
Thu hoạch lúa ở mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải được triển khai từ vụ thu đông 2024 ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp quy mô 43,1ha với 20 hộ tham gia.
Kết quả mô hình giảm lượng phân, giảm 1 lần phun thuốc trừ sâu, giảm 2 lần thuốc trừ rầy và giảm 2 lần thuốc trừ bệnh. Thống kê cho thấy chi phí giảm 1,6 triệu đồng/ha, giảm giá thành sản xuất 578 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn 5,3 triệu đồng/ha, giảm phát thải bình quân 4,92 tấn CO2 tương đương/ha.
Đến vụ đông xuân 2024-2025 mở rộng mô hình lên 50ha với 24 nông dân tham gia. Kết quả giảm lượng 52 - 87kg/ha phân bón các loại; giảm 3 lần phun thuốc/vụ; giảm chi phí sản xuất 2,63 triệu đồng/ha, giảm giá thành 942 - 971 đồng/kg và lợi nhuận cao hơn 8,6 - 9 triệu đồng/ha; giảm phát thải bình quân 3,91 tấn CO2 tương đương/ha.
Tính đến tháng 3, diện tích tham gia đề án là 25,5ha, đạt 51% kế hoạch năm 2025. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn chỉ đạo điều chỉnh tăng diện tích phấn đấu tham gia đề án năm 2025 là 75.000 ha, đến năm 2030 đạt 161.000 ha.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ vụ hè thu 2024 đến nay, với tổng diện tích tham gia là 14.493ha.
Thông qua việc tham gia dự án chuỗi lúa gạo bền vững, nông dân trồng lúa áp dụng các gói công nghệ canh tác lúa tiên tiến, đảm bảo một số yếu tố về kỹ thuật canh tác góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm ô nhiễm hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học và các loài thiên địch.
Đây được xem là tiền đề thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận