
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: WSJ
Theo báo Ukrainska Pravada, ông Stubb tiết lộ thông tin trên trong cuộc họp báo ở London vào ngày 30-3. Ông Stubb vừa có cuộc gặp và chơi golf cùng Tổng thống Donald Trump tại Mỹ vào ngày 29-3.
Kỳ vọng ngừng bắn toàn diện vô điều kiện vào 20-4
Nhà lãnh đạo Phần Lan nói thêm nước này coi 20-4 là ngày thích hợp để thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện vô điều kiện.
"Tại sao lại là ngày 20-4? Bởi vì chúng ta cần một thời hạn. Bởi vì ngày đó ngay lễ Phục sinh. Và bởi vì ngày đó sẽ tròn 3 tháng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức" - Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb giải thích.
Ông tuyên bố nếu Nga không đồng ý ngừng bắn hoặc vi phạm lệnh ngừng bắn, sẽ cần có một cơ chế trừng phạt mạnh mẽ. Ông Stubb tiết lộ các lệnh trừng phạt như vậy đang được chuẩn bị tại Mỹ.
"Chúng tôi cũng đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Trump và thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người thiết kế gói trừng phạt. Ông ấy sẽ sớm trình bày nó, với sự ủng hộ của 50 thượng nghị sĩ tại Mỹ" - nhà lãnh đạo Phần Lan thông tin.
Tổng thống Phần Lan cho rằng sự kiên nhẫn của ông Trump đang dần cạn kiệt.
"Ông ấy đang rất mất kiên nhẫn với những hành động của Nga, với việc trì hoãn lệnh ngừng bắn. Tôi đã cố gắng giải thích rằng đây là hành vi điển hình của Nga. Đầu tiên là đồng ý về một điều gì đó, sau đó họ sẽ quay lại với các điều kiện mới" - ông nói.
Áp lực lên Nga tăng nếu ông Trump dùng "thuế quan thứ cấp"
Ngày 30-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông "rất tức giận" khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra những bình luận về mức độ tín nhiệm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nói khả năng có chính quyền mới ở Ukraine, theo Đài NBC News.
Điều này đánh dấu sự thay đổi đột ngột về giọng điệu của ông Trump trong lúc Washington tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, giữa bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng ông Trump quá mềm mỏng với Nga vốn đã khước từ đề xuất ngừng bắn do Mỹ - Ukraine đưa ra.
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt đổ máu ở Ukraine và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp dụng thuế quan thứ cấp đối với dầu mỏ, cũng như đối với tất cả dầu xuất khẩu từ Nga. Nếu các vị mua dầu từ Nga, các vị không thể làm ăn tại Mỹ. Sẽ có mức thuế 25% đối với tất cả dầu mỏ, và mức thuế cũng có thể 25 - 50%" - ông Trump nói với NBC News.
Cựu tổng thống Joe Biden đã cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga ngay sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022. Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho biết Washington đã không nhập khẩu bất kỳ thùng dầu thô nào của Nga kể từ tháng 4-2022.
Như vậy, lúc này nếu Mỹ áp thuế quan cao với dầu mỏ từ Nga thì có vẻ không còn tác dụng. Nhưng với việc sử dụng "thuế quan thứ cấp", câu chuyện sẽ khác.
Ông Trump trước đây gọi "thuế quan thứ cấp" là thuế đánh vào hàng nhập khẩu của những nước mua sản phẩm từ quốc gia mà ông nhắm đến trong chính sách đối ngoại của mình.
Có một chi tiết đáng chú ý là ông Trump tuần trước công bố sắc lệnh bất kỳ quốc gia nào mua dầu khí từ Venezuela sẽ chịu thuế nhập khẩu 25% khi bán hàng vào Mỹ.
Những phát biểu của ông Trump trên NBC News cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có thể thực hiện hành động tương tự đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia mua dầu từ Nga. Động thái này có thể gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Trung Quốc và Ấn Độ (hai khách hàng hàng đầu của Matxcơva).
Và khi đó nếu Trung Quốc cũng như Ấn Độ quay lưng với dầu mỏ Nga, Nga sẽ đối diện áp lực lớn hơn vì dầu mỏ vốn được cho là huyết mạch với nền kinh tế Nga.
Ấn Độ đã vượt mặt Trung Quốc trở thành nước mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga. Dầu thô Nga chiếm khoảng 35% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ vào năm 2024.
Nga chưa phản ứng ngay với lời đe dọa của ông Trump. Trước đây Nga đã gọi nhiều lệnh trừng phạt và biện pháp hạn chế của phương Tây là "bất hợp pháp", được thiết kế để phương Tây tận dụng lợi thế kinh tế trong cuộc đối đầu với Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận