
Giao diện ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) tích hợp chuyển hướng sang ứng dụng VNeID của Bộ Công an - Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết cơ quan này tiếp tục thông báo, lưu ý người lao động về việc cập nhật số căn cước công dân, định danh cá nhân vào hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chậm nhất trước 31-3-2025.
Vì sao phải cập nhật căn cước công dân trước ngày 31-3?
Sau thời gian này, những trường hợp chưa cập nhật căn cước công dân, định danh cá nhân sẽ bị Bảo hiểm xã hội TP.HCM từ chối giải quyết hồ sơ như cấp tờ rời bảo hiểm xã hội, xác định quá trình đóng, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế…
Về ý kiến lo rằng nếu không cập nhật trước ngày 31-3 sẽ bị từ chối giải quyết hồ sơ, ảnh hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế, vị lãnh đạo trên khẳng định cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ, cập nhật tiếp tục số căn cước công dân, định danh cá nhân cho người dân.
Tuy nhiên vẫn khuyến khích người lao động chủ động cập nhật để đảm bảo quyền lợi cá nhân.
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, từ năm 2022, đơn vị đã hướng dẫn cách cập nhật căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân vào hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên nhiều trường hợp chưa cập nhật dữ liệu mới, gây khó khăn trong quá trình cấp sổ bảo hiểm xã hội điện tử và thẻ bảo hiểm y tế điện tử.
Cụ thể, đến ngày 31-1-2025, còn trên 152.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được cập nhật căn cước công dân, định danh cá nhân vào dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành bắt buộc người tham gia phải cập nhật căn cước công dân hoặc định danh cá nhân để đồng bộ dữ liệu, giảm phát sinh khi làm thủ tục…
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã gửi các đơn vị sử dụng lao động, đơn vị/tổ chức quản lý người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức thu bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế để lập hồ sơ điện tử của 608 người lao động.
Hồ sơ 608 người này cần đính kèm thẻ căn cước công dân hoặc thông báo số định danh cá nhân.
Cơ quan bảo hiểm xã hội lưu ý nếu đơn vị hoặc người lao động chịu hoàn toàn trách nhiệm khi bị tạm dừng giải quyết hồ sơ, cấp thẻ, cấp sổ do không cập nhật số căn cước công dân hoặc định danh cá nhân.
Cách kiểm tra số căn cước công dân trên VssID, VNeID
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã phối hợp với Bộ Công an cập nhật, nâng cấp ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) để người dân đăng nhập VssID bằng tài khoản định danh điện tử VNeID.
Để sử dụng tính năng đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VssID, người dùng phải có tài khoản VssID và tài khoản VNeID mức 2.
Người dùng có thể cài phiên bản mới nhất của hai ứng dụng VssID hoặc VNeID qua kho ứng dụng App Store (dành cho thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS) hoặc Google Play (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành Android).

Bước 1: Khi cài đặt xong ứng dụng VssID, người dùng chọn đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử VNeID (khung màu đỏ) góc dưới màn hình.

Bước 2: Sau khi đăng nhập thành công, hệ thống của VssID sẽ điều hướng người dùng sang ứng dụng VNeID. Tại đây người lao động đăng nhập tài khoản định danh điện tử mức 2. Trong hình: Ứng dụng VNeID cần phải được tải xuống hoặc cập nhật trên các kho ứng dụng như App Store hoặc Google Play.

Bước 3: Sau đó, ứng dụng VNeID sẽ điều hướng người dùng về lại VssID để tiếp tục sử dụng. Trong ảnh: Giao diện đăng nhập tài khoản định danh điện tử mức 2

Bước 4: Nếu tài khoản đã hiển thị số căn cước công dân thì không cần cập nhật. Nếu hiển thị số chứng minh nhân dân cũ thì cần thay đổi thông tin.
Để cập nhật căn cước công dân trên máy tính, cần làm theo các bước sau

Bước 1: Truy cập vào Cổngd vụ công Bảo hiểm xã hội và đăng nhập bằng tài khoản VssID.

Bước 2: Xác nhận đăng nhập thành công và tiến hành thay đổi thông tin số căn cước công dân.

Bước 3: Nhập số căn cước công dân mới vào mục thông tin cá nhân và hoàn tất cập nhật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn người dân có thể đọc thêm hướng dẫn, hỗ trợ qua các kênh chính thống như Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/ hoặc trang Facebook có tên Bảo hiểm xã hội Việt Nam gắn tích xanh chính chủ.
Người dân cũng có thể gọi tổng đài 1900.9068 để nhận hỗ trợ của trợ lý ảo thông minh (cước phí nhà cung cấp dịch vụ 1.000 đồng/phút).
Đầu tiên, người lao động gọi đến tổng đài trên bằng số điện thoại đã đăng ký tài khoản VssID và nhấn phím 8. Trợ lý ảo sẽ yêu cầu đọc mã số bảo hiểm xã hội. Sau khi đọc đúng mã số bảo hiểm xã hội, hệ thống sẽ đọc mật khẩu VssID mới, mật khẩu nhắc lại 1 lần.
Trường hợp đọc không đúng mã số, trợ lý ảo sẽ thông báo "số điện thoại và mã số bảo hiểm không khớp hoặc chưa đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội".
Bảo hiểm xã hội cũng hướng dẫn người dân sử dụng chức năng quên mật khẩu trên VssID hoặc trang https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Người dùng phải có địa chỉ email chính xác, đăng ký khi lập tài khoản VssID mới có thể sử dụng.
Trường hợp muốn bổ sung email, phải lập tờ khai theo hướng dẫn của cán bộ tại cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận