TTCT - Những phát biểu qua lại giữa hai ông Emmanuel Macron và Vladimir Putin liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine che đậy nỗi bực dọc lớn hơn nhiều của ông chủ Điện Elsyée: Nga lấn lướt Pháp ở châu Phi. Ảnh: NewsweekAnatolia Agency (AA), hãng tin của Thổ Nhĩ Kỳ loan tin: "Thủ lĩnh của phe đảo chánh quân sự ở Niger, Abdourahamane Tchiani, hôm 26-3 điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin... trao đổi về nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh để đối phó với các mối đe dọa hiện tại". Trong khi đó, website của Bộ Ngoại giao Pháp vẫn là mẩu thông báo "Tình hình an ninh ở Niger" từ ngày 3-2, theo đó "đại sứ quán Pháp tại Niamey đóng cửa cho đến khi có lệnh mới".Pháp và cuộc đảo chánh ở NigerCâu chuyện về sự sa sút của thế lực Pháp tại châu Phi lộ rõ qua vụ chính biến ngày 26-7-2023 ở Niger khi quân đội nước này lật đổ tổng thống được bầu cử Mohamed Bazoum. Thay thế là tướng Tchiani, người trước đó chỉ huy lực lượng phòng vệ phủ tổng thống, tức thủ hạ lẽ ra là tin cậy nhất của ông tổng thống bị lật đổ. Nhóm tướng tá đảo chánh tuyên cáo thành lập Hội đồng Bảo vệ quốc gia (CNSP) và động thái đầu tiên của CNSP là tống giam ông Bazoum.Ngay ngày 26-7 đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố: "Nước Pháp quan ngại trước những sự kiện hiện tại ở Niger và đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình. Nước Pháp lên án mạnh mẽ mọi nỗ lực nhằm giành quyền lực bằng vũ lực, và tham gia lời kêu gọi của Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) nhằm khôi phục sự vẹn toàn của các thể chế dân chủ ở Niger".Tuyên bố tiếp theo của Bộ Ngoại giao Pháp đề ngày 28-7: "Tổng thống Mohamed Bazoum, được người dân Niger bầu cử một cách dân chủ, là tổng thống duy nhất của Cộng hòa Niger. Nước Pháp không công nhận chính quyền do cuộc đảo chính của tướng Tchiani lãnh đạo". Qua hôm sau, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố về các biện pháp với phe đảo chánh: "Pháp đình chỉ, có hiệu lực ngay lập tức, tất cả hoạt động viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách ở Niger". Được biết, viện trợ phát triển của Pháp cho Niger là 120 triệu euro trong năm 2022, và dự kiến sẽ cao hơn một chút vào năm 2023.Đúng hôm thứ sáu 28-7 đó, Tổng thống Pháp Macron, đang công du ở Papua New Guinea, đã lên án "một cách kiên quyết nhất cuộc đảo chính quân sự hoàn toàn bất hợp pháp và cực kỳ nguy hiểm với người dân Niger, đất nước Niger và toàn bộ khu vực". Ông cũng kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự hiến pháp (Le Monde 29-7-2023). Trước cuộc đảo chánh, Pháp cũng đang duy trì lực lượng 1.500 binh sĩ tại Niger với sứ mạng chống khủng bố Hồi giáo.Vấn đề là Pháp khá đơn độc, nếu xét những hoạt động ngoại giao thực tế. Đảo chánh Niger nổ ra hôm 26-7, song đến ngày 17-8, tức ba tuần sau, trong cuộc họp báo hằng ngày ở Bộ Ngoại giao Pháp, một ký giả đã hỏi: "Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến thăm Niamey và một đại sứ mới của Mỹ sẽ được cử đến đó. Quan điểm của Paris và Washington có khác nhau về vấn đề khôi phục chức vụ cho Tổng thống Bazoum bằng bất kỳ biện pháp nào không? Và nếu Mỹ có ý định giữ lại các căn cứ quân sự của họ, liệu Pháp có làm tương tự không?". Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp đã chỉ có thể trả lời ú ớ "cho có": "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với đối tác Mỹ, vốn chia sẻ mục tiêu chung với chúng tôi là tái lập trật tự hiến pháp và dân chủ ở Niger", kèm theo một chút quạu cọ: "Còn về việc bổ nhiệm đại sứ tại Niger, chúng tôi sẽ giới thiệu bạn với chính quyền Mỹ".Tất nhiên, phe đảo chánh đâu có nghe lời Paris. Một trong những động tác đầu tiên của chính quyền mới là tuyên bố đại sứ Pháp Sylvain Itté là người không được chào đón ở Niger. Tờ Jeune Afrique của châu Phi nói tiếng Pháp hôm 26-9-2023 mô tả giờ phút cuối của ông Itté ở Niamey: "Không còn các khẩu phần tác chiến, chính quyền tịch thu bánh sừng bò, thậm chí cả gà giấu dưới mui xe ô tô. Trong vài giờ nữa, Sylvain Itté, đại diện của Pháp tại Niger, sẽ rời đại sứ quán Niamey nơi ông sống ẩn dật kể từ khi những người đảo chánh tuyên bố ông là người không được hoan nghênh vào hôm 26-8". "Nhiệm vụ bất khả thi này kết thúc với quyết định của ông Emmanuel Macron vào ngày 24-9 sau hai tháng bế tắc giữa Paris và Niamey. Pháp đã quyết định triệu hồi đại sứ. Trong những giờ tới, ông Itté sẽ trở lại Pháp cùng một số nhà ngoại giao".Ba tháng sau, hai ngày trước Vọng Giáng sinh, Pháp rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Niger sau khi đã hiện diện ở đây 10 năm. Truyền hình TV5 của Pháp ngậm ngùi: "Quân đội Pháp rời Niger, sau Mali và Burkina Faso. Những người lính Pháp cuối cùng được triển khai ở Niger đã rời khỏi đây vào sáng thứ sáu 22-12. Ngày này đánh dấu cuộc ly hôn giữa Paris và chế độ quân sự Niamey, đồng thời chấm dứt hơn 10 năm đấu tranh chống thánh chiến của Pháp ở Sahel".Ảnh: The North Africa PostPháp dạt ra, Nga bước vôNhật báo Le Monde 22-12-2023 còn nêu một lý giải nữa cho sự ra đi của Pháp: "Thay thế Pháp, người Nga tiến vào Sahel, đáng chú ý là thông qua nhóm bán quân sự Wagner, ngoài ra còn có cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thay đổi ngoại giao này rất sâu sắc".Thiệt ra, người Nga đã bước vô châu Phi sớm hơn. Một phúc trình của Viện Nghiên cứu phát triển chính trị Đức (Deutsches Institut für Entwicklungspolitik, DIE) nêu ra rằng từ năm 2014 cho thấy Nga đã gia tăng đáng kể sự can dự vào châu Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi lúc đó chấp nhận điều này do mối lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển thống trị của Trung Quốc và sự thoái lui của Mỹ, nên họ muốn đa dạng hóa các đối tác thương mại và an ninh. Nga có một lợi thế "bẩm sinh" là di sản của sự hỗ trợ chống thực dân và các phong trào giải phóng của Liên Xô cũ.Đây là lợi thế so sánh của tính chính danh mà phía Nga luôn có thể dựa vào mỗi khi muốn đáp trả hay tấn công phương Tây. Đầu tháng 2-2023, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nói rằng Pháp vẫn tiếp tục đối xử với các nước châu Phi "từ quan điểm quá khứ thuộc địa của họ". Câu chuyện liên quan đến việc một vài nước châu Phi thân Pháp muốn bang giao với Nga song bị kỳ đà cản mũi.Bà Zakharova nói thêm rằng nếu các nước châu Phi thấy cần thiết phải phát triển quan hệ với Nga thì điều đó "không liên quan gì đến Macron, Điện Elysée và Pháp. Chế độ thực dân Pháp ở lục địa châu Phi đã chấm dứt. Thời đại mà các nước châu Phi phải hỏi ai đó, đặc biệt là Pháp, trước khi đưa ra quyết định về chủ quyền đã chấm dứt", Hãng tin AA thuật lại.Nga còn có một lợi thế bản chất khác tối quan trọng: Họ không "xét giấy" về dân chủ, nhân quyền hay minh bạch khi bán vũ khí. Tính đến mùa thu năm 2019, Nga đã kết thúc thỏa thuận hợp tác với 21 nước châu Phi và đang đàm phán về việc thành lập các căn cứ quân sự ở một số quốc gia: kết quả Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho lục địa này, theo phúc trình của DIE.Cũng theo đó, nhìn chung chiến lược của Nga ở châu Phi là kết hợp giữa bán vũ khí, hỗ trợ chính trị cho các chế độ độc tài và hợp tác an ninh để đổi lấy quyền khai thác mỏ, cơ hội kinh doanh và hoạt động ngoại giao ủng hộ các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga. Sự hỗ trợ của các đồng minh châu Phi đặc biệt quan trọng với Nga tại Liên Hiệp Quốc, khi các nước châu Phi chiếm 1/4 tổng số phiếu bầu tại Đại hội đồng.Ảnh: TFI GlobalThành ra, đừng thắc mắc tại sao trong cuộc xuống đường ủng hộ đảo chính ở Niamey hôm 30-7-2023, nhiều người dân Niger hô vang tên tổng thống Nga và mạnh mẽ tố cáo cựu cường quốc thuộc địa Pháp, trên tay cầm những tấm biển ghi: "Đả đảo nước Pháp, Putin muôn năm". Vào thời điểm đó, tập đoàn lính đánh thuê Nga Wagner đang hoạt động ở nước láng giềng Mali. Ông trùm Yevgeny Prigozhin vẫn còn sống và đã có mặt ở nhiều nước châu Phi.Cuối tháng 2-2023, Tổ chức Hòa bình Carnegie công bố nghiên cứu có đoạn: "Bất chấp cuộc tỉ thí quân sự ở Ukraine, trong năm qua, Nga đã tăng gấp đôi tập chú vào khu vực Sahel". "Thông qua nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner, Matxcơva đang thâm nhập vào các quốc gia như Mali và Burkina Faso, đồng thời lợi dụng những sai lầm trong chính sách của phương Tây, tình cảm chống châu Âu ngày càng gia tăng và những thất bại lâu dài của các chủ thể quốc tế và địa phương trong việc giải quyết nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn trong khu vực".■ Sahel là khu vực rộng đến hơn 3 triệu km2 bao gồm hơn chục nước châu Phi kéo dài từ tây sang đông lục địa ở phía nam sa mạc Sahara. Pháp rút quân khỏi Niger đồng nghĩa với kết thúc một thời đại của nước Pháp ở đây. Nhật báo Le Monde - tờ báo chính luận hàng đầu nước Pháp - 22-12-2023 chạy tít não lòng: "Nước Pháp đã bị đuổi khỏi Sahel như thế nào?" và đưa ra một số giải thích:(1) Sự hiện diện quân sự của Pháp bị người dân ở khu vực châu Phi này lên án. Trong khoảng thời gian 10 năm họ hiện diện, hết cuộc đảo chính này đến cuộc đảo chính khác nổ ra, hậu quả là Pháp buộc phải "cuốn gói" khỏi Sahel, từ Mali, Burkina Faso, và giờ là Niger.(2) Nước Pháp không chỉ bị khước từ về mặt quân sự, mà còn cả về chính trị và kinh tế. Trọng tâm của những bất bình chống Pháp là đồng franc CFA sử dụng ở các nước Trung Phi và biểu tượng chủ nghĩa thực dân mới của nó, một sự phát triển chính sách viện trợ được coi là mang tính gia trưởng. Tags: Châu PhiTổng thống Nga Vladimir PutinSa mạc SaharaLiên Xô cũThực dân Pháp
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.