
Đại úy Nguyễn Xuân Long (thứ 2 từ trái qua), nhạc sĩ Doãn Nho và con trai chỉ huy xe tăng 160 Lê Đức Tuân (bìa phải) - Ảnh: NVCC
"Đời tôi có duyên gặp nhà thơ Hữu Thỉnh hai lần. Lần đầu ở chiến trường khi ông tới thăm xe tăng T34 để ra đời bài thơ rồi bài hát đi cùng năm tháng.
Lần hai là dịp kỷ niệm 50 năm Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, anh em cùng ôm nhau hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng hào hùng mà nước mắt lại rưng rưng".
Bài hát hào hùng mà rưng rưng nước mắt
Bài thơ nhanh chóng được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc, trở thành ca khúc truyền thống của Binh chủng Tăng - Thiết giáp từ năm 1970. "Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng/ Đã lên xe là chung sướng khổ/ Năm anh em mang năm cái tên/ Đã lên xe không còn tên riêng nữa…".
Ông Long tâm sự mỗi lần nghe ca khúc, nhớ chuyện chiến trường thì tay chân lại nổi gai ốc: "Nhà thơ viết đúng quá, ông cũng là lính xe tăng nên hiểu.
Những gì được mô tả trong bài rất đúng chất lính tăng - thiết giáp có đời sống riêng, đặc tính riêng, tình cảm anh em rất gắn kết. Một phát súng tăng bắn ra cả năm người đều có công, phải hợp đồng tác chiến".
Năm 2021, ông Long được mời giao lưu kỷ niệm 50 năm Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, bất ngờ gặp cả nhà thơ Hữu Thỉnh và nhạc sĩ Doãn Nho cùng tới trò chuyện.
"Lần đầu tôi được nghe kể, biết điều gì đã khiến nhà thơ viết nên những dòng thơ đúng đời lính xe tăng đến thế. Chúng tôi đã ôm nhau hát ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng, nhịp thơ hào hùng nhưng ai cũng rưng rưng nước mắt" - ông Long xúc động kể.
Tháng 6-1970, ông Long nhập ngũ rồi được cử đi học lái xe tăng. Tới tháng 12-1970, ông được bổ sung vào xe tăng T34 số hiệu 160. Lúc này, chỉ huy là thượng úy Lê Đức Tuân, người Hà Nội, bạn của nhà thơ Hữu Thỉnh. Những đồng đội khác trong xe là Nguyễn Hùng Gấm, Nguyễn Văn Tỵ (quê Hải Dương và Hưng Yên) và Nông Văn Quang (quê Cao Bằng).
Giọng ông Long chùng xuống: "Anh Tuân mất rồi, các anh Gấm, Tỵ, Quang tôi đều không có liên lạc kể từ ngày chia tay ở chiến trường".
Sau Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, kíp xe tăng 160 biên chế lại, chỉ huy và đồng đội trở ra Quảng Trị tham gia trận Cửa Việt, chỉ còn ông Long ở lại theo xe di chuyển sang Lào. 160 thay chỉ huy, ông Long có đồng đội mới, trong đó có người cùng quê là Nguyễn Bá Năng.
"T34 là loại xe cũ của Liên Xô tặng, được trang bị pháo 76,2mm. Xe có năm chỗ ngồi nhưng không lội được nước.
Để xóa dấu vết xe, 5 giờ sáng chúng tôi phải đào xong hầm sâu 5m, rộng 10m để giấu xe, chỉ còn hở nòng pháo lên. Dưới bụng xe lại phải đào nơi trú ẩn cho cả 5 người, vì lính xe tăng thiếu nên vừa phải bảo vệ xe vừa phải bảo vệ cả lính".
Sau bốn lần đào hầm, xe tăng của ông di chuyển vào rừng, dùng lá cây để ngụy trang. Ông Long nhớ khi vào rừng không phải đào hầm giấu xe, nhưng vì di chuyển liên tục nên phải thay nhau ngủ ngồi. Sinh hoạt trong không gian hẹp nên lính xe tăng như anh em một nhà, khi xe hỏng cùng nhau sửa chữa, khi sốt rét thì thay nhau chăm sóc.

Chỉ huy xe tăng T34 số 160 Lê Đức Tuân (bên phải) - bạn của nhà thơ Hữu Thỉnh - Ảnh: NVCC
Từ núi rừng ra bảo vệ biển đảo
Tháng giêng năm 1971, trước khi vào trận chiến, xe tăng 160 nghỉ một ngày và được đón nhà báo Hữu Thỉnh - bạn của chỉ huy xe Lê Đức Tuân - tới thăm. Ông Long là lính trẻ nhất được giao lo cơm tiếp đãi.
"Tôi nấu canh rau tàu bay nhừ quá, anh Tuân ra lệnh: "Anh em ai có gì lên lấy hết xuống đây để đãi nhà báo". Thế là mấy anh em vui vẻ nhảy vào xe lấy thịt hộp, bột trứng gà ra, vì đây là thức ăn để dành khi vào trận đánh nên được ăn thì vui. Lính trẻ mà" - ông Long vui vẻ kể.
Theo trí nhớ của ông Long, nhà thơ Hữu Thỉnh tới thăm một buổi. Trước khi đi, nhà thơ đã tặng ít bắp cải là của quý hiếm ở chiến trường. Đặc biệt là ông đọc tặng bài thơ khiến cả đội lính tăng ngơ ngác vì quá hay và được làm quá nhanh.
Bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho đội ông tiến vào trận địa. 160 được điều động phục kích ở Sê Pôn, đề phòng đối phương vượt biên giới. Ông Long nhớ xe 160 qua Lào đã cũ, sau đó ông cùng đồng đội giấu trong rừng và đánh dấu để sau này tìm lại.
Tới năm 1974, ông được ra Bắc học, tiếp tục lái tăng bảo vệ biên giới vùng biển ở Lữ đoàn M47, phạm vi hoạt động tới tận quần đảo Trường Sa. Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm đại úy. 43 năm sau, ông có dịp sang Lào, tìm về rừng nơi chiếc xe tăng cất giấu. Người dân cho biết bộ đội Việt Nam đã đưa về nước từ lâu.
Không khó khăn nào làm nhụt chí

Đại úy Nguyễn Xuân Long vẫn mãi tinh thần người lính tăng mạnh mẽ và đoàn kết
"Lính chúng tôi thời đó thương nhau lắm, nhưng vì hoàn cảnh mỗi người một quê nên tới giờ vẫn chưa gặp được nhau.
Nhân đây tôi muốn nhắn tin một lần nữa, các anh ai còn chúng ta hãy thông tin cho nhau, bây giờ liên lạc dễ hơn trước nhiều" - đại úy Nguyễn Xuân Long bồi hồi nhắn gửi.
Theo trí nhớ của ông, trong năm anh em thì ông là người nhỏ tuổi nhất nên hay phải nấu ăn, đồng đội đặt tên là "anh Lê Văn Nuôi". "Anh Gấm pháo thủ 1 là người tình cảm và ít nói, anh Tỵ lái 1 sống vui vẻ hoạt bát, anh Quang cũng là người dễ gần.
Còn chỉ huy Lê Đức Tuân là người nói hay, giàu tình cảm và hay khóc thầm mỗi khi đồng đội bị thương hoặc hy sinh.
Có lần tôi và anh Gấm rủ nhau vào rừng đào măng le, phát hiện dưới hố bom chúng tôi từng lấy nước nấu ăn có chiếc xe của ta trúng đạn, hai chiến sĩ hy sinh. Anh Tuân mắt đẫm nước nói chúng tôi nán lại chôn cất hai đồng đội cẩn thận rồi mới đi tiếp" - ông Long nhớ mãi hình ảnh đó.
Cũng dịp 50 năm, ông Long đã gặp con trai thứ hai của ông Tuân là Lê Đức Hiếu thì được biết sau khi xuất ngũ, ông Tuân chuyển sang làm công an tại Cục Cảnh sát giao thông, sau đó nghỉ hưu năm 1993 với hàm trung tá. Năm 1996, ông công tác ở báo Văn Nghệ tới năm 2005 thì nghỉ hẳn.
Với chế độ chất độc da cam và lương hưu, ông Long đã có chút đồng lương lo cuộc sống. Hiện ông vẫn chưa được thảnh thơi vì bản thân đang phải đấu tranh với bệnh tật, còn vợ thì bị đột quỵ liệt một chân hai năm qua.
Nhưng ông vẫn lạc quan: "Chúng tôi luôn giữ tinh thần người lính tăng - thiết giáp năm xưa, không khó khăn nào làm mình nhụt chí".
"Lính xe tăng chúng tôi phần lớn từ nông thôn đi học tập rồi vào chiến trường, khi trở về ai cũng mất thời gian mới ổn định được công việc và cuộc sống. Có người chật vật để tìm việc, xây dựng lại mối quan hệ vợ chồng và con cái.
Có người phải đi làm thuê đủ việc, có người góp sức xây dựng nông thôn. Tôi may mắn về có chút lương hưu. Nhưng cũng có đồng đội bị mất giấy tờ, vì lý do nào đó mà vẫn không có chế độ gì để an ủi tuổi già" - ông Long trải lòng.
Ông Lê Đức Tuân còn tham gia viết hồi ký Theo vết xích xe tăng cùng đồng đội. Có đoạn ông kể thời làm công an gặp đồng đội sửa xe đạp, xe máy ở vỉa hè bị vi phạm.
Ông mặc cảnh phục định miễn phạt một lần. Nhưng đồng đội ngăn lại, nói: "Mình vi phạm thì mình chịu phạt, lần sau mình sẽ để gọn gàng đúng quy định".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận