TTCT - Luật hải cảnh mới của Trung Quốc bị nhận xét đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như đầy những định nghĩa mơ hồ về phạm vi và điều kiện cho phép sử dụng vũ lực. Điểm đáng sợ chính nằm ở chỗ này. Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc ngày 22-1 thông qua Luật hải cảnh sửa đổi. Giới quan sát tập trung vào thay đổi cốt lõi của luật này: cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài.Mơ hồ và nguy hiểmLuật hải cảnh Trung Quốc gồm 11 chương, tổng cộng 84 điều, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021. Trước đó, dự thảo luật sửa đổi này đã trải qua giai đoạn thăm dò, lấy ý kiến công chúng tới ngày 3-12-2020.Một nhóm nghị sĩ Philippines ra cắm cờ ở một mỏm đá thuộc rạn san hô Scarborough vào năm 2017, khu vực này nay đã rơi vào quyền kiểm soát của Trung Quốc. Các động thái phản ứng của những nước trong khu vực, do hạn chế về nguồn lực, đều không đủ để ngăn cản Bắc Kinh tiếp tục chiến lược thâu tóm Biển Đông. Ảnh: AFPTrong chương VI, quy định về “Sử dụng vũ khí và cảnh giới”, cảnh sát biển Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí khi ép tàu bè dừng di chuyển và kiểm tra, cưỡng chế, xua đuổi... Dự thảo luật cũng mở rộng quyền sử dụng vũ khí trên tàu hoặc trên không cho tàu hải cảnh Trung Quốc trong ba trường hợp khác, gồm tình huống thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố trên biển hoặc khi đối phó với các vụ bạo lực hàng hải nghiêm trọng, và khi “tàu và máy bay chấp pháp bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác”.Luật này là nhằm giúp bảo vệ hiệu quả “các quyền lợi trên biển, an ninh, và chủ quyền quốc gia”, theo lời Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư.Đây là diễn biến mới nhất phản ánh mối lo ngại từ giới quan sát về việc Trung Quốc “nâng cấp” hải cảnh, trang bị cho lực lượng cảnh sát biển này nhằm đảm bảo công tác “làm luật” trên biển.Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, hiện đang làm việc tại ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội - lưu ý rằng vào năm 2018, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã được chuyển từ Tổng cục Hải dương Trung Quốc sang Cảnh sát vũ trang Trung Quốc. “Từ khi thành lập vào năm 2013 tới nay, hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động mạnh mẽ trên Biển Đông, nhiều lần chủ động đâm chìm các tàu cá Việt Nam và một số nước xung quanh Biển Đông khác, và là đối tượng chỉ trích của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông cũng như nhiều quốc gia ngoài khu vực Biển Đông”, ông nói.Nhận định này cũng diễn tả sự thật rằng Trung Quốc đang luật hóa một thứ mà họ đã làm từ lâu.Theo GS Jay Batongbacal - giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines, quyết định thông qua luật này nằm trong các nỗ lực lâu nay của Trung Quốc nhằm áp đặt một cách từ từ trên Biển Đông. Còn Gregory Poling - giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI), Mỹ - nhận xét rằng cũng như toàn bộ các luật hàng hải khác của Trung Quốc, nội dung bản dự thảo luật lần này được viết rất mơ hồ, áp dụng với “các vùng biển có quyền tài phán” của Trung Quốc, vốn là một cụm từ vô nghĩa.Luật Trung Quốc mâu thuẫn luật quốc tếĐiểm đáng chú ý là luật này của Trung Quốc mâu thuẫn hoàn toàn với tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà nước này là một thành viên.Mỹ đã hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái khiêu khích mới. Ảnh: Asia NewsMấu chốt nằm ở thực tế “vùng biển có quyền tài phán” mà Luật hải cảnh Trung Quốc đề cập là khu vực chắc chắn gây tranh cãi. Hiện Trung Quốc gần như đơn phương tuyên bố chủ quyền với phạm vi gần hết Biển Đông. Nhiều nước cả trong lẫn ngoài khu vực đều phản đối tuyên bố “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh, Tòa trọng tài ở The Hague cũng đã tuyên, vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu cảnh sát biển Trung Quốc “chấp pháp” tại vùng nước tranh chấp hoặc thậm chí vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác?TS Lê Hồng Hiệp - Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS), Singapore - đặt vấn đề rằng liệu Trung Quốc có thực thi luật tại các thực thể nước này chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa hay Hoàng Sa không. “Hiện theo quy định luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, thì Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách các vùng biển này. Vì vậy, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền nước khác trong các vùng biển này, đó sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn cản tự do hàng hải và tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực” - ông nói.Trong khi tàu chấp pháp trên biển theo luật quốc tế sẽ được phép sử dụng vũ lực trong một số trường hợp nhất định, việc dùng vũ lực không được cho phép nếu điều đó phục vụ mục đích cưỡng chế thực thi các tuyên bố chủ quyền phi pháp. UNCLOS cũng quy định các quốc gia ven biển cần ban hành luật phù hợp với công ước này để quản lý vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia của mình. Như vậy, Luật hải cảnh của Trung Quốc về bản chất là sự hợp thức hóa để nước này tiếp tục đứng ngoài vòng pháp luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982.“Đặc biệt, hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc được nhiều chính phủ và học giả nước ngoài diễn giải là hung hăng, bạo lực và trái với các quy định của luật pháp quốc tế. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như nhiều học giả nước này luôn bào chữa rằng lực lượng hải cảnh cũng như các lực lượng vũ trang khác của Trung Quốc hoạt động theo luật Trung Quốc. Việc thông qua Luật hải cảnh lần này của Trung Quốc về mặt thực chất là củng cố luận điểm này” - PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.Mức độ trắng trợn mớiTrung Quốc tới nay vẫn ngó lơ phán quyết năm 2016 nêu trên, đồng nghĩa Bắc Kinh vốn hiểu rõ những động thái như lần này của họ sẽ vấp phải sự phản đối từ quốc tế, nhưng không coi sự phản đối đó ra gì. Luật hải cảnh mới càng vô lý càng cho thấy Trung Quốc đang hung hăng hơn trong việc triển khai chiến lược chiếm trọn Biển Đông, một cách công khai hơn và hung hãn hơn.Phân tích với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Poling chỉ ra rằng luật mới không hề xa lạ, vì bản thân các nước khác cũng có quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển sử dụng vũ khí khi cần. Nhưng động thái của Trung Quốc nguy hiểm ở hai điểm: “Thứ nhất, luật này có vẻ trao thêm sự tự do cho các sĩ quan Trung Quốc nhằm xác định thời điểm và cách thức sử dụng vũ lực có thể gây chết người. Thứ hai, nó có phạm vi thực thi bao phủ toàn bộ các vùng nước mà Trung Quốc cho là họ có quyền tài phán ở Biển Đông. Đây là thực trạng nguy hiểm cho các cuộc va chạm với Việt Nam hay Indonesia”.Đồng thời, theo phân tích của TS Zach Abuza tại ĐH Chiến tranh quốc gia Mỹ, một chuyên gia an ninh Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến thuật “vùng xám”, giữ tình hình dưới ngưỡng chiến tranh, và hiểu rõ lực lượng cảnh sát biển của mình là một công cụ lợi hại trong chiến thuật này. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh đặt cho cảnh sát biển một “ngưỡng vũ lực chết người” thấp hơn, chắc chắn khả năng gia tăng bạo lực sẽ cao hơn.Trong các trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, hầu hết chuyên gia đều nhận định các quốc gia ven Biển Đông, khu vực biển Hoa Đông và các cường quốc trên thế giới sẽ khó lòng chấp nhận cách “làm luật” của Trung Quốc.Các nước xung quanh cũng đã có những động thái phản ứng. Nhật Bản tuần trước gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. Mới hôm 23-1, Mỹ điều tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng các tàu trong nhóm tác chiến vào Biển Đông nhằm thực hiện tuần tra tại các khu vực được đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế.Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng trong suốt những năm qua, các bên quan tâm đã không ngăn chặn được mưu đồ lấn dần từng bước để độc chiếm Biển Đông từ phía Trung Quốc. Hành động theo hướng “kiên nhẫn chiến lược” của trào tổng thống Mỹ Barack Obama không ngăn được Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Ông Obama thậm chí còn bị nhiều ý kiến cho rằng đã không đủ mạnh mẽ để bảo vệ đồng minh Philippines trong vụ Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012. Tương tự, tổng thống Donald Trump tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc bằng các đợt tuần tra “tự do hàng hải” (FONOPs) dày đặc, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, trừng phạt công ty Trung Quốc tham gia hoạt động ở Biển Đông..., nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện những bước đi cả chiến lược và chiến thuật hòng biến Biển Đông thành “ao nhà”.Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất đặt ra cho Biển Đông và các vùng biển liên quan lúc này là sự thống nhất của các bên cho một cách tiếp cận mới với Trung Quốc. Trong trường hợp này, luật mới của Trung Quốc vô tình có thể là chất xúc tác cho hành động đó, hoặc ít nhất cũng “cho tất cả các nước láng giềng một lý do chính đáng để giả định luật mới này là một công cụ gây hấn”, nói theo ông Poling. ■Hoàn toàn đi ngược UNCLOS 1982“Cần chú ý rằng quy định của luật Trung Quốc trái với UNCLOS, đơn cử quy định tàu quân sự nước ngoài phải xin phép khi đi qua lãnh hải. Luật hải cảnh lần này còn nghiêm trọng hơn ở chỗ cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc “trục xuất” tàu quân sự và tàu chính phủ nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.Ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc xác lập theo UNCLOS, các quy định này đã trái với UNCLOS và nguy hiểm. Đối với tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán sai trái của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, các quy định này càng nguy hiểm hơn. Luật này sẽ biến tàu thuyền của các quốc gia ven biển hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS thành các hoạt động bất hợp pháp [theo diễn giải của Trung Quốc], và là đối tượng để lực lượng hải cảnh Trung Quốc tấn công” - PGS.TS Vũ Thanh CaCác nước khác đều hiểu rõ bản chất Trung Quốc vốn không quan tâm tới pháp quyền. Trước đây họ đã làm thế, và giờ họ sẽ tái diễn điều đó theo những cách khác nhauTS Zach Abuza (ĐH Chiến tranh quốc gia Mỹ) Tags: Biển ĐôngUNCLOSTự do hàng hảiLuật hải cảnh Trung Quốc
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.