Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 17,3 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, trong đó nguyên nhân nhiều nhất là nhồi máu cơ tim, chiếm khoảng 7,3 triệu trường hợp (tỉ lệ 42%). Chính vì vậy, việc hiểu biết về nhồi máu cơ tim để có biện pháp phòng ngừa bệnh là hết sức cần thiết. Thể dục thể thao thường xuyên vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất - Ảnh: N.C.T. Vài khái niệm cần hiểu đúng Tuy mọi người đã biết nhiều hơn đến nhồi máu cơ tim nhưng vẫn còn đó những lầm lẫn giữa các khái niệm liên quan đến nhồi máu cơ tim. Chẳng hạn như nhiều người vẫn lẫn lộn giữa đau ngực và đau thắt ngực, cho rằng triệu chứng đau ngực đồng nghĩa với bị thiếu máu cơ tim, không rõ thế nào là thiếu máu cơ tim, thế nào là nhồi máu cơ tim… Hiểu đúng mới trị đúng. Trước hết, cần nhắc đến hệ mạch vành. Khi bơm máu đi nuôi cơ thể, tim cũng tự nuôi chính mình qua hệ thống mạch máu gọi là hệ mạch vành. Bệnh hẹp mạch vành là tình trạng lớp nội mạc của động mạch vành bị tổn thương, thường là do những mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu này. Khi lòng động mạch vành bị hẹp đến một mức đáng kể sẽ làm giảm lượng máu qua mạch vành đến nuôi cơ tim. Tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim. Cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng có thể gây ra triệu chứng đau thắt ngực. Đau thắt ngực được mô tả là cảm giác tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận…; đau thường lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt…; đau có thể giảm đi khi nghỉ ngơi. Như vậy, triệu chứng đau thắt ngực khác với triệu chứng đau ngực. Đau ngực được mô tả là cảm giác đau, đè ép, bóp nghẹt, tê…, tóm lại là bất cứ cảm giác khó chịu nào ở vùng ngực, cổ, bụng trên, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong khi đó, đau thắt ngực là từ dùng mô tả triệu chứng đau ngực trong bệnh hẹp mạch vành, xảy ra do tình trạng thiếu máu cơ tim. Động mạch vành bị hẹp sẽ gây ra thiếu máu cơ tim. Nặng nề hơn, nếu một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc hoàn toàn (do mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, loét hoặc do hình thành cục máu đông) sẽ gây ra nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng vùng cơ tim (tương ứng nhánh mạch vành bị tắc phụ trách) không nhận được máu nuôi dưỡng sẽ bị thiếu máu cục bộ liên tục và nghiêm trọng, gây ra tình trạng hoại tử cơ tim cấp tính. Đau ngực 20 phút, đừng chờ Khi mạch vành đã bị hẹp thì người bệnh sẽ có nguy cơ bị đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Để đánh giá tình trạng hệ mạch vành của người bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố như tuổi, có tăng huyết áp không, có bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu không, có mắc bệnh đái tháo đường không, có béo phì không, có hút thuốc lá không... để xác định mức độ nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Có nhiều xét nghiệm giúp đánh giá bệnh mạch vành, trong đó phương pháp chụp mạch vành chọn lọc, cản quang được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành. Qua phim chụp mạch vành, bác sĩ có thể thấy rõ tình trạng hệ thống động mạch vành của người bệnh, biết được hẹp, tắc tại đâu, bao nhiêu mạch máu bị tổn thương… Các phương pháp điều trị nhằm mục đích không để các nhánh mạch vành hẹp nhiều hơn để phòng ngừa nhồi máu cơ tim xảy ra. Nhồi máu cơ tim là bệnh có tỉ lệ tử vong cao, lên đến 30%, trong đó khoảng một nửa lìa đời trước khi kịp đến bệnh viện. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là việc điều trị kịp thời giúp tránh được tử vong và những biến chứng sau đó. Càng vào viện sớm, nhất là trong vòng một giờ đầu sau nhồi máu cơ tim, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao. Bên cạnh những trường hợp khởi phát bất ngờ và rầm rộ, có nhiều cơn nhồi máu cơ tim khởi đầu chậm, gây đau ngực nhẹ hoặc chỉ gây cảm giác khó chịu khiến người bệnh không nhận ra. Chính vì thế, phải hết sức cảnh giác để có thể nhận ra đợt nhồi máu cơ tim tiềm ẩn trong những cơn đau ngực. Nếu triệu chứng đau ngực không giảm hoặc kéo dài khoảng 20 phút hay lâu hơn nữa, cần gọi cấp cứu hoặc di chuyển đến bệnh viện. Không nên xem nhẹ các triệu chứng và không trì hoãn, việc chờ đợi để xem cơn đau có giảm không có thể gây nguy hại cho tim, xấu hơn nữa là ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu gặp tình trạng khó thở, đau thắt ngực dữ dội và kéo dài, cùng những dấu hiệu cho thấy có khả năng bị nhồi máu cơ tim, cần cố gắng giữ bình tĩnh, tránh để rơi vào trạng thái hoảng loạn, ngưng mọi công việc, ngồi hoặc nằm xuống, gọi người đến giúp đỡ; nếu có thuốc ngậm một viên nitrate dưới lưỡi mỗi năm phút, uống hoặc nhai và nuốt một viên aspirin. Tags: Nhồi máu cơ tim
Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc phê bình các địa phương chậm kiện toàn nhân sự chủ chốt cấp xã THÀNH CHUNG 25/07/2025 Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc phê bình các địa phương chậm kiện toàn nhân sự chủ chốt, nhất là chức danh bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND cấp xã.
HLV Kim Sang Sik: U23 Việt Nam có thể thắng bất kỳ đối thủ nào để vô địch, nếu... NGUYÊN KHÔI 25/07/2025 Phát biểu sau trận thắng U23 Philippines ở bán kết Giải U23 Đông Nam Á 2025, HLV Kim Sang Sik tự tin sẽ thắng bất kỳ đối thủ nào ở trận chung kết sắp tới.
Một vụ trưởng của Bộ Tài chính bị ngã tử vong tại cơ quan TTXVN 25/07/2025 Bộ Tài chính có thông báo về việc "công chức tử vong tại cơ quan Bộ Tài chính". Theo đó sáng 25-7, tại cơ quan Bộ Tài chính xảy ra vụ tai nạn dẫn đến việc ông Phan Đức Dũng - vụ trưởng - bị ngã tử vong.
Giao tranh giữa Thái Lan và Campuchia lại bùng nổ dữ dội THANH HIỀN 25/07/2025 Thủ tướng Campuchia tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với lệnh ngừng bắn, khi Thái Lan đã rút lại sự ủng hộ với kế hoạch này. Giao tranh dữ dội giữa Thái Lan và Campuchia lại vừa bùng nổ.