
Bà Nga thắp hương cho người thân dịp 50 năm thống nhất hai miền Nam Bắc - Ảnh: B.D.
Gian thờ phụng nằm ở tầng 3 nhà ông Trần Chí Cường (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) những ngày này được lau dọn sạch sẽ. Bát nhang được giữ ấm lửa kèm đĩa trái cây của anh em con cháu về thắp hương tưởng nhớ.
Hai anh hùng cùng năm Mậu Thân
Ngày 30-4 như một mốc thời gian đặc biệt trong gia đình ông Cường. Năm nay lại càng rưng rưng và đặc biệt linh thiêng hơn khi đất nước tròn 50 năm hòa bình, thống nhất hai miền.
Ông Cường tâm sự gia đình mình được biết đến nhiều vì có 3 anh hùng và 1 liệt sĩ. Đó là Anh hùng Trần Văn Hai - anh cả ông Cường. Người thứ hai là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thôi - vợ đầu của cha ông Cường. Người thứ ba chính là cha ông - Trần Văn Giảng, Anh hùng lao động trong thời kỳ chống Mỹ, anh hùng đầu tiên của ngành văn hóa.
Bà Trần Thị Quý Nga, chị ruột ông Cường (hiện đang là cán bộ Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh - Sở VH-TT&DL Đà Nẵng), kể rằng cha mình lấy vợ đầu là bà Thôi sinh hai người con trai gồm Trần Văn Hai, Trần Văn Ba.
Những năm chiến tranh, vùng cát trắng Hòa Hải (Quảng Nam - Đà Nẵng) là một trong những nơi ác liệt nhất, đặc biệt là giai đoạn 1965 - 1968. Từ nhỏ, hai người con của mẹ Thôi đã tham gia cách mạng. Anh Hai vào du kích địa phương từ năm 14 tuổi, hoạt động an ninh trong Đoàn thanh niên giải phóng.
Năm 1954, ông Giảng rời quê hương tập kết ra Bắc, vợ và hai con ông vẫn bám trụ lại quê hương.
Từ năm 1966, khi chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đi vào giai đoạn ác liệt nhất thì anh Hai được đưa lên Kon Tum gầy dựng cơ sở cách mạng và nắm tình hình chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968.
Trong một lần cải trang thành người bán kem để nắm thông tin thì anh Hai bị phát hiện. Lính chế độ cũ áp giải anh Hai về trụ sở, tra tấn mọi cách. Trong lúc lính canh sơ hở, anh đã rút chốt lựu đạn tự vẫn. Vụ tự vẫn khiến một sĩ quan chế độ cũ chết ngay tại chỗ, người còn lại bị thương nặng. Năm đó anh Hai mới 16 tuổi.
Bà Nga kể rằng cùng năm 1968, cha của bà - ông Trần Văn Giảng - liên tiếp nhận tin hai con trai hy sinh. Không lâu sau khi anh Hai hy sinh tại Kon Tum thì anh Trần Văn Ba cũng vĩnh viễn nằm lại ở tuổi 14 trên chiến trường Hòa Vang (Đà Nẵng).

Những kỷ vật, thành tích của cha anh tại gia đình ông Trần Chí Cường - Ảnh: B.D.
Anh hùng nối tiếp anh hùng
Ông Cường trải lòng rằng sau khi hai con trai mất, vì chiến tranh ác liệt, ngăn trở nên cha của ông ở lại miền Bắc tiếp tục công tác. Sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh trung ương, ông Giảng được phân công về làm đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động 109 Nghệ An.
Ông Cường thuật lại lời cha mình và nói rằng trong giai đoạn cha ông làm việc tại Nghệ An, những người làm nghề chiếu bóng lưu động cũng có một mặt trận dữ dội, khốc liệt không kém người trực tiếp cầm súng. Những thước phim cổ vũ tinh thần cách mạng đến được đồng bào phải đổi bằng xương máu, mạng sống người làm chiếu bóng.
Câu chuyện được kể nhiều nhất của anh hùng ngành điện ảnh Trần Văn Giảng là sáng kiến dùng vải che sáng khi chiếu bóng. Các tài liệu đề cập về ông kể các đơn vị chiếu bóng lưu động luôn phải linh hoạt thay đổi phương thức hoạt động. Có thời điểm chiến tranh ác liệt, các rạp và đội chiếu bóng được lệnh sơ tán, nhưng đội 109 của ông Giảng vẫn kiên trì bám trụ địa bàn.
Vượt qua mưa bom bão đạn, anh em trong đội đã dũng cảm cõng máy, cõng phim đến với từng trận địa trực chiến phòng không tại các trọng điểm ác liệt như cầu Cẩm Bào, cầu Cấm, ga Si, ngã ba Yến Lý...
Ông Trần Văn Giảng đã nghĩ ra sáng kiến dùng 40m vải xanh đen che luồng sáng phát ra từ máy chiếu đến màn ảnh, hay dùng giấy trang kim tuyến phản quang hướng lên trời vào ban ngày để gây nhiễu máy bay Mỹ.
Ông Giảng cũng mày mò nghiên cứu thành công thiết bị phụ trong bộ chế hòa khí của máy nổ Liên Xô để giảm tiêu hao xăng dầu từ 3 lít xuống còn 1,5 lít cho một buổi chiếu bóng. Những sáng kiến của ông lúc đó đã được phổ biến, áp dụng kịp thời cho các đơn vị chiếu bóng trong tỉnh và trở thành kinh nghiệm quý báu cho toàn ngành học tập.
Sau năm 1975, ông Giảng được điều về lại Quảng Nam - Đà Nẵng để tiếp tục làm việc trong ngành văn hóa qua các vị trí khác nhau. Ông qua đời năm 2001.
Căn phòng thờ trong nhà vợ chồng ông Trần Chí Cường có những hàng huy chương, bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến... Tất cả được đính thẳng hàng, trang trọng, được ép khung cẩn thận. Đó không chỉ là kỷ vật, chiến công của những người anh hùng mà tới nay là báu vật răn dạy con cái hãy sống xứng đáng.

Anh hùng Trần Văn Giảng - Ảnh: GĐCC
Cung cấp tiểu sử về cha mình, ông Trần Chí Cường cho biết tại Đại hội Thi đua toàn quốc năm 1967, Đội chiếu bóng lưu động 109 Nghệ An, nơi cha ông làm việc, được mời ra Hà Nội dự lễ tuyên dương.
Trong năm đó, cha ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Quyết định do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, ông Giảng cũng là anh hùng lao động đầu tiên của ngành văn hóa.
Năm 1995, Nhà nước cũng phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Nguyễn Thị Thôi - vợ đầu ông Giảng. Mẹ Thôi cũng mất trong năm này.
Hai năm sau, con trai mẹ - liệt sĩ Trần Văn Hai - được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Trần Văn Ba, con trai thứ hai của mẹ Thôi, được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Nỗi day dứt sau năm 50 đất nước hòa bình
Ông Trần Chí Cường cho biết năm 1968 do chiến tranh, được sự cho phép của tổ chức, cha ông lấy người vợ thứ hai tại Nghệ An và sinh được 5 người con (hiện còn 4). Ông là con thứ hai, đầu là chị cả, sau ông còn có hai em trai. Tất cả tới nay đều có công ăn việc làm, xây dựng cuộc sống ổn định, công tác trong các cơ quan khác nhau.
Lớn lên trong gia đình tận hiến cho đất nước, ông Cường nói các chị em ông luôn nhắc nhở nhau sống thật tốt, đùm bọc yêu thương, phấn đấu tự lo cho cuộc sống của mình trọn vẹn. Duy chỉ một điều khiến các chị em và cả người cha trước khi qua đời vẫn day dứt, đó là tới nay sau 50 năm đất nước hòa bình nhưng chưa thể tìm được hài cốt của anh Hai, anh Ba.
"Những ngày vui chung của đất nước như thế này nhưng vẫn thấy thương vì không biết hai anh tôi đang nằm ở đâu. Gia đình đã đi hết nơi, nhờ đủ kênh, tìm hết phương thức nhưng vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi ước một ngày nào đó đón hai anh về để lo hương khói, lúc đó mới có thể nói là trọn vẹn được" - ông Cường trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận