Nhà thơ trẻ và những giới hạn biểu đạt

NGUYỄN VŨ HIỆP 07/05/2025 15:35 GMT+7

TTCT - Bài thơ này có nói được lòng người viết? Hoặc nó có phải là một cỗ máy tạo nghĩa hiệu quả, sao cho mỗi người đọc tìm thấy trong nó câu chuyện của chính bản thân?

Nhà thơ trẻ  - Ảnh 1.

Ảnh: SONG HÀ

Khi tìm lời giải cho những câu hỏi này, các cây bút trẻ đang đi tiếp con đường bỏ ngỏ của nhiều trào lưu thơ Việt Nam trước đây, bằng một lượng phương tiện đa dạng hơn, và đôi lúc hướng đến những viễn kiến mới.

Một thế kỷ của thơ hiện đại

Từ khi thơ Việt Nam bước vào giai đoạn hiện đại với bài Tình già (1932) của Phan Khôi, nhiều thế hệ nhà thơ đã suy ngẫm về các giới hạn biểu đạt của mình, từ đó mở ra các tư duy mới về ngôn ngữ và nghệ thuật.

Trộn lẫn ảnh hưởng từ thơ lãng mạn và tượng trưng Pháp với di sản về vần điệu và thẩm mỹ của thơ trung đại Việt Nam, phong trào Thơ Mới (1932-1945) đã cho phép tác giả khẳng định cái tôi cá nhân, gieo vần tự do, và viết thơ bằng ngôn ngữ gần với văn nói.

Sau một thập kỷ gián đoạn bởi kháng chiến chống Pháp, hành trình làm mới thơ được tiếp tục bởi nhóm Sáng Tạo (1956-1961) của Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp… ở Sài Gòn - vốn xuất hiện như một cuộc nổi loạn nhằm cởi bỏ nốt các giới hạn của Thơ Mới nhân danh chủ nghĩa hiện sinh (cởi trói cho ý thức) và chủ nghĩa siêu thực (cởi trói cho tiềm thức) và thơ tự do (cởi trói vần điệu và thể thơ).

Ở miền Bắc, trong suốt nửa sau thế kỷ 20, những nhà thơ như Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng… đã âm thầm vượt qua một quan niệm cũ, rằng con chữ được viết ra để trình bày những ý nghĩa có sẵn. 

Thay vào đó, họ dùng chữ, âm thanh và các yếu tố đồ họa để xây dựng các cỗ máy tạo nghĩa, cho phép một bài thơ khơi gợi các nghĩa khác nhau nơi những người đọc và lần đọc khác nhau. Tập thơ Đàn, được Dương Tường gọi là "thơ ngoài lời", đã tạo ra giao điểm giữa thơ với nghệ thuật vị niệm và nghệ thuật đa phương tiện.

Trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, thao tác phi tâm hóa (decentralization) của thơ hậu hiện đại và thơ nữ quyền luận đã trao tiếng nói cho những câu chuyện từng bị khuất lấp ngoài lề sách, ngoài vỉa hè hoặc trong bếp, từ đó mở ra một cuộc cởi trói tình dục trong văn học, cả ngoại biên lẫn chủ lưu. Sự xuất hiện của văn học mạng và thơ trình diễn ở Việt Nam cũng tạo ra các không gian sinh hoạt khác với thời kỳ của sách, báo giấy.

Vậy sau hơn một thập kỷ gián đoạn, khi văn học mạng chuyển trọng tâm từ các báo điện tử và forum lên các mạng xã hội, thế hệ người viết của thập niên này đang đối mặt với những giới hạn biểu đạt nào trong lĩnh vực thơ?

Thay vì tưởng tượng một chuyển động tuyến tính, trong đó những cây bút hiện nay đang kế thừa các lối viết của thế hệ trước và cố gắng vượt qua, người viết đã tìm câu trả lời bằng cách phỏng vấn một số nhà thơ Việt Nam dưới 35 tuổi.

Tìm nhịp cho thơ tự do

70 năm sau những bài thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, nhiều người trẻ vẫn phải dành quãng đầu trong đời viết của mình để bứt khỏi lối gieo vần của thơ trung đại và Thơ Mới - vốn là cách viết đang chiếm vị trí chủ lưu trong các sách giáo khoa văn và nhiều diễn đàn văn chương chính thống, dù các diễn đàn này đang dành nhiều không gian cho những người viết thơ tự do như Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Bình Phương.

Ngạo Thuyên, một cây bút thường xuất hiện trong các đêm trình diễn thơ tại Hà Nội, cho biết việc gieo vần từng "tước quyền quyết định câu thơ" khỏi tay cô, khiến cô thêm những hình ảnh vô nghĩa và không hiệu quả vào câu thơ chỉ để giữ vần và nhịp. Để thoát khỏi giới hạn này, cô đã nỗ lực từ bỏ vần, nhịp để tập trung vào ý tưởng, cho phép ý tưởng dẫn mình đi, từ đó phát triển nhịp điệu riêng cho câu thơ.

Nhà thơ trẻ  - Ảnh 2.

Nguyễn Thụy Đan, tác giả tập thơ in illo tempore (NXB Thanh Niên, 2024), cũng dồn sức kể câu chuyện của mình, để tránh khuynh hướng trữ tình lê thê mà anh cho là đặc điểm thường thấy ở thơ Việt Nam thời trước.

Dù vậy, các cây bút trẻ không đánh giá thấp tầm quan trọng của nhịp điệu. Huy Bảo - chuyên viết thơ tự do, tác giả tập thơ Về khái niệm (NXB Hội Nhà Văn, 2024) - cho biết anh gặp khó khăn khi điều chỉnh nhịp thơ để biểu đạt đời sống cảm xúc ẩn bên dưới.

Một cây bút khác, hiện đang học trung học, băn khoăn vì mình chưa được học sâu về cả ngôn ngữ lẫn âm nhạc, đồng thời không biết tác động qua lại của ngôn từ và âm nhạc đến nhau. Bị đứt gãy với truyền thống diễn xướng các thể thơ có vần thời trung đại, lứa người viết hiện nay sẽ không thể đứng ở vị trí của Phan Khôi hoặc Nguyễn Xuân Sanh, mà có thể phải tìm những lối đi khác. Quả vậy: Huy Bảo đã nhắc đến Trần Dần như một người đi trước trong lĩnh vực này mà mình muốn trò chuyện, dù là qua một bài thơ.

Chữ biểu nghĩa hay tạo nghĩa

Nhưng luyện viết để biểu đạt tâm tư mình một cách tốt hơn có phải là lựa chọn duy nhất? Khi nghĩa của một chữ lệ thuộc vào những chữ khác trong từ điển - các chữ cứ thể định nghĩa lẫn nhau đến vô tận - và nghĩa của một câu phụ thuộc theo cách tương tự vào bối cảnh của nó, chẳng phải mọi từ và câu đều đa nghĩa, nhất là trong thơ?

Như thế, chữ không phải là phong bì để chứa các nghĩa sẵn có trong đầu người viết rồi gửi đến người nhận, mà là một phương tiện để khơi gợi ý nghĩa nơi những người đọc và những lần đọc khác nhau. Nhận thức này, vốn hiện diện ở cả thế hệ Trần Dần lẫn những nhà thơ hậu hiện đại về sau, đã khuyến khích một số cây bút trẻ lật ngược câu hỏi phỏng vấn được đặt ra.

Trần Duy Bảo Khang, tác giả tập thơ Đi tìm những bóng người (NXB Hội Nhà Văn, 2022), nhận xét rằng nghệ thuật và ngôn ngữ sẽ không bao giờ truyền tải được hết "cái đau và bất nhẫn mà cuộc sống mang lại". Vì vậy, Khang chọn "biến cái không thể nói trong nghệ thuật thành cuộc sống của mình" - một cuộc sống cung cấp đầu vào cho việc viết nhưng luôn giữ khoảng cách với dòng viết. Khang quan tâm đến tác phẩm trong dòng chảy riêng của nó: nó mở ra khả năng xuất hiện các đời sống tinh thần khác nhau nơi người đọc, và cả chính Khang.

Nhà thơ trẻ  - Ảnh 3.

Từ một góc nhìn rất gần, K. - chủ trang thơ Venascency trên Facebook - cho rằng việc cẩn thận lựa chọn từng câu chữ cụ thể khi viết sẽ không quan trọng bằng việc giữ cho mình "nhạy cảm với mạng lưới các cơ chế tạo nghĩa trong văn bản".

Để duy trì sự nhạy cảm này, K. cân bằng giữa việc tiếp cận các lý thuyết hậu cấu trúc của Derrida, Barthes, Chrétien với việc tin vào trực giác cá nhân; bởi chỉ qua trực giác, một chữ mới đánh thức các cơ chế tạo nghĩa của bộ não người, từ đó gọi thêm các chữ khác nằm kế sau nó.

Như vậy, K. đang viết cùng lúc bằng tư duy hậu hiện đại và lối viết tượng trưng, siêu thực: Baudelair, Lorca và Pritchard là những cây bút lớn mà K. tham khảo gần đây.

Liệu lứa người viết này sẽ tạo ra những khúc quanh nhỏ, hay có thể tạo ra những bước ngoặt lớn về lối viết? Đây là một câu hỏi mang phong cách của thế kỷ XX, thời mà cả nghệ sĩ thị trường lẫn nghệ sĩ tiên phong phải liên tục cạnh tranh với nhau bằng cá tính và các phát kiến mới.

Câu hỏi này không phù hợp để tư duy về các thế kỷ trước đó ở Việt Nam, thời mà việc tạo ra cái mới không quan trọng bằng việc chạm đến cái đạo muôn thuở; cũng không phù hợp để tư duy về thời điểm hiện tại, khi thế giới đang xét lại ý tưởng về chủ nghĩa cá nhân và thị trường cạnh tranh.

Trong một guồng quay coi việc làm ra cái mới là điều đương nhiên, những tư duy thật sự mới có lẽ chỉ đến khi chúng ta bước ra khỏi guồng quay để đặt câu hỏi theo cách khác. Chẳng hạn: nếu Hoàng Cầm viết thơ không phải bằng "lao động chữ" như Lê Đạt hay Trần Dần, mà bằng "lao động tình cảm" - tức là xây dựng một cuộc sống nên thơ với con người, động thực vật, cảnh quan quê hương và lịch sử đất nước - thì chủ thể của hành động viết là cá nhân Hoàng Cầm, hay là một mạng lưới các mối quan hệ lớn hơn?

Những tác giả trẻ, vốn đang viết để đối thoại với ký ức, bản dạng giới, lịch sử và môi trường sống hơn là để xác lập một cõi chữ riêng, có lẽ nên đặt những câu hỏi mới cho riêng mình, thay vì tìm những câu trả lời mới cho một câu hỏi cũ.

Chuyện nhà thơ queer

Khi đối diện với giới hạn biểu đạt của mình, các cây bút trẻ đang bước lại hoặc bước tiếp những con đường mà các thế hệ thơ Việt Nam trước đây đã mở. Hành trình bứt khỏi ngôn ngữ của chế độ phụ hệ, mà các nhà thơ nữ quyền luận hai thập niên trước từng bước, giờ đang được mở rộng bởi những cây bút có bản dạng giới nằm ngoài chuẩn nhị nguyên nam-nữ: các nhà thơ queer.

Trong hai cây bút queer được phỏng vấn, một người kể rằng do chịu ảnh hưởng từ văn học kinh điển chỉ mô tả tình yêu nam nữ, bạn từng không thể mô tả các cảm thức và cử chỉ của một cặp đồng tính yêu nhau. Người còn lại cảm thấy chỉ có mình đại diện được cho mình, và mình phải thận trọng với việc khái quát hóa, hoặc đi tìm một cách khái quát hóa mới.

Trong 15 cây bút trả lời phỏng vấn, có đến bốn người đã hoặc đang gặp khó khăn khi mô tả thiên nhiên trong bối cảnh siêu đô thị và biến đổi khí hậu hiện tại - một điều chưa từng xảy đến với các nhà thơ Việt Nam trước đây.

Điều này càng khó khăn hơn nếu người viết vừa muốn lưu giữ một phần phong vị đặc trưng của thơ trung đại và Thơ Mới, vừa muốn mô tả cái cây qua góc nhìn của chính cái cây - một lựa chọn chịu ảnh hưởng từ sinh thái luận đương đại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận