
Ông Võ Khắc Thái - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Phước Lộc - phó bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng với ông Nguyễn Mạnh Cường - trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy tham gia buổi gặp gỡ 370 cán bộ công đoàn tiêu biểu - Ảnh: VŨ THỦY
Sáng 18-2, hơn 300 cán bộ công đoàn tiêu biểu đại diện cho hơn 1,5 triệu đoàn viên, người lao động tại TP.HCM đã tham gia chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Tại cuộc gặp, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến được Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc đánh giá là xác đáng, sát sườn.
Chăm lo nhà ở cho người lao động
Ông Củ Phát Nghiệp thông tin sau giai đoạn khó khăn, đến nay PouYuen đang mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng gia tăng, nhưng gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động.
Theo đó, trong năm nay công ty này có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 lao động cho việc mở các chuyền mới. Tuy nhiên dù đã có nhiều chính sách thu hút tuyển dụng, thưởng cho người giới thiệu nhưng vẫn khó tuyển đủ.
Lý giải điều này, ông Nghiệp cho rằng hiện nay các khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… ngày càng nhiều. Những nơi này phát triển rất nhanh giúp người lao động có nhiều lựa chọn công việc hơn, và nhiều người ở lại quê nhà làm việc, gần gia đình hơn.
Trong khi đó, người lao động đến TP.HCM chịu thêm nhiều gánh nặng về chi phí sinh hoạt đắt đỏ, học tập cho con cái và đặc biệt là vấn đề nhà ở.
"Khi có thông tin về nhà ở xã hội, người lao động rất quan tâm và họ trông mong không biết khi nào mới tới mình đây. Việc phải chi trả cho chi phí thuê nhà ở trong khi mức lương tối thiểu vùng của người lao động so với thành phố và các tỉnh chênh lệch không nhiều, nên người lao động chọn làm việc ở quê nhà, lại được gần gia đình, cha mẹ, con cái, bạn bè", ông Nghiệp chia sẻ.
Thực tế hiện có nhiều cặp vợ chồng làm việc tại TP.HCM phải gửi con cái cho cha mẹ ở quê, hay chồng làm ở TP.HCM nhưng vợ con lại ở quê. Vì vậy, chỉ có chính sách nhà ở xã hội bán với giá phù hợp thu nhập mới mong người lao động ngoại tỉnh tính toán lại.
"Dù sao TP.HCM cũng là nơi đất lành chim đậu. Nếu sau 20-30 năm làm việc người lao động có căn nhà riêng mơ ước, được ở cùng gia đình, không còn bận tâm vì nhà ở mới có thể tập trung làm việc, gắn bó lâu dài, đầu tư ăn học cho con cái", ông Nghiệp kiến nghị.

Ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, chia sẻ về tình trạng thiếu lao động cũng như mong mỏi của người lao động về nhà ở xã hội - Ảnh: VŨ THỦY
Đề xuất tăng mức thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân
Ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH may Song Ngọc (quận Bình Tân) - cũng nêu khó khăn trong tuyển dụng lao động khi đơn vị này mở thêm chuyền mới trong năm nay.
Ông Sơn nói tình trạng chung hiện các doanh nghiệp tại TP.HCM rất khó tuyển lao động, đặc biệt các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử dù yêu cầu tuyển đơn giản, không cần trình độ cao hay khống chế độ tuổi.
Nguyên nhân dễ thấy nhất là phần lớn các tỉnh có đông lao động đến TP.HCM đều đã có khu công nghiệp, nên nhiều người đã ở quê làm việc để gần gũi gia đình.
"Để hỗ trợ thu hút lao động, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của chính quyền thành phố. Cần điều chỉnh mức tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc. Không thể đánh đồng giữa các tỉnh, thành vì chi phí và giá cả của TP.HCM thuộc loại đắt nhất cả nước", ông Sơn nêu.
Lắng nghe 13 lượt ý kiến của cán bộ công đoàn tiêu biểu tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Phước Lộc đề nghị Liên đoàn Lao động TP.HCM phải ghi nhận đầy đủ và xem xét để xây dựng các giải pháp phù hợp, đề đạt với các cơ quan liên quan.

Ông Phan Văn Anh (phải) - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - lì xì cho cán bộ công đoàn tiêu biểu TP.HCM - Ảnh: VŨ THỦY
Ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - đề nghị nhiều nhiệm vụ cụ thể mà Công đoàn TP.HCM cần tập trung thời gian tới. Trong đó có việc tổ chức các cuộc đối thoại ở cấp doanh nghiệp về tiền lương, thưởng, giờ làm việc.
Song song đó cần có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên người lao động từ nguồn tài chính của công đoàn, hướng mạnh về công đoàn cơ sở để xây dựng đội ngũ công đoàn vững mạnh.
"Chúng tôi cho rằng công tác đối thoại, ký thỏa ước lao động mang lại điều kiện có lợi hơn cho người lao động là chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động", ông Anh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận