TTCT - “Nếu có kế hoạch đô thị hóa bờ sông, tôi đề nghị xem xét khái niệm thiết kế Xây dựng với thiên nhiên”. Joep Janssen, kiến trúc sư, chuyên gia đô thị đồng bằng người Hà Lan, tác giả của Living with the Mekong (2015) - cuốn sách về những tác động của biến đổi khí hậu với cuộc sống người dân đồng bằng sông Cửu Long - gửi đến TTCT bài viết như một gợi ý đáng tham khảo cho câu chuyện phát triển đô thị dọc theo các con sông. Những cơ hội bên bờ sông Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng. Điều này là hiển nhiên tại các thành phố lớn như Hà Nội. Việc di dân vào thành phố dường như không thể dừng được và vì vậy nhu cầu về nhà ở cũng trở nên cấp bách. Do đó tôi không ngạc nhiên khi Chính phủ có kế hoạch xây dựng dọc theo sông Hồng. Con sông mở ra một cái nhìn khác cho Hà Nội. Thành phố thể hiện bản thân nó như là một thành phố năng động rất có tính xây dựng khi nghĩ về nước như một cơ hội, chứ sẽ không biến thành một “lục địa Atlantis” huyền bí của Việt Nam. Hà Nội là một thành phố nước với những cơ hội chưa từng có về môi trường sống mới và giao thông đường thủy, điều đó ắt hẳn họ đã phải nghĩ đến khi họ lên kế hoạch rồi. Và hãy thành thật: ai mà không muốn tái tạo lại dọc bờ sông hay trải nghiệm cảm giác phóng tầm mắt ra mặt sông từ căn hộ của mình? Trong một thời gian dài, thông điệp này không phải là điều ai cũng nghĩ đến. Ví dụ, đối với những người nông dân và ngư dân ở đồng bằng sông Hồng, nước luôn vừa là bạn vừa là thù. Chuyện đó nằm trong ADN của họ rồi. Họ đã trở nên kiên cường trước sức mạnh của thiên nhiên, bởi vì họ đón nhận chu kỳ tự nhiên: mùa khô và mùa mưa, gieo hạt và thu hoạch, và cân bằng giữ nước mặn và nước ngọt như một phần của động lực học cửa sông. Đối với họ, việc phá vỡ chu kỳ này là cực kỳ khó. Tuy nhiên, xã hội đô thị đang phá vỡ chu kỳ này một cách đột ngột, bởi vì thành phố đang di chuyển trên một đường thẳng về phía trước - theo lịch trình của chính trị và thương mại. Chính quyền băn khoăn rằng liệu đây có phải là thời điểm cho sự xuất hiện của một thành phố khác hay không, còn các nhà phát triển thì kỳ vọng rằng thành phố sẽ kiếm được lời từ một cơn quyến rũ đô thị mới. Với những điều này trong tư tưởng, việc mở rộng sử dụng các bờ sông - một khu vực mà cho đến gần đây vẫn dường như không thể ở được - làm nhà ở, công viên và phát triển kinh tế cũng là điều hợp lý. Các công trình nền và cọc ở khu vực đầm lầy này sẽ tiêu tốn nhiều tiền hơn các nơi khác tại Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi lại ít lo lắng nhất về chuyện tốn tiền xây nền cho các tòa nhà và đường sá. Đô thị hóa và lũ lụt Điều tôi thực sự lo lắng là nguy cơ gia tăng lũ lụt khi các khu vực dễ bị ngập lụt biến thành những tòa nhà và đường sá. Nếu bạn có kế hoạch đô thị hóa bờ sông, tôi đề nghị xem xét khái niệm thiết kế “Xây dựng với thiên nhiên”. Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng các nguyên tắc thiết kế sinh thái và kỹ thuật để phát triển cơ sở hạ tầng thủy lực hiệu quả và bền vững hơn. Những biện pháp cứng rắn đối với nước như xây đập nước và đê điều không còn quan trọng nữa, mà thay vào đó là những cấu trúc mềm mại hài hòa với nước, như bờ sông dốc nhẹ và các công viên thủy triều. Dẫu vậy, dù bạn có nhận ra quy hoạch đô thị dựa trên những nguyên tắc “Xây dựng với thiên nhiên” thì sự can thiệp vẫn sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác của thành phố. Nước cần được chuyển đi đâu đó. Điều này sẽ là một rắc rối, bởi vì cũng có một số dự án đô thị như thế này với tác động nặng nề đến chế độ thủy văn ở đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, toàn bộ hệ sinh thái đồng bằng đang bị đe dọa bởi những thay đổi do con người gây ra, như phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng nông nghiệp, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình hình với lượng mưa thất thường, đồng thời làm lũ lụt và hạn hán tồi tệ hơn. Sự mở rộng đô thị của Hà Nội cho thấy rằng cuộc tranh luận phải được tổ chức trên một nền tảng rộng lớn hơn. Có thể sẽ hữu ích khi liên hệ khu đô thị mới của Hà Nội với các dự án khác có ảnh hưởng lớn đến các sông ngòi và hệ thống đồng bằng. Vì vậy tôi đề xuất xây dựng một “Kế hoạch đồng bằng sông Hồng” bao gồm tầm nhìn dài hạn về an ninh lương thực và nước, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững để đảm bảo xử lý hiệu quả thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong kế hoạch đồng bằng này, dự án phát triển sông của Hà Nội sẽ là điểm nóng được phát triển cùng với những sự can thiệp quan trọng khác ở đồng bằng. Một kế hoạch như vậy giúp Chính phủ dễ dàng lựa chọn mở rộng Hà Nội ra sông hay làm ngược lại - tạo không gian cho sông. Thành phố Nijmegen trong quá trình cải tạo con sông Waal-Aeropicture Nhìn vào Hà Lan Cuộc tranh luận hiện tại ở Hà Nội nhắc tôi về tình hình ở Hà Lan. Giống như Hà Nội, nhiều thành phố ở Hà Lan cũng dễ bị lũ lụt. Năm 2008, Chính phủ Hà Lan đã đưa ra “Kế hoạch đồng bằng” nhằm nâng cấp hệ thống phòng chống lụt lội để đối phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch này không chỉ bao gồm nâng cấp hàng ngàn cây số đập và đê, mà đó là một chiến lược toàn diện về an toàn nước, sự khan hiếm nước ngọt trong tương lai, quản lý rủi ro lũ lụt và quy hoạch không gian của các khu đô thị mới và cơ sở hạ tầng. Một trong những phần quan trọng nhất của kế hoạch là chương trình Room for the river (Không gian thoát lũ cho sông) nhằm tạo cảnh quan sông an toàn và hấp dẫn hơn. Hơn 30 con sông quan trọng khắp cả nước đã được thay đổi, bao gồm sông Waal ở thành phố Nijmegen. Thành phố này muốn mở rộng vì cần nhiều nhà ở giá rẻ hơn trong thời gian ngắn. Vì không thể mở rộng trong trung tâm thành phố cũ vì các giá trị văn hóa và lịch sử, do đó Nijmegen có kế hoạch xây dựng một khu đô thị mới ở phía đối diện của con sông. Thành phố đã di dời một số con đê để tạo ra một vùng ngập rộng và sâu hơn. Bên cạnh đó, một con kênh mới cũng được xây dựng trong vùng ngập đó. Sự mở rộng của con sông này tạo ra một hòn đảo độc đáo trên con sông Waal và cho phép các dòng nước lũ trong tương lai có thể luân chuyển mà không đe dọa thành phố. Và các cây cầu mới đang được xây dựng, kết nối hòn đảo này với cả hai bên bờ sông. Cuối cùng, Nijmegen sẽ có một trái tim đô thị mới ngay giữa lòng sông đang đe dọa sự tồn tại của thành phố này trước đây. Đây là một ví dụ điển hình chứng minh rằng một thành phố nước phải đối mặt với đô thị hóa và biến đổi khí hậu vẫn có thể tạo ra một nơi an toàn và hấp dẫn để sống trong tương lai. Điều đó còn tùy ở bạn. Bạn muốn thành phố của mình sẽ như thế nào? (NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ) Kể từ khi thực hiện chính sách kinh tế đổi mới, thành phố đã phát triển độc lập với thiên nhiên. Sông Sài Gòn và hai chi lưu của nó vẫn còn ở đó, nhưng nhiều kênh rạch đã được thay thế bằng đường bêtông. Bên cạnh đó, do thiếu quy hoạch hiệu quả, sự tăng trưởng mật độ cao trong nội thành còn làm giảm đi không gian xanh - những không gian mở có thể bảo vệ thành phố chống lại nhiệt độ khắc nghiệt và ngập lụt. Nếu các bạn không hành động và việc đô thị hóa vẫn tiếp tục, hai phần ba thành phố sẽ rơi vào tình trạng ngập thường xuyên vào năm 2025 và các chi phí kinh tế để giải quyết chuyện đó có thể là rất lớn. (trích trả lời phỏng vấn Joep Janssen trên TTCT ngày 10-3-2016) Tags: Đô thị ven sôngSông trong đô thịSông và đô thịMở rộng ra sông
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ THÀNH CHUNG 27/01/2025 Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Trọng tài bị dọa giết sau khi rút thẻ đỏ cầu thủ Arsenal ĐỨC KHUÊ 27/01/2025 Trọng tài Michael Oliver trở thành mục tiêu tấn công trên mạng sau quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Arsenal và Wolverhampton cuối tuần rồi.