TTCT - Khi Tổng thống Donald Trump đột ngột tuyên bố sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Syria ngày 20-12, nhiều người mới biết Hoa Kỳ hiện có 2.000 quân tại đó. Tuyên bố rút hết quân Mỹ ở Syria của ông Trump khiến chính Lầu Năm Góc cũng bất ngờ.-Ảnh: Atlantic Sentinel Số binh sĩ tại đây, cũng như tại Phi châu, hiện diện nửa kín nửa hở và là thành phần lực lượng đặc biệt không tham chiến trực tiếp, mà hỗ trợ các lực lượng địa phương bằng tình báo vệ tinh và điện tử, sử dụng máy bay không người lái và phi pháo, hải pháo của Hoa Kỳ cũng như trang bị và huấn luyện vũ khí cho họ. Tại miền bắc Syria, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và miền nam, biên giới Iraq, yểm trợ phương tiện kỹ thuật và hỏa pháo này đã giúp chiếm lại các khu vực do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát và bẻ gãy phong trào này vào lúc nó dũng mãnh nhất. Nhị thức kiểu Mỹ Nhị thức tay súng địa phương và yểm trợ Hoa Kỳ vừa hữu hiệu, vừa đáp ứng đúng nhu cầu đôi bên trong cuộc chiến chống IS. Hoa Kỳ tiết kiệm máu và các lực lượng địa phương giữ được độc lập của họ. Đây là phương thức từng thành công trong giai đoạn lật đổ chính quyền Taliban tại Afghanistan (2001). Nó cho phép Hoa Kỳ đứng cạnh những “đồng minh thời vụ” và khác biệt như chí nguyện quân Hồi giáo Shia (tại Iraq), hay các lực lượng giải phóng quốc gia dân tộc Kurd (tại Iraq và Syria). Chí nguyện quân Shia tại Iraq là thành phần thân Iran, tức kẻ thù của Mỹ và lực lượng này có thời bị Mỹ coi là khủng bố. Tại Syria, Hoa Kỳ yểm trợ phong trào dân quân YPG (chiến binh nam) - YPJ (chiến binh nữ), một phong trào dân tộc Kurd theo ý thức hệ chủ nghĩa Marx và là chi nhánh của phong trào giải phóng PKK của dân tộc Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên khối NATO và đồng minh của Hoa Kỳ. Trong khi phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ từ căn cứ Incirlik cất cánh đi đánh bom quân “khủng bố” PKK thì phi cơ Mỹ cũng ở Incirlik cất cánh đi yểm trợ “chi nhánh” của PKK (YPG-YPJ) bên kia biên giới tại Syria, giúp họ đánh “khủng bố” IS. Từ những quan hệ khúc mắc này, chỉ rút ra một điều giản dị: những ai không được thích nữa hay chưa được thích thì đều bị gọi là “khủng bố”. Tình hình rối loạn tại Syria từ năm 2011 khiến nước này trở thành sân “bóng đá quốc tế” với các đội Hoa Kỳ, Nga, Iran, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ tranh tài. Phía Syria có chính quyền Assad và quân đội quốc gia đối nghịch với vài trăm phong trào và lực lượng nổi loạn, kẻ chiếm ba làng, người giữ một góc phố. Thành phần này hết sức phức tạp, từ bạn cũ của tổng thống đến chú ruột của ông và đủ loại chiều hướng Hồi giáo, từ ôn hòa, cải cách đến Anh em Hồi giáo, Al Qaeda, IS, cộng với các sứ quân địa phương, đơn vị của quân nhân ly khai hàng ngũ quốc gia (Quân đội Syria tự do, FSA). Ta có thêm các giáo phái Kitô hay Druze và dân tộc ít người, trong đó thành phần dân tộc Kurd là thành phần tổ chức và đoàn kết nhất, sinh sống ở miền bắc giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng Rojava. Bên kia biên giới, trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là khu vực cư dân của dân tộc này, đang đòi tự trị hoặc ôm giấc mơ của một quốc gia người Kurd độc lập, trên lãnh thổ hiện nay của bốn nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria. Cơ hội của người Kurd Nếu biến loạn tại Iraq đã cho phép người Kurd nắm lấy thời cơ quản lý một khu vực hoàn toàn tự trị, thì tại Syria giờ cũng thế. Về chính trị, phong trào này tại Syria là anh em hay “chi nhánh địa phương” của PKK, phong trào giải phóng dân tộc võ trang Mác-xít ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014 IS ra đời tại Iraq, mang một hoài bão khác: thống nhất Iraq - Syria - Lebanon - Palestine - Jordan dưới chế độ Hồi giáo cổ truyền như thời xa xưa. Phong trào này như bão, với 1.500 quân trong 6 ngày đuổi 60.000 quân chính phủ ra khỏi Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq. Họ lan ra khắp nơi, đe dọa chính quyền trung ương ở Baghdad và chiếm 1/2 diện tích của Syria. Tháng 9-2014, quân IS dừng lại trước một thị trấn nhỏ bắc Syria giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ là Kobani. Thổ Nhĩ Kỳ án binh đứng nhìn ở bên kia biên giới vì ưu tiên của họ không phải là IS, mà là sắc tộc Kurd. Quân trang, tiếp tế và chiến binh IS được Thổ Nhĩ Kỳ ngoảnh mặt làm ngơ cho qua biên giới, trong khi người Kurd bị họ ngăn chặn. Với Hoa Kỳ, tuy là đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ưu tiên của họ là IS đang đe dọa chế độ Iraq do họ dựng lên và đe dọa trật tự trong khu vực. Hỏa lực Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác với Rojava để giữ Kobani và giúp các lực lượng này phản công, tái chiếm dần hành lang ra phía biển. Trước đây, Hoa Kỳ từng có tham vọng dựng một lực lượng thân Mỹ do chính họ tuyển chọn, huấn luyện và trang bị, gọi là “Sư đoàn 30”. Sau khi chương trình này tốn 500 triệu USD chính thức (trong ngân quỹ khoảng 1 tỉ USD cho Syria của CIA), sư đoàn nhỏ nhất thế giới với 54 quân nhân được đưa về. Đụng trận một lần thôi, sư đoàn này biến mất hoàn toàn, Lầu Năm Góc khi điều trần trước Quốc hội cho biết vì xâm nhập vào dịp lễ nên họ về quê ăn tết và may ra còn liên lạc được “vài người”. Vì vậy nên không thể dùng sư đoàn 30 “lừng lẫy” trên, mà phải dựa vào lực lượng YPG-YPJ của Rojava. Rojava được truyền thông quốc tế để ý phụ nữ của họ cầm súng hữu hiệu ngăn được IS, nhưng phong trào dân tộc này là một thử nghiệm xã hội về bình đẳng nam nữ, lãnh đạo từ trên xuống dưới phải một nam và một nữ với chế độ chính trị dân chủ bán trực tiếp (chế độ đại nghị là dân chủ gián tiếp qua các đại biểu) và liên kết các xã ấp (theo kiểu Công xã Paris 1871). Tuy vậy, cực chẳng đã, không có sư đoàn 30 thì Hoa Kỳ phải dùng tạm và việc dùng tạm này chấm dứt vào ngày 20-12 với tuyên bố rút quân của ông Trump. Cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis từ chức vì mâu thuẫn sâu sắc với ông Trump về chính sách quốc phòng. Ảnh: Whatsupic Lầu Năm góc cũng... bất ngờ Quyết định này bất ngờ đến mức Lầu Năm Góc cũng... sững sờ và đi ngược lại lời khuyên của Bộ Quốc phòng cũng như các cố vấn. Hai đồng minh được tổng thống Mỹ tham khảo trong khu vực là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Hứa hẹn trước đây của Mỹ là bảo đảm an ninh và không phận của hành lang dọc biên giới cho Rojava tự trị. Sau cuộc đàm thoại với ông Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng xua quân sang Syria và đảm trách an ninh vùng trái độn này. Nếu như vậy thì Mỹ phủi tay với Rojava của người Kurd, nhường sân thí nghiệm dân chủ và bình đẳng, bình quyền của họ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trông coi. Ông Trump tuyên bố đã toàn thắng IS và rút quân về. Theo chính Lầu Năm Góc thì IS chưa đại bại, còn chiếm giữ một khu vực lớn với 30.000 tay súng. Ông Trump bèn tuyên bố là nếu còn IS thì để cho Nga và Iran thanh toán nốt, đỡ mệt cho ta. Dĩ nhiên Iran và Nga sẽ rảnh tay thanh toán luôn các lực lượng chống đối chế độ Assad. Và nếu mọi dự tính tốt đẹp thì Assad, biệt danh là “Người đi trên mây”, sẽ xuống mây cai trị toàn cõi Syria trở lại với Iran và Nga kẻ cầm mâu, bên cầm đao đằng sau trướng. Khu vực Kurd mà chế độ cũng chẳng tha thiết lắm vì có việc gấp hơn sẽ để cho Thổ Nhĩ Kỳ xử lý, làm sao thì làm. Đây là viễn tượng tối ưu, nhưng lịch sử ít khi nào chịu nghe theo các dự tính tốt. Dân quân Kurd dù có bị Thổ Nhĩ Kỳ dẹp cũng sẽ vùng lên gây rối, phiến loạn Syria các loại có bị chế độ đè trở lại cũng sẽ vùng vằng. Theo thành phần “tân bảo thủ” cũng như tư bản toàn cầu hóa tại Washington thì đây là một sai lầm lớn của ông Trump. Tốt thì Nga/Iran tăng ảnh hưởng trong vùng khi Hoa Kỳ cuốn gói. Xấu thì loạn mù trời tiếp diễn như trước đây. Chiến tranh tại Iraq hao công tốn của sau 15 năm can thiệp trực tiếp của Mỹ đã thành công trong việc đẩy quốc gia này vào quỹ đạo của Iran. Chiến tranh 17 năm tại Afghanistan rực rỡ ra sao thì ai cũng thấy, Hoa Kỳ đang nhấp nháy mà thương lượng tay đôi với Taliban. Ông Trump cũng mới đột ngột ra lệnh giảm quân số tại đây còn một nửa, chuẩn bị giã từ để về nhà đóng cửa. Tổng thống Trump là một nhà chính trị ngoại khổ với những bất thường và vô lối kiểu riêng ông, nhưng có một điều ông vô cùng nhạy cảm và không bao giờ quên: đó là ông do ai bầu lên và đâu là quần chúng ông dẫn dụ được. Đó là lý do ông trở thành tổng thống và lãnh đạo một Đảng Cộng hòa cực chẳng đã phải nhận ông làm đại diện và vâng dạ. Ông được lòng 35% cử tri bình dân Mỹ, những người bị công nghệ mới và toàn cầu hóa bỏ rơi trong những mỏ than cũ kỹ, những đồng sâu ruộng xa và những nhà máy mục nát. Ông hứa sẽ mang vinh quang của quá khứ trở lại cho họ, trong một nước Hoa Kỳ cô lập không cần biết Canada ở phía bắc hay phía nam biên giới. Nước Mỹ này vĩ đại một mình, ngồi ăn gà chiên trong buồng ngủ, không cần thi hoa hậu với ai bên ngoài. ■ Bối rối trong nước Hiện trong việc đối nội, ông Trump đang gặp những bối rối chưa từng thấy sau khi Đảng Cộng hòa mất 40 ghế tại Hạ viện, vòng vây điều tra tư pháp đang siết chặt, tay chân uy tín kẻ bị đuổi, người từ nhiệm. Ông chỉ còn cách là chiều dư luận đã đưa ông vào Nhà Trắng, những người bị phát triển kinh tế của nửa thế kỷ qua cười vào mặt, dùng dư luận này và lợi dụng nỗi sợ của họ với bất cứ cái gì ở bên ngoài, như di dân hay Hồi giáo, để chấn chỉnh lại vị trí cá nhân. Còn Syria, Kurdistan hay Afghanistan là gì, ở đâu, họ không cần biết. Tags: Donald TrumpRút quân khỏi SyriaMỹ rút quân
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.