Phóng to |
Công trình đường Cộng Hòa đang trong giai đoạn chạy nước rút để kịp thông xe kỹ thuật vào giữa tháng 9-2003 |
Đền bù giải tỏa chậm, tăng gần 50 tỉ đồng!
Quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Cộng Hòa được UBND TP.HCM ký ngày 29-11-1999. Theo đó, đoạn vòng xoay Cộng Hòa đến đường Hoàng Hoa Thám có chiều dài 1.491m, đoạn từ đường Hoàng Hoa Thám đến Cách Mạng Tháng Tám dài 1.639m; tổng cộng hơn 3km.
Kinh phí đầu tư được duyệt là 73 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp 25 tỉ đồng, đền bù giải tỏa 45 tỉ đồng, còn lại là chi phí dự phòng (ngân sách TP cấp kinh phí đền bù giải tỏa). Bốn tháng sau khi dự án được phê duyệt hội đồng đền bù mới được thành lập, và phải đến tận cuối năm 2000 phương án đền bù trợ cấp thiệt hại mới được duyệt.
Quá trình đền bù giải tỏa (có 431 hộ dân bị ảnh hưởng) để bàn giao mặt bằng thi công cũng không đơn giản. Đầu tiên là việc ra đời quá chậm chạp của phương án đền bù giải tỏa (có sau hơn một năm kể từ ngày dự án được phê duyệt). Khi tiến hành đền bù, nhiều hộ chấp hành việc di dời, nhưng cũng có hàng trăm hộ khác đi khiếu kiện đòi tăng giá.
|
Có 56 hộ sĩ quan quân đội khiếu kiện để được đền bù 2,8 triệu đồng/m2, thay vì chỉ trợ cấp công tôn tạo, giữ đất là 700.000 đồng/m2 do là “đất công, do quân đội cấp”.
Thậm chí có một số trường hợp đất quân đội cấp cho quân nhân sử dụng lại được đền bù tới 15 triệu đồng/m2 (gồm 7 triệu đồng tiền đền bù theo giá đất ở hợp pháp cộng thêm 8 triệu đồng/m2 gọi là “hỗ trợ vì không có đất tái bố trí”).
Lý do phải đền bù với mức... vượt trội như vậy, theo UBND quận Tân Bình, là “nhằm chấm dứt việc khiếu kiện kéo dài”.
Theo Khu quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông công chánh (chủ đầu tư), vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa của công trình này chủ yếu do việc xác định nguồn gốc đất quân đội (cơ sở để tính giá đền bù) không chính xác. Không chỉ chính quyền địa phương mà cả cơ quan chức năng cũng không biết rõ nguồn gốc đất.
Đúng hai năm sau ngày phê duyệt dự án, ngày 20-11-2001, UBND TP phải ban hành quyết định điều chỉnh dự án, theo đó mức đầu tư được chỉnh từ 73 tỉ đồng lên thành 121,8 tỉ đồng (phần chênh lệch gần 50 tỉ đồng là chi phí đền bù giải tỏa).
Làm đường cũng phải... ngó nhau mà làm
“Không những chậm vì đền bù giải tỏa mà các công trình hạ tầng kỹ thuật đi theo như nước, điện, cáp quang... cũng là tác nhân gây chậm” - ông Lê Toàn, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị, nói như vậy; rắc rối nhất vẫn là tuyến ống cấp nước phi 800.
Theo chủ đầu tư, dự án đường ống cấp 1 từ ngã ba Tây Thạnh đến Hoàng Văn Thụ có chủ trương thực hiện từ năm 1999, đồng thời với chủ trương nâng cấp, mở rộng đường Cộng Hòa. Đến năm 2001, khi đường Cộng Hòa khởi công rồi, dự án đường ống nước vẫn chưa tới đâu.
Vào thời điểm đầu những năm 2000, hàng loạt công trình cầu đường triển khai thiếu đồng bộ với việc lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nên đường cứ bị đào lên lấp xuống. Để tránh cảnh “người đào, kẻ xới” (do Công ty Cấp nước chưa xác định được vị trí đường ống nước) và cũng để chờ đền bù giải tỏa nhà, nên công trình đường đành phải làm... cầm chừng.
Vì sao được giao nhưng Công ty Cấp nước không xúc tiến ngay việc đầu tư tuyến ống nước, để công trình đường phải nằm chờ? Theo ông Bạch Vũ Hải, trưởng ban quản lý dự án của Công ty Cấp nước, lúc đầu dự án này được Chính phủ Ý tài trợ, sau đó nước bạn... đổi ý, nên TP phải “ôm” luôn. Do dự án này không cấp bách vì chỉ nhằm điều hòa mạng lưới cấp nước cho TP (đấu nối Nhà máy nước Thủ Đức với Nhà máy nước sông Sài Gòn) nên Công ty Cấp nước cứ... thủng thỉnh.
Không chỉ có chuyện chờ công trình nước, ông Lê Toàn cho biết đường đã phải chờ cả điện, cáp quang, cả nước thải (cống)... “Đúng lẽ các công trình kỹ thuật phải làm trước, đường làm sau, nhưng như hầu hết các công trình trên địa bàn TP, mọi chuyện đều theo một... trật tự ngược lại” - ông Toàn nói. Lý do: ngành kỹ thuật nào cũng... độc quyền và có những qui định riêng. Cái “riêng” ấy đã gây ảnh hưởng nặng đến cái chung.
Chậm, Nhà nước và người dân cùng thiệt
Thiệt hại rõ nhất vẫn là chuyện ngân sách TP (cũng là tài sản của nhân dân) đã tốn thêm mấy chục tỉ đồng tiền đền bù giải tỏa. Hơn nữa, hàng trăm hộ dân sống trong khu vực thi công công trình cũng đã phải chịu đựng quá nhiều bụi bặm, tiếng ồn, đường sá ách tắc...
Chị Xuân, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Cộng Hòa, cho biết doanh số bán của cửa hàng chị giảm bình quân 10-13 triệu đồng/ngày kể từ khi đơn vị thi công bắt đầu đào xới khu vực xung quanh cửa hàng. Chưa kể chi phí trung chuyển, bốc xếp vật liệu xây dựng tăng thêm do phải “né” đường đang thi công. Nếu chỉ tính phần lãi bằng 3% doanh thu, mỗi tháng chị Xuân mất 9-10 triệu đồng mà nguyên nhân không do bất cứ một rủi ro gì trong kinh doanh.
Hiện nay công trình đang trong giai đoạn “chạy nước rút” để kịp thông xe vào giữa tháng 9-2003 (chậm hơn một năm so với kế hoạch). Tuy vậy, trên tuyến đường mới nhiều nắp cống (đều nằm giữa đường) cao hơn mặt đường cả tấc, rất nguy hiểm; các bó vỉa cũng không khít và thường cao hơn mặt đường, nhiều chỗ trên mặt đường bị đọng nước... Không biết khi ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng (sau khi thông xe từ ba tháng đến một năm), những tồn tại về kỹ thuật này có được khắc phục?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận