TTCT - Thường thì trong chiến tranh, kinh tế các nước tham chiến phải chịu tác động... Thế nhưng, điều này lại hầu như không xảy ra với Nga, như theo lời Thủ tướng Mikhail Mishustin. Ông Mishutin cũng là người đã chèo chống đất nước Nga trong suốt cuộc chiến tranh hiện nay. Dù lạm phát đã tăng, nền kinh tế Nga vẫn xoay xở tiếp tục vận hành tương đối bình thường. Ảnh: ReutersHôm 14-11, tại Trung tâm điều hợp chính phủ ở Matxcơva, ông Mishustin loan báo GDP của Nga trong thời gian từ tháng 1 tới tháng 9 năm nay đã tăng 4,2%. 10 ngày sau, Thứ trưởng Tài chính Vladimir Kolychev đưa ra con số tương tự, kèm giải thích đầy tự hào: "Bất chấp áp lực chưa từng có, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga năm nay cao hơn đáng kể, đôi khi gấp nhiều lần, so với các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt với chúng tôi. Trong ba quý đầu năm, tăng trưởng của chúng tôi đã vượt 4%, trong khi một số quốc gia châu Âu đang gặp phải tình trạng trì trệ".Qua góc nhìn của ông MishustinThủ tướng Nga Mishustin vốn là tiến sĩ kinh tế, với đề tài tốt nghiệp là "Chiến lược hình thành thuế tài sản ở Nga", nền tảng để ông nắm giữ thành công các chức vụ khác nhau trước khi vào năm 2020, ông được Tổng thống Putin đề cử giữ chức thủ tướng liên bang, được Viện Duma Quốc gia chấp thuận với 383 phiếu tán thành, 41 phiếu trắng và không có phiếu chống. Ông Mishustin nhậm chức thủ tướng Nga ngày 15-1-2020, sau khi ông Dmitry Medvedev từ chức. Có thể tóm tắt quan hệ giữa ông và Tổng thống Putin bằng câu trả lời của ông với báo giới ngay sau đó: "Ông Putin không phải là đồng sự của tôi, mà là lãnh đạo của chúng ta".Đánh giá nhiệm kỳ đầu của ông Mishustin, ba nhà phân tích Yana Demeshko, Natasha Yefimova-Trilling và Ingrid Burke Friedman của Trường Harvard Kennedy (Mỹ), phụ trách ban "Vấn đề của nước Nga", đã ca ngợi ông Mishustin là nhà kỹ trị có năng lực cao, người đã giám sát việc tăng gấp đôi (nếu không muốn nói là gấp ba) thu nhập ngân sách khi điều hành cơ quan thuế. Càng đáng nể khi chính phủ của ông đã giúp nước Nga vượt qua áp lực trừng phạt chưa từng có, và điều này cũng trở thành thước đo về sức hấp dẫn công chúng của ông: tỉ lệ tán thành ông Mishustin, theo Trung tâm Levada, đã tăng từ khoảng 50% vào đầu năm 2020 lên hơn 70% tính đến tháng 4-2023.Ông đã tìm thấy lối ra ngay giữa vòng vây của phương Tây: "Việc thay thế đồng đô la và euro trong hoạt động thương mại nước ngoài đã cho phép chúng ta mở rộng hoạt động với các quốc gia thân thiện" (Government.ru, 23-3-2023). Rồi ông chỉ thị dứt khoát: "Mọi thứ có thể làm được ở Nga ngày nay phải được thực hiện ở Nga. Mỗi kopek giá trị gia tăng do bàn tay người Nga tạo ra, theo nghĩa này, là đóng góp cho việc thay thế nhập khẩu và tạo ra chủ quyền công nghệ và kinh tế của đất nước". (Interfax, 4-5-2023). Nhóm các nhà phân tích Mỹ nêu trên đánh giá ông Mishutin một cách hình tượng: "Một nhà kỹ trị thầm lặng, tuân thủ luật lệ và đạt được kết quả" (Russia Matters 11-5-2023).Quan trọng không kém công tác điều hành nền kinh tế chung là các hoạt động kinh tế - hậu cần gắn với chiến tranh, mà như sáo ngữ thường nói về chiến tranh: "Dân nghiệp dư thì bàn chuyện điều binh khiển tướng, dân chuyên nghiệp chỉ nói chuyện hậu cần". Những gì diễn ra ngoài chiến trường được quyết định bởi những gì diễn ra ở hậu phương.Ông Mishutin (trái) là nhà quản lý kinh tế chuyên nghiệp. Ảnh: SputnikTheo nghĩa này, ông Mishustin có vai trò chủ đạo với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ở chỗ: "Cần ca ngợi sự gia tăng gần đây trong sản xuất thiết bị quân sự. Điều này đạt được là nhờ phát hiện kịp thời và loại bỏ toàn bộ một loạt trở ngại về công nghệ trong quy trình sản xuất tại các tổ chức của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và những đối tác…" "Đây đều là những kết quả sơ bộ. Cần phải tiếp tục hành động theo hướng đó, vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngành công nghiệp của chúng ta đang dần đối phó với những thách thức hiện tại và cân bằng tình hình". (Telegram, 27-12-2022).Ba tháng sau, ông tiếp tục chỉ đạo sự bố phòng tổng quát khi chiến tranh bước qua giai đoạn cò cưa: "Hiện nay, nhu cầu về trang thiết bị của lực lượng vũ trang đã tăng lên đáng kể…" "Điều quan trọng là phải tiếp tục xây dựng công sự ở khu vực chiến tuyến mà quân đội chúng ta được triển khai. Hầu hết các công sự đã được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, các công sự mới đang được xây dựng cho lực lượng biên phòng và cũng cần được trang bị". (Government.ru 31-31-2023).Trong một xã hội có chiến tranh, khi một số đông thanh niên nhập ngũ, tất nhiên, gia đình họ không khỏi cảm thấy nhọc nhằn, nhất là khi có những mất mát. Bởi thế, Thủ tướng Mishustin đã đề ra những biện pháp an dân như quỹ nhà nước bảo vệ tổ quốc để hỗ trợ binh sĩ Nga, bao gồm "hỗ trợ toàn diện cho gia đình những người đã hy sinh trong chiến đấu và cựu chiến binh của chiến dịch quân sự đặc biệt..." "Hỗ trợ xã hội, thuốc men và thiết bị y tế thiết yếu, hệ thống phục hồi chức năng kỹ thuật, phiếu mua hàng tại các trung tâm y tế và chăm sóc tại nhà, giáo dục, đào tạo nâng cao và cơ hội việc làm và tư vấn tâm lý". (Government.ru, 5-11-2023).Đám tang một binh sĩ Nga ở Bogoroditsk, ngày 24-3-2024. Ảnh: AFPCái giá thực sự của chiến tranhThắng lợi hôm 21-11 của tên lửa siêu thanh Oreshnik vang dội khắp thế giới, khiến ở đây trầm trồ, ở kia hoảng hốt, khi mà với tốc độ bay của tên lửa này thì London chỉ cách có 19 phút, Pháp 15 phút, Ba Lan 8 phút, theo lời ông Alexey Zhuravlev, phó chủ tịch tiểu ban quốc phòng Viện Duma.Tuy nhiên qua hôm sau 22-11, tờ Financial Express nhìn câu chuyện Oreshnik từ một góc khác. Tờ báo nói việc triển khai tên lửa này cho thấy các khoản đầu tư tài chính và chiến lược mà Nga đang chuyển vào quân đội của mình là tới đâu. Công nghệ tên lửa siêu thanh rất tốn kém, với mỗi tên lửa có chi phí hơn 20 triệu đô la. Duy trì những tiến bộ như vậy trong bối cảnh bị trừng phạt sẽ gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế của Nga.Theo Forbes, Ukraine cũng đang có kế hoạch sản xuất khoảng 3.000 tên lửa hành trình, mà nếu thực hiện sẽ tốn khoảng 3 tỉ USD. Nếu Nga đầu tư cho dự án Oreshnik ở mức tương đương thì đây vẫn chỉ là số lẻ so với chi phí 211 tỉ USD trong hai năm đầu chiến tranh cho việc trang bị, triển khai và duy trì quân đội của Nga ở Ukraine, theo ước tính của Reuters 16-2-2024. (Ngoài ra, Matxcơva đã mất thêm hơn 10 tỉ USD do các giao dịch mua vũ khí Nga bị hủy hoặc hoãn). Tuy nhiên, đó mới là chi phí trực tiếp, nếu tính tổng thiệt hại kinh tế dự kiến tới 2026 thì sẽ vào khoảng 1.300 tỉ USD, cũng theo Reuters.Trong cách nhìn tương tự, Renaud Foucart, giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Lancaster, chỉ ra tình hình kinh tế tồi tệ mà Nga phải đối mặt khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc năm thứ hai. Ảnh: NewsweekTheo đó, nền kinh tế Nga hiện hoàn toàn bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine: "Tiền lương cho quân đội, đạn dược, xe tăng, máy bay và tiền bồi thường cho những người lính tử trận và bị thương, tất cả đều góp phần vào số liệu GDP. Nói một cách đơn giản, cuộc chiến ở Ukraine hiện là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga". Trong khi GDP của Nga tăng lên như đã nói, phần lớn tăng trưởng được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự khổng lồ. Điện Kremlin sẽ chi số tiền kỷ lục 36.600 tỉ rúp, tương đương 386 tỉ đô la, cho quốc phòng trong năm nay, theo ông Foucart.■ Đầu tháng 5 năm nay, hết nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, ông Putin ra tái tranh cử và đắc cử, ông Mishustin được tái bổ nhiệm thủ tướng. Hôm 10-5 năm nay, ông Mishustin ra điều trần trước Viện Duma Quốc gia, trong đó ông liệt kê ra những lĩnh vực ưu tiên: "Ưu tiên đầu tiên là phát triển và củng cố nền kinh tế. Thứ hai là đảm bảo chủ quyền công nghệ. Thứ ba là chuyển đổi số. Thứ tư là bảo tồn dân số và hỗ trợ các gia đình có con. Thứ năm là cải thiện đời sống cho công dân. Thứ sáu là cân bằng sự phát triển của các khu vực và cơ sở hạ tầng trên toàn quốc". Ông cũng có mục tiêu rõ ràng: "Tổng thống đã đặt ra mục tiêu nghiêm túc là nước Nga phải gia nhập bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mua tương đương vào năm 2030". Mới hôm 21-11 vừa qua, Viện Duma Nga đã thông qua ngân sách liên bang 2025 và dự thảo ngân sách 2026-2027. Năm 2025 là 40.296 tỉ rúp (tương đương 18,8% GDP), năm 2026 là 41.841 tỉ rúp (18,1% GDP), và năm 2027 là 43.154 tỉ rúp (17,4% GDP) - Interfax 21-11 đưa tin. Cũng theo hãng tin Nga này, tỉ lệ lạm phát dự báo trong năm 2025 sẽ là 4,5%, và trong hai năm 2026 - 2027 sẽ là 4%. Tags: Nền kinh tếMishustinNước NgaPutinChiến tranh
Tin tức thế giới ngày 23-1: Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt Nga, tàu ngầm gãy đôi ở Tây Ban Nha DUY LINH 23/01/2025 Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt nếu Nga không đạt thỏa thuận với Ukraine; Pháp và Đức bàn cách đối phó thuế quan dưới thời ông Trump; Tàu ngầm gãy đôi ngoài khơi Tây Ban Nha là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 23-1.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Tin tức sáng 23-1: Sẵn sàng nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết và các lễ hội TUỔI TRẺ ONLINE 23/01/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Bình Phước xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dịp sát Tết; Nam Định duy trì 5 vòng đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn Đền Trần; Thêm công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...