TTCT - Những tấm chặn sách, những con búp bê xinh xắn do những người khiếm thính tạo nên bằng bông và vải lay động lòng người về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mai và Đạt bán hàng trên vỉa hè phố Lý Quốc Sư - Ảnh: Hoàng Điệp Những bookmark (miếng chặn sách) mang trang phục của 54 dân tộc Việt Nam, trang phục Nhật Bản hay những vị vua quan triều Nguyễn trong những bộ triều phục rực rỡ được treo bán trên cột điện vỉa hè số 24 Hàng Bè. Búp bê xinh trên phố Thắng (19 tuổi, người Hải Dương), một người khiếm thính của nhóm “5 màu”, đang tận tình giới thiệu với hai vị khách người Thụy Điển những con búp bê và bộ lịch 2012 về thủ đô Hà Nội. Lúc đầu, hai vị khách này tưởng Thắng chỉ là người bán hàng rong bình thường nên ra hiệu xua tay. Nhưng khi nhìn lên tấm biển có chữ “Deaf Group” được viết bằng nhiều thứ tiếng, họ đã dừng lại, thích thú ngắm nghía những chú búp bê dễ thương được làm bằng giấy và vải. Sau khi xem một lượt các mặt hàng, họ chọn mua 10 bookmark mang trang phục các dân tộc thiểu số với giá 180.000 đồng (giá bán lẻ 20.000 đồng/miếng). Cầm những đồng tiền vị khách trả trên tay, Thắng cúi người cảm ơn, không quên nở một nụ cười tươi tắn. Một khách nước ngoài khác gặp Thắng và chìa ra một túi ảnh. Đó là những tấm ảnh chụp Thắng đang bán hàng. Cầm những tấm hình trên tay, đôi mắt thể hiện sự thích thú, Thắng cho biết không chỉ mua hàng, nhiều khách thường chụp ảnh và tặng Thắng nếu có dịp gặp lại. Chủ nhiệm Đặng Trần Thành giới thiệu về nhóm “5 màu” - Ảnh: Hoàng Điệp Thắng kể (thông qua giấy bút) quê ở Hải Dương, nhà có nghề làm bánh bao. Trước khi tham gia nhóm “5 màu”, Thắng thường đi bán bánh bao với bố. Nhưng thu nhập không tốt, lại vất vả nên Thắng xin vào nhóm “5 màu” làm việc. Mỗi tháng, trừ ăn uống, Thắng được nhận 2 triệu đồng tiền công. Trung bình mỗi ngày Thắng bán được 500.000 đồng. Cách chỗ Thắng bán chừng 100m là cô bé Lịch, cũng bán hàng trong nhóm “5 màu”. Bác Thanh, bán tào phớ (tàu hủ) đối diện chỗ Lịch, cho biết có người mua nhưng cũng nhiều người cho tiền. Thường dân phòng đi dẹp vỉa hè đuổi hết hàng rong nhưng chẳng ai đuổi mấy cháu này. Trừ ngày mưa, hôm nào Lịch cũng đứng ở đấy. Lịch là người duy nhất trong số 29 người của nhóm “5 màu” không biết chữ. Lịch chỉ giao tiếp được với mọi người bằng ngôn ngữ ký hiệu. Cô bé đứng ở góc phố lâu thành quen, cứ như một phần của ngã ba Lương Ngọc Quyến - Hàng Bè. Các thành viên của nhóm “5 màu” làm việc tại trụ sở - Ảnh: Hoàng Điệp Lặng lẽ kiếm sống Nhóm “5 màu” được thành lập từ năm 2004 với mục đích tự làm việc, tự bán hàng kiếm sống. Vì không có cửa hàng ổn định nên bây giờ nhóm phải bán hàng trên phố cổ. Đứng ở vỉa hè nên thu nhập không ổn định, có những tháng doanh thu giảm nên chẳng có tiền trả lương cho mọi người. “Cả nhóm phải chia sẻ khó khăn ấy với nhau thôi” - chị Kính diễn giải ám hiệu bằng tay của chủ nhiệm nhóm Đặng Trần Thành sau khi anh vừa xem mẫu thiết kế tấm bưu thiếp do các bạn thiết kế và giơ ngón tay lên tỏ ý khen.“Những người tự cứu” là cách gọi của bác Minh, chủ cửa hàng ở số 2 Lý Quốc Sư, nói về những người khiếm thính tự bán hàng. Bác giải thích: “Trong khi có những thanh niên phá gia chi tử ném tiền vào ma túy, cờ bạc, sàn nhảy thì những đứa trẻ khuyết tật ấy đã tự cứu mình để không trở thành gánh nặng cho xã hội”. Thế nên dù họ để xe đạp trước cửa, bán hàng trước cửa hiệu của mình nhưng bác Minh không một lời kêu ca phàn nàn: “Không giúp được các cháu thì thôi, ai nỡ...”. Một ngày làm việc của Thắng bắt đầu khoảng 9g sáng và kết thúc lúc 20g. Sự kiên nhẫn mời khách của Thắng khiến nhiều người dù vội vã cũng phải dừng bước. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên nhà hàng Indian Cuisine (24 Hàng Bè), kể: “Sáng nào Thắng cũng vay 20.000 đồng để ăn sáng, nhưng vì tiết kiệm nên thường ăn sáng rất muộn (để không phải ăn trưa). Tối, sau khi dọn hàng vào gửi trong nhà hàng Indian Cuisine, Thắng mới trả 20.000 đồng đã vay lúc sáng”. Đứng ở vỉa hè, lại trước một nhà hàng nên Thắng rất ý tứ. Nếu khách vào ra nhà hàng cần dắt xe, Thắng sẵn sàng giúp. “Thắng ngoan và lễ phép, lại khéo léo nữa nên ai cũng thương. Đứng bán, gửi hàng nhưng các bảo vệ và người làm của nhà hàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để cậu bán hàng” - anh Tuấn nói. Căn nhà năm tầng trong ngõ sâu phố Hoàng Hoa Thám được nhóm thuê làm nơi sản xuất và cũng là nơi sinh hoạt của những thành viên ở tỉnh xa. Từ tầng 1 đến tầng 5 đều được tận dụng thành nơi sản xuất. Từng chồng vải gấm, thổ cẩm, lụa, bông, ruybăng xếp đầy trên những giá đỡ. Những chiếc tủ nhựa lớn với hàng chục ngăn kéo dành đựng các sản phẩm đã hoàn thiện. Trong một căn phòng khác, nhóm bạn Tám, Thược và Hương đang khâu những con búp bê bằng vải và thú nhồi bông; phòng bên cạnh Thao, Hùng và Thanh thiết kế bưu thiếp trên máy tính. Tất cả đều lặng im và cần mẫn làm việc. Không một tiếng ồn. Anh Đặng Trần Thành, sinh năm 1982, chủ nhiệm của “5 màu” cũng là người khiếm thính. Anh vừa kiểm tra sản phẩm vừa trả lời điện thoại của các bạn bán hàng trên phố thông qua dịch vụ video 3G. “Điện thoại đối với người khiếm thính vẫn là phương tiện giao dịch chính. Chúng tôi nhắn tin, gọi video cho nhau hoặc thậm chí gửi cả email” - anh giải thích bằng bút đàm. Thắng giới thiệu những tấm bưu thiếp và bookmark trên vỉa hè phố Hàng Bè - Ảnh: Hoàng Điệp Cho một tình yêu Đầu phố Lý Quốc Sư là hai bạn Đạt và Mai, cũng bán những sản phẩm búp bê, bookmark bằng vải cùng bưu thiếp và lịch. Ngoài việc chú ý đến khách qua đường và mời chào họ, cả hai tranh thủ chuyện trò, chia cho nhau một mẩu báo bé xíu có thông tin thú vị. Trời lạnh, hai bạn vừa bán hàng vừa xoa hai tay. Không người khách nào dừng lại hay ngó lên gian hàng của họ. Không nản lòng, Đạt và Mai vẫn mời khách bằng những động tác duyên dáng: hạ thấp vai xuống một chút, bàn tay hướng lên nơi đặt những con búp bê. Đạt sinh năm 1991 ở xã Đông Huy, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm Đạt 3 tuổi bố mẹ mới phát hiện con có những dấu hiệu không bình thường nên đưa đi khám khắp nơi. Khi biết Đạt bị điếc bẩm sinh và không chữa được nữa, anh chị dạy con học chữ. Anh Lưu Văn Tú, bố của Đạt, nói: “Ở quê tôi không có trường riêng dành cho trẻ câm điếc, thế nên tôi cho cháu học tiểu học bình thường. Thế mà năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi đấy”. Sau này Đạt đi học nghề, làm thuê ở một quán dịch vụ Internet tại Thái Bình. Đạt quen Mai (người Tuyên Quang) qua trao đổi trên mạng, rồi gửi hồ sơ về Trung tâm 5 màu và được nhận đi làm. “Thú thật tôi không muốn con lên đó làm việc vì xa nhà, nhưng con thích thì tôi tôn trọng” - anh Tú nói. Gian hàng ấy là của Đạt, còn Mai tranh thủ lúc nào nghỉ thì ra bán với Đạt cho đỡ buồn. Công việc của Mai là làm bookmark và búp bê ở trụ sở trung tâm. Chị Đàm Thị Kính, phiên dịch cho cả trung tâm, cho biết cả nhóm đều biết Đạt và Mai thương nhau, cả hai rất quấn quýt, luôn lo lắng và giúp đỡ lẫn nhau. Chị Kính tâm sự: “29 người chúng tôi như một gia đình lớn, một gia đình phức tạp với nhiều thành viên nhưng mọi người rất dễ thông cảm và chia sẻ nhau mọi khó khăn”. Tags: Phóng sựTình yêuBúp bêNgười khiếm thínhNhóm 5 màu
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.