TTCT - Điểm khởi đầu của bất cứ nghệ thuật nào cũng là từ đời sống. Đời sống ấy có thể là cái cây, là dòng sông, là con chim... nghệ thuật đưa ra một khuôn mặt khác của đời sống ấy Cứ gọi chung như thế về đề tài các con vật trong lịch sử mỹ thuật truyền thống của người Việt. Những con chim lạc, những con cóc trên mặt trống đồng Đông Sơn. Gốm hoa nâu Lý Trần nhiều hình voi, cá, chim, gà. Gốm Chu Đậu thế kỷ XV nhiều chích chòe, lân, phượng, cá sấu, rồng đắp nổi trên chân đèn tròn, chân đèn vuông hình nghê... Rồi hạc trên lưng rùa, cá vượt vũ môn ở lan can đá chùa Bút Tháp. Những linh thú ở chùa Phật Tích, lưỡng ngư chầu nguyệt, lý ngư vọng nguyệt ở tranh Hàng Trống, chú bé ôm gà, vịt, chăn trâu thổi sáo, đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ, gà trong tranh Kim Hoàng... Những hổ đá, chó mèo đá hai bên cổng làng. Những con vật trong rối nước, loại hình sân khấu độc đáo của người Việt từ thời Lý. Hình tượng con giống rất phong phú trải dài trong lịch sử nghệ thuật Việt mấy ngàn năm.Hội họa hiện đại Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi đề tài con giống. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm coi con giống là một đề tài lớn, bên cạnh điệu múa cổ và Thúy Kiều. Ông in riêng một cuốn sách chọn lọc những tác phẩm ông vẽ về Tý Sửu Dần Mão. Họa sĩ Nguyễn Sáng có nhiều tác phẩm về mèo. Họa sĩ Lê Trí Dũng chuyên vẽ ngựa. Nghệ sĩ gốm Lê Ngọc Hân và nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan cũng có một chùm tác phẩm về con ngựa với gốm Bát Tràng và gốm Hương Canh. Nghệ sĩ Đinh Công Đạt thích làm côn trùng, con sâu, cái kiến.Tiếp nối dòng chảy ấy, nhóm 4 nghệ sĩ gồm Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung, Lê Thiết Cương cùng “làm” điêu khắc con giống (*).Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Lê Minh Trí (tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp) “lộ diện” với những tác phẩm trâu bò lợn gà và nhất là chó - con vật mà anh yêu thích, đều bằng gỗ phủ sơn, vẽ thêm các họa tiết, các miếng màu tương phản mạnh, thành một kiểu điêu khắc màu. Cách tạo hình, tạo khối không sa vào chi tiết, khối chuyển êm, căng mọng. Hổ 3 - Acrylic trên gỗ của Lê Minh Trí. Nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận thiên về các tác phẩm điêu khắc gỗ voi, rồng, trâu, gà trống... Mỗi con giống một dáng vẻ nhưng đều cùng một ý tưởng xuyên suốt: dựa theo cách tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu (Quảng Nam) - một tộc người được “Trời” tặng cho nghề điêu khắc gỗ và đan lát rất giỏi. Nhà Guol của người Cơ Tu rất độc đáo, nhất là các tác phẩm điêu khắc trang trí trong nhà. Thuận sinh sống ở Hội An, gần gũi và đi về Tây Giang (Quảng Nam) nhiều, có lẽ vậy nên cái “chất” Cơ Tu đã ngấm và nhuyễn trong anh. Thuận đã làm cho truyền thống điêu khắc gỗ của người Cơ Tu chuyển động, sống đẹp trong đời sống hôm nay và trở nên mới lạ. Anh dùng những khúc gỗ vớt lên từ vùng cửa sông Thu Bồn, Cửa Đại sau những trận bão lũ để đẽo gọt thành tác phẩm, một thực hành nghệ thuật tiếp nối đầy chất “Cơ Tu” vì người Cơ Tu tôn kính thần Rừng, không chặt hạ cổ thụ. Những cây gỗ ấy được tái sinh, sống tiếp một đời sống khác trong nghệ thuật. Rồng vờn mây - điêu khắc trên gỗ của Lê Ngọc Thuận. Nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung sinh ra và lớn lên ở làng gốm sành Phù Lãng, Quế Võ (Bắc Ninh) - một làng gốm cổ đã 900 tuổi. Anh hiện là giảng viên ngành điêu khắc, khoa trang trí nội ngoại thất của trường. Những tác phẩm của anh được thực hiện gần đây, lần đầu tiên trưng bày với cùng một đề tài ngựa.Đó là bộ ngựa với chất liệu sành Phù Lãng - sở trường của anh, khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy. Tác giả tập trung vào hình khối, chủ yếu phần đầu, thân ngựa, với tạo hình khỏe khoắn, thấp thoáng yếu tố dân gian trong một tổng thể hài hòa, mới mẻ. Độ đanh của chất sành, độ no của hình khối, sự cân bằng về tỉ lệ tác phẩm cùng kỹ thuật, chất liệu, lò bễ, than củi, men thuốc, đất nước lửa vẫn là từ truyền thống, nhưng tư duy tạo hình của Vũ Hữu Nhung hoàn toàn hiện đại. Ngựa 9, gốm của Vũ Hữu Nhung. Lê Thiết Cương mang tới triển lãm lần này hơn chục tác phẩm điêu khắc con giống, chất liệu đồng và sắt, sáng tác trong hai năm 2020 và 2021. Anh vẫn trung thành với quan niệm nghệ thuật tối giản, dù là hội họa hay điêu khắc. Và vẫn là quan niệm điêu khắc - mặt, mặt phẳng, diện. Mặt phẳng là hai chiều dài, rộng. Nhưng khi ghép nối, uốn cong thì sẽ thành ba chiều. Dài rộng sẽ thành cao thấp, nông sâu, chỉ bằng kỹ thuật nguội: gò, ghép, uốn, cắt, khắc, đục, đột, dập, gấp. Điêu khắc tối giản chính là “như nhất”. Lê Thiết Cương không thể làm gì khác ngoài làm tối giản. Tác phẩm “Gia đình”, chất liệu sắt của Lê Thiết Cương. Điểm khởi đầu của bất cứ nghệ thuật nào cũng là từ đời sống. Đời sống ấy có thể là cái cây, là dòng sông, là con chim... nghệ thuật đưa ra một khuôn mặt khác của đời sống ấy. Nghệ sĩ là kẻ sáng tạo, vì thế mà những con giống của triển lãm lần này phải là con - không - giống.■(*) Triển lãm điêu khắc “Con giống” khai mạc ngày 8-7-2022 tại nhà hàng Coco Casa, đường Trường Sa, Thịnh Mỹ, Cẩm An, Hội An (Quảng Nam) Tags: Lê Thiết CươngCon giốngĐiêu khắc “Con giống”
Tin tức thế giới 26-7: Campuchia kêu gọi ngừng bắn lập tức với Thái Lan; Mỹ - Trung đối đầu ở LHQ HÀ ĐÀO 26/07/2025 Tại Liên hợp quốc, Campuchia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức với Thái Lan; Nhà Trắng yêu cầu Harvard và nhiều đại học Mỹ nộp phạt.
Tưng bừng khai mạc Lễ hội Văn hóa Việt Nam đầu tiên trên quảng trường Đỏ DUY LINH 26/07/2025 Đây là lần đầu tiên một Lễ hội Văn hóa Việt Nam diễn ra trên quảng trường Đỏ - trái tim của nước Nga - và sẽ kéo dài suốt 10 ngày, đến hết ngày 3-8.
Tin tức sáng 26-7: Giá thuê mặt bằng khu trung tâm TP.HCM tiếp tục tăng BÌNH KHÁNH 26/07/2025 Tin tức đáng chú ý: Giá thuê mặt bằng khu trung tâm TP.HCM tiếp tục tăng; Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công; TP.HCM yêu cầu kiểm tra, gia cố bảng quảng cáo trong mùa mưa bão...
Xét tuyển đại học: Hoang mang, rối bời vì quy đổi điểm MINH GIẢNG 26/07/2025 Mấy hôm nay phụ huynh, học sinh đua nhau tìm hiểu các khái niệm toán học và ý nghĩa của chúng. Họ lần mò theo các công thức, học cách tính toán, làm đi làm lại nhiều lần để quy đổi, biết số điểm chính xác của mình trước khi đăng ký xét tuyển đại học.