
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng độc giả - Ảnh: H.LAM
Là một cây viết nữ nổi bật của văn học đương đại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được nhiều bạn đọc yêu mến với những tựa sách đã đi sâu vào lòng người như: Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Cánh đồng bất tận, Gáy người thì lạnh, Khói trời lộng lẫy, Đảo, Sông, Trôi...
Sau tập truyện ngắn Trôi, chị vừa ra mắt tản văn Tiếng gọi chân trời, tiếp tục viết về sự dịch chuyển của thân phận, xoáy vào những con người bị thôi thúc phải cất bước đi, luôn ngóng về phía chân trời.
Kết thúc một buổi ký tặng sách với hơn 100 độc giả, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ với Tuổi Trẻ những suy nghĩ của chị về văn chương, bạn đọc, thời cuộc và phong cách sáng tác hiện tại.
Ai cũng có khát vọng tự do
* Chị hay đi vào đề tài nổi trôi phận người từ khi bắt đầu viết đến giờ. Đến Tiếng gọi chân trời, việc chọn cái tên này có phải "thân phận con người tuy có sự nổi trôi nhưng giờ đây đã biết có những điểm cố định để bước tới hoặc quay về"?
- À, thật ra chân trời gọi thì cũng là mông lung lắm. Nghe theo nó tôi cũng nghi là nổi trôi tiếp thôi. Nói là "chân trời" cũng là một cách nói, tôi nghĩ đó là tiếng gọi của bản năng sâu thẳm con người, ai cũng có khát vọng tự do, nhưng người kìm nén, khống chế được, kẻ khác lại không.
* Rất nhiều lần trong Tiếng gọi chân trời, các nhân vật trở nên xa lạ với chính mình, xa lạ với người thân khi cuốn theo dòng đời. Điều chị đau đáu nhất khi xây dựng những nhân vật này là gì?
- Cũng có đau đáu mấy đâu (cười). Tôi thường giữ khoảng cách với nhân vật của mình, để nhìn vào họ lạnh lùng nhất có thể. Tôi nghĩ chỉ khi mình lùi đủ xa thì mới nhìn bao quát được hết thảy. Con người trong tác phẩm tôi cũng vậy, họ phải xa họ thì mới nhận ra mình.
* Trong các tác phẩm của chị, miền Tây sông nước hiện lên yên bình nhưng đứng trước thách thức của thiên nhiên, thiên nhiên cũng là hiện thân của một con người?
- Thiên nhiên ở đâu thì cũng ảnh hưởng lớn đến con người, trong tính cách, nếp ăn ở, trong thân phận họ. Một nền nhiệt chỉ nhích lên chút xíu là tác động, tổn thương đến hàng tỉ người. Một tảng băng tan chảy là chìm xuống những vùng đồng bãi.
Tôi cũng do rảnh rỗi nên hay quan sát nắng, mưa, thấy vui buồn của mình ít nhiều liên quan đến chúng nên càng tin con người chỉ là món đồ chơi của thời tiết, tự nhiên.

Hơn 100 độc giả đến gặp Nguyễn Ngọc Tư vào sáng 26-4 tại TP.HCM. - Ảnh: HỒ LAM
Tôi chỉ có một nỗi lo
* Có người cho rằng "Đọc văn của cô Tư sao mà buồn, khổ quá và hơi chùng tâm lý một chút". Chị nghĩ sao?
- Dù tôi không thật sự hay nghĩ về phản ứng của độc giả, nhưng nghĩ nhiều khi vẫn nên "chùng" một chút.
Tôi cho là cũng không ổn lắm nếu lúc nào người ta cũng hưng cảm, hiếu động. Nỗi buồn cũng có vẻ đẹp của nỗi buồn. Nhưng nếu bạn đọc không chịu được sự "chùng" đó thì không sao cả, họ có nhiều lựa chọn khác.
* Ra sách, chị có lo nếu lỡ ít được đón nhận không?
- Tôi chỉ có mỗi nỗi lo là chính mình không trọn lòng yêu thương tác phẩm mà mình vừa hoàn thành đây.
Tình cảm của tôi mới là tối quan trọng, bởi nó quyết định chuyện giữ lửa trong việc viết, giúp tôi có đủ can đảm và kiên nhẫn đi tới cùng. Thật ra thời gian đầu vào nghề viết tôi cũng nghe ngóng, hoang mang rồi nhận ra mình cứ viết thôi, rồi sẽ có chia sẻ, không nhiều thì ít.
Người ở đâu không quan trọng
* Ở giai đoạn đầu sáng tác và đến thời điểm hiện tại, nhà văn Nam Bộ nào mà chị đọc nhiều, yêu thích và thậm chí có sự ảnh hưởng trong chuyện sáng tác nhất?
- Người khác thì không biết sao, tôi thì hơi tự ái khi được gọi là nhà văn của miền này, miền nọ. Cảm thấy vầy là bị rơi vào tình thế bị quây nhốt trong rào. Những nhà văn mà tôi yêu mến, nể phục cũng vậy, tôi không phân biệt miền nào.
Chỉ cần hay, người ở đâu không quan trọng. Và kể cả những nhà văn tôi tình cờ đọc và phát hiện ra họ viết dở, cũng giúp ích tôi. Nếu mình nhìn ra nhược điểm của họ, mình sẽ tìm được cách tránh.
* Ngoài phim, ở sân khấu kịch nói, cải lương đã chuyển thể nhiều tác phẩm của chị. Liệu tương lai có tác giả sân khấu Nguyễn Ngọc Tư không?
- Tôi thấy cái câu "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" của ông bà mình lúc nào cũng đúng. Mảng phim ảnh, sân khấu chắc không phải việc mình giỏi, tôi nghĩ vậy. Tôi tin cái tên tôi quan trọng hơn mọi danh xưng. Nói cho cùng, chúng như vật ngoại thân, đính kèm.
* Trong cuộc sống có phần gấp gáp và vội vã như hiện nay, dưới góc nhìn nhà văn, theo chị, làm sao để xích lại gần thêm một chút và không đánh mất "cái ấm lạnh cơ bản nhất" trong mối quan hệ con người?
- Chắc là phải hạn chế dùng mạng xã hội đi. Một người không dùng mạng xã hội cho hay (cười). Tôi vẫn không hiểu một người cần cả ngàn người bạn trên mạng xã hội để làm gì, trong khi chỉ cần một người bạn thiết thân ngoài đời thực là đã đủ.
Càng không hiểu sao phải chọn phía để "chiến" nhau, trong một sự gì đó chẳng liên quan đến mình, nhân thân mình, nồi cơm của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận