TTCT - Trong lời tựa viết cho cuốn Quê hương tôi (Nhã Nam & NXB Thời Đại - 2012), Nguyễn Hiến Lê có nhận xét về thể loại tùy bút: “Nó rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy, tưởng là dễ viết mà thực ra rất khó; phải có giọng thân mật, hấp dẫn như một câu chuyện thanh nhã giữa những người bạn đồng điệu lúc ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà, lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải thay đổi, có ý vị”. Phóng to Với độc giả Việt Nam, sau bấy nhiêu năm, chúng ta hẳn cũng không cần gì hơn ở tác phẩm “một câu chuyện thanh nhã” như vậy. Đọc tùy bút là nhẩn nha trò chuyện, là thưởng thức một cái tôi thầm kín trong từng nếp nghĩ, nếp nhìn, là quan sát mọi khía cạnh của sự vật ngẫu nhiên một cách tinh tế. Tràng Thiên là một trong những cây bút bậc nhất miền Nam về thể loại tùy bút. Ông được Nguyễn Hiến Lê đánh giá là “sâu sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú hơn, đa dạng hơn” (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn Học - 2006). Năm 2012, cuốn tạp bút Quê hương tôi được in dường như đã giúp độc giả tìm lại được những khía cạnh mất mát trong văn hóa truyền thống dân tộc. Từng lời ăn tiếng nói, mỗi phong tục tập quán, đến những suy nghĩ của người Việt được đong đếm, phân tách rõ ràng. Sau hơn một năm, tập Tạp văn Tràng Thiên được xuất bản (Nhã Nam & NXB Thời Đại) bao gồm 20 bài viết thuộc nhiều thể loại khác nhau như tùy bút, phê bình, đối thoại, lời tựa sách, phỏng vấn được thực hiện từ những năm 1960 đến năm 2000. So với cuốn Quê hương tôi chủ yếu nói về khía cạnh văn hóa, xã hội Việt Nam thì tập Tạp văn này có nội dung đa dạng hơn. Ngoài phong tục tập quán, ngôn ngữ Việt, tập Tạp văn dành ra không ít trang tập trung vào khía cạnh văn chương về việc thưởng thức (đọc) cũng như tạo dựng (viết, dịch) một tác phẩm văn học. Tràng Thiên khảo sát các mảnh ghép nhiều mặt của văn hóa Việt như ngôn ngữ (Tiếng nói và dân tộc tính, Rắc rối cái tiếng đứng trước, Khẩu ngữ), trình diễn (Bài chòi) hay chuyện ăn chuyện đọc của người Việt (Ăn và đọc, Yêu và đọc). Ông cũng bàn đến những vấn đề “đương đại” hơn như chuyện dịch thuật (Dịch thơ, Thơ dịch), trong ba bài phỏng vấn cuối sách ông nói về sự viết, sự đọc ở nước ngoài. Dù bàn về vấn đề gì, ta vẫn thấy ở các tác phẩm của Tràng Thiên nguyên vẹn chất tỉ mỉ, tinh tế nhưng cũng không kém phần dí dỏm, hài hước, đôi chỗ châm chọc sâu cay của ông. Như ở bài Thơ dịch, Tràng Thiên ví ý thơ là “xương”; ngôn ngữ, nhịp điệu thơ là “thịt”. Dịch thơ chỉ có thể dịch ý (xương), và vì thế mà “Thơ dịch không phải là thơ”. Ông không quên một chút giễu nhại: “Tôi nghĩ đến ngày Truyện Kiều được dịch sang đủ 160 thứ tiếng của các nước trong Liên Hiệp Quốc, ngày xương cốt Kiều tung tóe đó đây!”. Tràng Thiên có cách mở đầu và kết thúc vấn đề nhẹ nhàng nhưng thâm trầm. Bao giờ ông cũng khai cuộc bằng một quan sát tưởng như thoáng qua, để rồi kết luận được nâng lên qua hàng loạt suy đoán, khẳng định nhạy bén. Nếu như ở Quê hương tôi, bạn đọc có thể quen với những cặp đôi bài viết tương hỗ cho nhau như: Chiếc áo dài và Lại chiếc áo dài, Chửi và Chửi tục, Không cười và Không cười thế mà hay, Anh Bình Định và Người Bình Định... thì trong tập Tạp văn này bạn đọc dễ dàng gặp lại cách bố trí đó với bộ ba: Ăn và đọc, Yêu và đọc, Ăn và yêu hay cặp đôi Thơ dịch và Dịch thơ. Cũng chuyện ăn, chuyện đọc, chuyện trai gái yêu đương, Tràng Thiên đưa đôi mắt nhuần nhị của mình thẳng vào một thói quen, một cá tính, hay rộng hơn là một nền văn hóa. Ánh mắt ấy tuy sắc bén nhưng không giấu nổi những xót xa, nuối tiếc trước sự dễ dãi, thiếu cân bằng trong tác phẩm và con người đương đại. Vì thế, cuốn tạp văn lần này không còn đơn thuần chỉ là cái nhìn về quá vãng và một lần nữa ông lại mang đến cho chúng ta một mảnh ghép quan trọng của văn học nước nhà, để đọc và suy tưởng sâu hơn về con người và văn học Việt Nam, cả xưa lẫn nay, cả trong nước lẫn ngoài nước. Tags: Tạp bútTùy bútTràng ThiênQuê hương tôi
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.