theo đánh giá của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các công trình của Wilson và Milgrom thoạt tiên là dạng nghiên cứu cơ bản - họ muốn sử dụng lý thuyết trò chơi để phân tích hành vi của người trong cuộc đi kèm thông tin cụ thể. Họ chọn đấu giá chỉ bởi đó là lãnh vực minh họa rõ nhất cho lý thuyết trò chơi: luật chơi tác động lên người tham gia theo mức độ thông tin họ nắm được.Tuy nhiên, đấu giá lại trở nên một lãnh vực sôi động từ giữa thập niên 1990 đến nay khi được chính phủ nhiều nước sử dụng để phân bổ các tài nguyên công cộng phức tạp như tần số vô tuyến, điện, khí đốt, quặng mỏ… Nghiên cứu về lý thuyết đấu giá của hai ông, và sau đó là các phát kiến về các hình thức đấu giá mới, bỗng trở nên cực kỳ hữu ích trong thực tế đời sống.■Một điểm rất đặc biệt là Robert Wilson (đã 83 tuổi) không chỉ là thầy của Paul Milgrom (72 tuổi) mà hai người còn là láng giềng của nhau. Chính ông thầy Wilson là người gõ cửa nhà Milgrom vào sáng sớm để báo tin hai người đoạt giải.Một điểm đặc biệt nữa là thầy Wilson còn có hai học trò trước đó từng đoạt giải Nobel kinh tế: giáo sư Alvin Roth (Đại học Stanford, giải năm 2012) và giáo sư Bengt Holmström (MIT, 2016).Theo Đại học Stanford, nơi hai người đang giảng dạy, Wilson và Milgrom hiện nghiên cứu ứng dụng thiết kế đấu giá để giải quyết một số thách thức mà đại dịch COVID-19 gây ra như cách thức phân bổ trang thiết bị y tế khan hiếm. Khi thiếu một mô hình hữu hiệu, các nước, hay ngay trong một nước, các địa phương tranh nhau trả giá cao để mua làm giá tăng mà hàng vẫn khan hiếm, nơi thừa nơi thiếu. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mùa nobel 2020 Tiếp theo Tags: Nobel kinh tếDiễn đàn kinh tếKinh tế họcĐại học StandfordNobel kinh tế 2020
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.