27/07/2025 10:34 GMT+7

Nâng tầm cán bộ xã để vận hành bộ máy thông suốt

Lãnh đạo Bộ Nội vụ, các địa phương và chuyên gia đều nhấn mạnh việc tập trung xây dựng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường (gọi chung là cấp xã) là yêu cầu rất quan trọng khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

cán bộ cấp xã - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công phường Bình Hưng Hòa, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Lãnh đạo nhiều Sở Nội vụ tỉnh thành thừa nhận đâu đó vẫn còn sự lúng túng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khi đảm nhiệm khối lượng công việc mới. Từ đó, các ý kiến đều đề xuất cần sớm nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã để mô hình chính quyền 2 cấp vận hành thông suốt.

Một số cán bộ cấp xã còn lúng túng

Nêu ý kiến tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Nội vụ vừa tổ chức, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Phan Văn Bình cho hay hiện nay cán bộ cấp xã trên địa bàn còn rất thiếu ở các vị trí như tài chính, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng... Một số cán bộ từ cấp huyện điều động về xã chưa được đào tạo chuyên môn phù hợp.

Ông Bình nhấn mạnh yếu tố cốt lõi để chính quyền cơ sở vận hành hiệu lực, hiệu quả là con người. Tuy nhiên có tình trạng không đồng đều giữa các khối Đảng, chính quyền, Mặt trận... Ông dẫn chứng có cán bộ từ khối Đảng chuyển sang chính quyền gặp nhiều khó khăn, không điều hành được công việc.

Theo ông Bình hiện Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch tập huấn theo từng chức danh cụ thể. Song đề nghị Bộ Nội vụ sớm có chương trình đào tạo sát thực tế. Ông nhấn mạnh việc phải đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, cán bộ mới làm được. Nếu chỉ học lý luận chung chung sẽ rất khó triển khai. "Bây giờ mới là lúc tổ chức bộ máy hiệu quả. Cốt lõi vẫn là con người. Vì vậy, cần sớm nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã để mô hình chính quyền 2 cấp vận hành thuận lợi hơn", ông Bình nêu.

Lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh Nghệ An, Lâm Đồng... cũng nêu việc nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc cấp huyện, nay được phân cấp về cấp xã, nhưng đội ngũ công chức xã mới chưa được đào tạo bài bản nên gặp nhiều lúng túng trong xử lý.

Còn Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cũng nêu một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ ngay. Như hiện nay, nhiều phòng chuyên môn của xã, phường của Hà Nội có khối lượng công việc rất lớn, quá tải. Như phòng kinh tế - hạ tầng và đô thị phụ trách cả lĩnh vực tài chính - kế hoạch; xây dựng và công thương; nông nghiệp và môi trường dẫn đến quá tải, áp lực cho trưởng phòng và công chức thực thi nhiệm vụ.

Từ đó, đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu cho phép Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đặc thù, có quy mô lớn được thành lập thêm một phòng chuyên môn tại cấp xã, vừa giảm áp lực cho địa phương vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Lãnh đạo một số sở cũng đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành hướng dẫn xét tuyển, sát hạch để bổ sung công chức từ nguồn người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đội viên, thanh niên trí thức trẻ có hợp đồng.

cán bộ cấp xã - Ảnh 2.

Cán bộ Phòng kinh tế, hạ tầng và đô thị hướng dẫn tận tình cho người dân các thủ tục đăng ký kinh doanh sau khi sáp nhập phường tại phường Bình Lợi Trung, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP

Bổ sung cán bộ chuyên trách cho cấp xã

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công chức cấp xã có năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm là nhiệm vụ then chốt, cấp thiết. Để giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bà Trà đề nghị trước mắt các địa phương tạm thời tăng cường, bổ sung cán bộ chuyên ngành, đặc biệt là các vị trí chuyên sâu đang thiếu hụt.

Đồng thời, địa phương phải khẩn trương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ cấp xã một cách công khai, dân chủ, đúng quy định. Trên cơ sở đó sắp xếp lại cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn với việc giữ chân người có năng lực. Bà Trà lưu ý nếu không kịp thời ban hành chính sách phù hợp, đội ngũ cán bộ sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Vì vậy, Bộ Nội vụ dự kiến sớm ban hành nghị định mới, trong đó áp dụng hệ thống KPI để đánh giá cán bộ, công chức. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá phải xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Cùng với đó, bà Trà cho rằng công tác tư tưởng, động viên, bố trí nơi ăn ở ổn định cho cán bộ khi chuyển về trung tâm hành chính mới cũng phải được quan tâm đúng mức. Các địa phương cần chủ động tham mưu chính sách phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng cấp chính quyền. Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các đơn vị liên quan để xác định biên chế hợp lý trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quy mô dân số, diện tích, địa lý và đặc thù từng nơi.

Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho hay hiện nay nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng thiếu cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực như kế toán, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng. Nguyên nhân là do trước đây cán bộ cấp xã chủ yếu đảm nhiệm các công việc hành chính, ít được đào tạo bài bản.

Ông nói Bộ Nội vụ đề xuất các địa phương áp dụng một số giải pháp như luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh về xã để hỗ trợ trực tiếp, tổ chức đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch tập huấn. Đối với lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ thông tin, có thể ký hợp đồng để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc.

Theo ông Dũng, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng quy định thay thế nghị định 62/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức theo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2025. Trong đó sẽ trao quyền chủ động hơn cho các địa phương trong sử dụng, quản lý công chức phù hợp với thực tiễn. Trong thời gian chờ quy định mới, các địa phương vẫn căn cứ vào nghị định 62, thông tư 12 và các hướng dẫn chuyên ngành để thực hiện.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM (phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM):

Kịp thời nắm bắt khó khăn để tháo gỡ

Việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp còn gặp khó khăn trong tổ chức, nhân sự. TP.HCM mới có diện tích rộng hơn, cán bộ, công chức phải đi làm xa, nhưng trụ sở ở một số nơi chưa đảm bảo, dẫn đến tâm lý lo lắng. Việc phân công nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự đồng bộ, có nơi xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ nhân sự.

Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý rộng hơn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng số để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tham mưu đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế.

Đây cũng là một thách thức lớn với TP có số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông và địa bàn rộng, có một số địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, xã đảo nơi điều kiện triển khai còn hạn chế.

Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Hoàn thành cơ bản phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách theo lộ trình. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn để xem xét, giải quyết cho phù hợp.

TS NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):

Đảm bảo chất lượng đầu vào gắn với sàng lọc

Khi bộ máy chính quyền địa phương còn 2 cấp thì cấp xã, phường, đặc khu có vai trò rất quan trọng. Không chỉ là cấp gần dân, sát với dân nhất mà từ nay còn đảm đương chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền lớn hơn rất nhiều.

Bao gồm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của cấp xã trước đây, cộng với chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về với hầu hết các lĩnh vực y tế, giáo dục, các dịch vụ công, cùng nhiều nội dung mới như thẩm quyền cấp "sổ đỏ" lần đầu hay chủ tịch UBND cấp xã còn được bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng... Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đòi hỏi phải có chất lượng.

Còn trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc này, Trung ương, các bộ, ngành sẽ luôn lắng nghe để tập trung tháo gỡ, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cấp xã vẫn là quan trọng nhất. Không chỉ bảo đảm chất lượng đầu vào, mà trong quá trình vận hành các xã, phường, đặc khu mới, các tỉnh, thành phố cần không ngừng đánh giá, sàng lọc, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

Nâng tầm cán bộ xã để vận hành bộ máy thông suốt - Ảnh 3.Hơn 200 cán bộ ở Cần Thơ tự nguyện về xã, phường công tác

Cán bộ cấp thành phố tự nguyện về công tác tại các vị trí đang khuyết, thiếu nhằm giúp xã, phường hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên