Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh?

PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 08:58 GMT+7

TTCT - Cuộc cải cách lớn đang diễn ra với hệ thống chính quyền các cấp, cả về hạ tầng mềm - quản trị lẫn sáp nhập cứng về địa lý, là sự tiếp nối một truyền thống lịch sử đã cả nghìn năm của một nước Đại Việt, rồi Việt Nam, độc lập.

tỉnh - Ảnh 1.

“An Nam quốc trung đô thập tam thừa tuyên, Hồng Đức nhị thập nhất niên (1490)” (Tổng đồ 13 Thừa tuyên và Trung đô 1490). Bản vi phim của Đông Dương văn khố (Nhật Bản), KH. 100891. In lại trong sách Hồng Đức bản đồ (Viện Khảo cổ Sài Gòn, 1962). 13 Thừa tuyên và Trung Đô (trong khung chữ nhật đứng, trên xuống, phải qua) gồm: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Sơn Tây, Kinh Bắc, An Quảng, Trung Đô , Sơn Nam, Hải Dương, Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam. Ảnh chụp từ sách, tư liệu của Phạm Hoàng Quân

Đây là dịp phù hợp để cùng nhìn lại hành trình đó. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân viết riêng cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Phân hoạch cương vực và tổ chức xã hội là công việc mà loài người đã thực hiện suốt nhiều ngàn năm lịch sử. Căn cứ trên văn bản được khắc được viết, giới sử học có thể từng bước phục dựng lịch sử tổ chức và quản lý xã hội. 

Trong lịch sử, Việt Nam cùng những nước đồng văn như Nhật Bản và Triều Tiên tiếp thu tư tưởng văn hóa Trung Hoa, trong đó có mô hình tổ chức hành chính, nên muốn biết rõ quá trình này, cần truy tìm cả trong sử liệu Trung Hoa.

Sử học Trung Quốc có chuyên ngành lịch sử địa lý học rất thịnh đạt, ngành này lại có phân môn địa lý diên cách chuyên nghiên cứu sự kế thừa và thay đổi địa lý, về những sự đặt ra và thay đổi tổ chức hành chánh, cơ cấu, tên gọi các cấp, sự chuyển dịch ranh giới hoặc lỵ sở. 

Sách địa chí hoặc nhất thống chí đều dành riêng một mục nói về "Kiến trí diên cách", kiến trí nghĩa là "dựng đặt", còn diên cách nghĩa là "kế thừa và thay đổi".

Kế thừa và thay đổi

Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn cũng theo mô hình bố cục địa chí truyền thống, đặt phần "Kiến trí diên cách" ở đầu sách. Sách Đất nước Việt Nam qua các đời (1964) của học giả Đào Duy Anh là chuyên thư về địa lý học lịch sử kê cứu khá nhiều về kiến trí diên cách, nhưng giới hạn khảo cứu chỉ đến cấp "huyện".

Dưới cấp huyện, chỉ thấy vài thông tin về "hương, trại, động" ở thời điểm năm 1068, và số "tỉnh, tổng, làng" ở 6 tỉnh Nam Kỳ do Pháp thiết lập hồi năm 1889.

Hiện nay, sách tra cứu về lịch sử tổ chức hành chính khá nhiều, có thể tham bổ qua lại, tiêu biểu như cuối triều Nguyễn có Sử học bị khảo (1876) của Đặng Xuân Bảng, quyển 3 Địa lý khảo (chữ Hán, bản dịch Viện Sử học 1997), Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945-2002) của Nguyễn Quang Ân (2003), Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884) của Nguyễn Minh Tường (2015). 

Bài viết này nói thêm và riêng về những khái niệm cơ bản dùng trong cơ cấu hành chính bắt nguồn từ Trung Hoa, qua đó thấy được những tương đồng và dị biệt của cơ cấu hành chính Việt Nam trong lịch sử.

Nhà Tần thống nhất Trung Quốc, đặt chế độ quận, huyện (cơ cấu 2 cấp). Toàn quốc đặt 40 quận, trong đó Tượng quận có thể là địa bàn miền Bắc Việt Nam ngày nay. 

Thời Hán, về cơ bản cơ cấu 3 cấp (châu, quận, huyện), toàn quốc phân 13 châu và 7 quận trực thuộc (ngang với châu, trực thuộc trung ương). Các châu này quản 105 quận, quốc (quốc là đất phong cho hoàng tộc và công thần, tương đương quận), dưới quận là huyện.

tỉnh - Ảnh 2.

Nguyễn Trãi, một trong những tác giả sách chuyên khảo địa lý đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Wikipedia

Hán thư, phần "Địa lý chí" nói chữ "châu" là kế thừa/phục hồi cách gọi thời Nghiêu Thuấn Vũ, và đến đây, "châu" chính thức là tên gọi khu vực hành chánh dưới trung ương. Cơ quan chủ quản châu là Thứ sử bộ (剌史部), nên châu có sách chép là bộ, thời Hán Thành đế (33-8 TCN) đổi gọi chức Thứ sử là Châu mục (州牧). 

Giao Châu là một trong 13 châu thời Hán, quản 7 quận: Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Giao Chỉ, Hợp Phố, Cửu Chân, Nhật Nam. Trong 7 quận, có 3 quận Giao Chỉ (10 huyện), Cửu Chân (7 huyện), Nhật Nam (5 huyện) ứng với vùng Bắc và Trung Bộ Việt Nam ngày nay. 

Trong khoảng Tần Hán, Tượng quận được Triệu Đà chia ra làm 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân, sau khi nhà Triệu mất, Hán Vũ đế tách đất quận Giao Chỉ đặt thêm quận Hợp Phố, chia quận Cửu Chân làm 2 quận Cửu Chân và Nhật Nam.

Từ Tam Quốc đến cuối Tấn, vẫn áp dụng cơ cấu 3 cấp châu, quận, huyện. Nhà Ngô (Tam Quốc) tách Giao châu làm 2 là Giao châu và Quảng châu. Địa bàn Giao châu đổi làm An Nam đô hộ phủ vào năm 622, thuộc Lĩnh Nam đạo, phủ (府) ngang cấp với châu trong nội địa nhà Đường.

Từ khi tự chủ

Sau Ngô Vương Quyền tự chủ (938), Dư địa chí chép: "Nhà Tiền Ngô chia nước làm 50 phủ, 41 châu, hơn 100 huyện". Sử liệu về thời này không nhiều, với cách chép trong Dư địa chí, chưa rõ lắm về sự phân cấp, số châu ít hơn số phủ tức châu không phải thuộc phủ, mà là một cấp ngang phủ hoặc ngang huyện. 

Có thể đây là tên gọi và cơ cấu tiếp thu thời Đường đô hộ, với 2 cấp, phủ (châu) - huyện, hoặc phủ - huyện (châu). Sử học bị khảo viết: "Mười hai huyện của quận Giao Chỉ đời Hán đến đời Đường chia làm 28 châu", nếu vậy thì số 41 châu thời Tiền Ngô hẳn đã tách ra từ một số châu thời Đường. 

Có 2 địa danh hành chính cấp huyện hiện nay có hậu tố Châu là dấu vết của sự dựng đặt các châu trong lịch sử, Khoái Châu (tiền danh Đằng Châu) xuất hiện sau thời kỳ tự chủ (diện tích nhỏ); còn Diễn Châu vốn tách từ quận Nhật Nam từ thời Đường (diện tích lớn).

Đinh, Tiền Lê chia cả nước làm 10 đạo, phỏng theo tên gọi và cơ cấu nhà Đường. Nhà Lý chia cả nước làm 24 lộ, chữ "lộ" có nghĩa gốc là "con đường" (gần nghĩa với đạo). Dư địa chí chép "Trần chia nước làm 12 xứ", chữ "xứ / 處" có lẽ do chép nhầm, các nguồn khác đều chép "lộ". 

Bên Tống, năm Chí Đạo thứ 3 (997) đổi đạo làm lộ, diễn biến có lúc 15 lộ, 23 lộ, 26 lộ, dưới lộ là châu, dưới châu là huyện, ngang châu có các phủ, quân, giám. Có thể thấy thời Lý Trần phỏng theo tên gọi và cơ cấu hành chánh nhà Tống. 

Sử học bị khảo chép: "Đời Trần đặt lộ, dưới có phủ, châu, trấn". Minh sử chép: "Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) dẹp yên An Nam, có được 48 châu phủ, 168 huyện". 

Nhà Minh chia cả nước gồm 2 trực lệ (Bắc Kinh, Nam Kinh) và 13 Bố chánh sứ ty, dưới là phủ, châu, huyện (thêm trực lệ châu ngang với phủ, tản châu ngang với huyện). Thời Đại Việt bị nhà Minh chiếm đóng (1407- 1427), Minh lập cơ cấu Tam ty (Đô chỉ huy sứ ty, Bố chánh sứ ty, Án sát sứ ty) để cai trị, sửa đổi tên các cấp địa phương, đổi nhiều địa danh hành chính. 

Theo Minh thực lục (Văn bản ngày 1-6 năm Vĩnh Lạc thứ 5), đầu năm 1407, sắp xếp lại gồm 15 phủ, quản 35 châu (tổng cộng 189 huyện, một số trực thuộc phủ, phần nhiều thuộc châu).

tỉnh - Ảnh 3.

Sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bản. Ảnh: huongcuong

Thời Hậu Lê, Thái Tổ chia cả nước làm 5 đạo (Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo, Hải Tây đạo), đặt chức Hành khiển coi sự vụ ở đạo, dưới có phủ, lộ, trấn, châu, huyện, xã. Lê Thánh Tông chia làm 13 thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu. 

Đạo hoặc thừa tuyên trong thời kỳ này nặng về chức năng giám sát, còn trực quản hành chính là các phủ (quản các huyện, châu ki mi). Thừa tuyên (承宣), có nghĩa là "kế thừa và phát huy", đời Quang Thuận đổi 5 đạo làm 13 nơi, đặt cơ quan Tuyên chính sứ ty coi sự vụ, đời Hồng Đức đổi gọi là Thừa tuyên sứ ty, sau lại đổi là Thừa chính (承政). Thừa tuyên là tên gọi tắt một cơ quan, như nay gọi "đảng bộ và ủy ban nhân dân" của một khu vực hành chính cấp cao.

Chúa Nguyễn Hoàng vào đàng trong trấn thủ 2 thừa tuyên Thuận Hóa và Quảng Nam, về sau tự quản độc lập đổi gọi là 2 xứ, mỗi xứ đặt các phủ, dưới phủ có huyện, tổng (tùy nơi đặt các châu, xã, thôn, phường, giáp…), thuộc (ngang tổng, dưới có xã, thôn, phường…). 

Cấp trung gian ở đàng trong có thêm cấp tổng (dưới huyện, trên xã). Tổng (總) có nghĩa gốc là "tụ họp", thời Nguyên, Minh đã có tên gọi chức dịch Tổng giáp (總甲), quy chế thời Thanh, 110 hộ làm một lý, lý chia làm 10 giáp, nên chức việc coi một lý gọi là Tổng giáp, chỉ lo việc đôn đốc nộp thuế và vận động sưu dịch. Nhưng chức dịch Tổng giáp khác xa chức dịch Cai tổng thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, tổng là địa bàn quản lý đến khoảng 10 xã, thôn.

Thời Lê - Trịnh ở đàng ngoài lại đổi 11 thừa tuyên làm 11 trấn. Trấn (鎮), nghĩa gốc là "áp chế, định yên", nghĩa phái sinh là "nơi trọng yếu", thời Nam Bắc triều, Ngụy thư, "Quan chức chí" nói đến việc lập trấn nơi vùng biên, đặt chức Trấn đô đại tướng, coi cả quân dân. 

Chúa Nguyễn đàng trong dùng chữ "trấn" làm tiền tố hậu tố cho địa danh hành chánh như Trấn Biên, Phiên Trấn, Trấn Định (đều là dinh), với ý chỉ vùng đất trọng yếu cần phải định yên. Từ nhà Đường cho đến Minh, Thanh tùy lúc tùy nơi cũng đặt Trấn thủ, nghiêng về việc binh bị. 

Trấn với nghĩa thị trấn (khu vực hành chính thị tứ) như nay vẫn đang gọi, bắt đầu từ thời Tống, sách Sự vật kỷ nguyên, phần "Châu quận phương vực" chép: "Quy chế nhà Tống…, nơi dân tụ cư không đặt làm huyện mà có thu thuế khóa, thì đặt làm trấn".

tỉnh - Ảnh 4.

Bản đồ Đại Nam năm 1844 của Carl Christian Franz (1788-1874), trích bản đồ tổng vùng Đông Nam Á phía đông Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia

Năm 1744, chúa Nguyễn, đổi cách gọi các cấp hành chính, thay phủ làm dinh, toàn cõi gồm 13 dinh, dưới dinh có phủ, huyện (hoặc đạo). Dinh/doanh (營), theo nghĩa cổ nhất trong kinh Thư, nhà Chu dùng với nghĩa "khu vực" (thiên "Thiệu cáo"), đến thời Hán dùng với nghĩa "biên chế đơn vị quân đội" (nay vẫn gọi "doanh trại quân đội"). Lịch sử cơ cấu hành chính Trung Quốc không thấy dùng chữ dinh.

Triều Gia Long đổi cơ cấu, đặt 4 dinh (quanh kinh thành), 7 trấn trực thuộc trung ương, 2 thành (Bắc thành quản 12 trấn, Gia Định thành quản 5 trấn); cấp trung gian vẫn phủ, huyện, tổng. Thành (城) là từ mới trong các cấp hành chính, tương đương "vùng, miền" nay gọi. 

Cổ thư Trung Quốc như kinh Thi, kinh Xuân Thu chỉ dùng chữ "thành" theo nghĩa "thành trì, thành thị", tức khu vực có tường đất đá bao quanh và cửa ra vào, trong lịch sử cũng chưa từng dùng với nghĩa khu vực hành chính có không gian địa lý rộng lớn.

Năm 1832, Minh Mạng đổi cơ cấu, chia cả nước làm 30 tỉnh, chỗ đặt kinh đô gọi là phủ (Thừa Thiên phủ). Cơ chế giám sát thì có hình thức "liên tỉnh", tức 2 tỉnh đặt một chức Tổng đốc, như Tổng đốc Long-Tường quản hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, riêng 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang đặt một chức Tổng đốc. 

Các cấp trung gian vẫn phủ, huyện, tổng. Chữ tỉnh (省), nghĩa gốc là "coi xét". Từ thời Tam Quốc, dùng gọi tên một số cơ quan trung ương; bắt đầu thời Nguyên đặt cơ quan Trung thư tỉnh (中書省) ở triều đình, quản lý sự vụ hành chính toàn quốc, đặt 11 Hành trung thư tỉnh ở các địa phương, tức sau gọi tắt là tỉnh. Từ thời Thanh dùng cách gọi tỉnh đến ngày nay. ■

Còn chữ "phủ", nghĩa gốc là "cơ quan tàng trữ bảo vật và thư tịch quốc gia" (Lễ Ký, "Khúc lễ"), và là "chỗ ở của các quan" (Chu lễ, "Thiên quan"); thời Hán vẫn còn gọi phủ là "nơi tàng trữ thư tịch" (Hán thư, "Giao tự chí").

Nhà Đường còn gọi châu nơi đặt kinh sư là phủ; thời Tống, châu lớn gọi là phủ; từ thời Minh, Thanh, phủ là cấp hành chính trung gian giữa tỉnh với huyện.

Các triều Đại Việt dùng chữ "phủ" tùy lúc có khác cấp đẳng, nhà Nguyễn phân cấp tỉnh, phủ, huyện khá thống nhứt cơ cấu, phủ quản các huyện, châu ki mi, như phủ Điện Biên (tiền danh của tỉnh Điện Biên) đặt năm Thiệu Trị thứ nhứt (1841) quản 5 châu (chưa đặt huyện).

Các nhãn dán châu (州), quận (郡) và huyện (縣) trong sử thư Trung Quốc cũng nhiều thay đổi. Châu thời Hán là khu vực hành chính rất lớn, nhưng thời Thanh thì chỉ ngang huyện, thuộc hàng huyện nhỏ hoặc khu vực biên cương chưa ổn định, nơi trưởng quan gọi là Tri châu, hoặc Châu mục (lại trùng với Châu mục tức Thứ sử thời Hán, là chức quan rất lớn).

Nhà Thanh phỏng theo quy chế thời Đường đặt riêng một loại châu gọi là "phủ châu" (府州) - còn gọi là "ki mi châu" (羈縻州)" (ki mi: ràng buộc) - ở các vùng dân tộc thiểu số. Châu dạng này cũng chia nhiều huyện, đặt Thứ sử và Huyện lệnh, để người dân tộc đảm trách.

Chữ châu này đã có nghĩa khác rất xa so với "cửu châu" trong kinh Thư. Tất cả để cho thấy các khái niệm về địa bàn dân cư thời cổ rất rắc rối, phải hiểu theo từng văn cảnh.

Như mấy câu trong Tây Tiến "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", hay "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy", chính là chỉ các châu xưa, nay thành tên huyện Mai Châu, Mộc Châu (châu Mộc là gọi theo ngữ pháp Việt), hay như địa danh hành chính cấp tỉnh Lai Châu hiện nay, hậu tố "châu" là dấu vết tên gọi châu khi xưa.

Trong khi đó, hậu tố "châu" trường hợp thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) hiện thì chỉ là do đồng âm: Chữ Châu trong Tân Châu (新洲) nghĩa là "cồn, bãi" (gốc từ tên Tân Châu đạo, đặt năm 1757 ở Cù Lao Giêng).

Còn như tên các huyện Châu Thành ở nhiều tỉnh Nam Bộ hiện nay, đều đặt sau thời Nguyễn, không dính dáng với chữ châu trong châu quận, mà là "周城", với chữ châu mang nghĩa "châu vi, bao quanh" (thành phố), tức chỉ vùng xung quanh tỉnh thành, không phải nơi đặt tỉnh lỵ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận