TTCT - Một cuốn sách giáo khoa tốt, theo thiển ý của người viết, là phải đầy đủ và dễ hiểu, đủ để học sinh tự học dựa vào sách mà không cần lên lớp chờ nghe giảng. Chính vì thế, sách giáo khoa nước ngoài, ít nhất là những cuốn người viết có dịp cầm lên tay, đều dày cộp, trình bày công phu, có điểm nhấn, có minh họa, khổ sách lớn. Vì nhiều lý do, sách giáo khoa của chúng ta chưa đạt đến mức này, sách viết ngắn gọn như kiểu đánh đố; vừa khô khan vừa khó theo dõi, lại không có gì hấp dẫn người đọc. Đây phần nào cũng là lý do vì sao học sinh ngoài giờ lên lớp phải đi học thêm; nhà em nào có điều kiện thì tìm cách mua thêm sách hướng dẫn dành riêng cho giáo viên, sách bài tập, sách tham khảo - cộng lại có lẽ cũng dày bằng sách thiên hạ. Ai nấy đều mong chờ tình hình sách giáo khoa sẽ có nhiều thay đổi khi chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” được triển khai. Đây không phải là chuyện “nói chơi cho có”, vì đã được ghi vào một nghị quyết của Quốc hội ban hành năm 2014. Dù lộ trình thực hiện sau đó được một nghị quyết khác điều chỉnh vào năm 2017, mọi việc chuẩn bị vẫn được tiến hành; Bộ GD-ĐT cũng đã chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học làm nền tảng để biên soạn sách giáo khoa mới vào cuối năm vừa rồi. Thế nhưng phát biểu mới đây của lãnh đạo Quốc hội cho rằng chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cần có lộ trình thực hiện, khi nào đất nước đảm bảo các điều kiện kinh tế - xã hội đáp ứng thì áp dụng làm một số nhà giáo đang tâm huyết biên soạn sách giáo khoa mới cho môn học của mình băn khoăn. Tuy nhiên, nỗi lo nhiều sách giáo khoa sẽ làm loạn môi trường giáo dục là một nỗi lo cần bàn thấu đáo. Thật ra chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đã có những chốt chặn rất chặt chẽ. Trước tiên, chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn và công bố là bản vẽ rất chi tiết mà bất kỳ tác giả nào muốn biên soạn sách giáo khoa phải dựa vào. Ở đây làm gì có chuyện sách giáo khoa muốn nói gì thì nói, dạy gì thì dạy cho được. Thứ hai, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, dự kiến được sử dụng rộng rãi, nếu không muốn nói là hầu như tất cả các trường đều chọn dùng. Thứ ba, sách giáo khoa khác trước khi ra đời phải được một hội đồng quốc gia thẩm định dựa trên các tiêu chí đánh giá cũng do Bộ GD-ĐT ban hành, rồi các trường muốn chọn bộ sách nào để đưa vào giảng dạy phải có ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh... Ở đây không có chuyện ai cũng viết sách được, cũng phát hành sách được. Thế chúng ta kỳ vọng gì ở môi trường “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” khó đáp ứng như thế? Dù khó, một chút cạnh tranh, một chút thúc đẩy nâng cao chất lượng, một chút sáng tạo cũng đã rất quý cho học sinh đang sống trong một thời đại thay đổi chóng mặt như hiện nay. Trong hàng ngàn người thầy dạy môn văn, môn toán vẫn nổi lên một hai người với năng khiếu sư phạm đặc biệt, truyền cảm hứng, kích thích sự tò mò ở học sinh, dựng lên cho các em các thử thách mà các em thèm muốn được vượt qua. Sách cũng vậy, cũng những con chữ như thế nhưng vào bàn tay nhào nặn của người tài sẽ như dòng điện chạy qua người đọc, bắt họ đọc tiếp, tìm hiểu tiếp, lật đến trang sách cuối cùng vì bản thân kiến thức đem lại chứ không phải vì điểm, vì giải bài tập. Người viết ước ao sẽ có một ngày không xa được đọc một cuốn sách giáo khoa môn vật lý như cuốn sách bằng tiếng Anh có dịp đọc cách đây chừng 10 năm. Các trang đầu đọc vì tò mò xem thiên hạ soạn sách giáo khoa như thế nào, sau đó người viết bị cuốn hút vào câu chuyện tác giả kể, rồi mày mò tự trả lời các câu hỏi cuối mỗi chương, như thể không trả lời được là có lỗi với tác giả đã cất công trình bày mọi thứ rất lớp lang cho mình. Cuối cùng, không còn cái cảm giác đang đọc sách giáo khoa nữa - chỉ là một cuốn sách hay mà thôi. Sách giáo khoa do bộ soạn sẽ phải chân phương để áp dụng được trên quy mô đại trà, nhưng sách giáo khoa do các cá nhân biên soạn rất có thể sẽ dày gấp ba; rất có thể sẽ đưa phần bài tập lên mạng để có sự tương tác; rất có thể sẽ kèm video minh họa, truy cập được nhờ vào một trang web nào đó; rất có thể sẽ có phần bắt học sinh đứng ra giảng bài tiếp cho cả lớp. Tại sao một ước mơ đơn giản như thế mà cũng phải chờ “khi nào đất nước đảm bảo các điều kiện kinh tế - xã hội đáp ứng thì mới áp dụng”?■ Tags: Sách giáo khoaBộ sách giáo khoa
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian qua.